Chia sẻ những tip thiết thực

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh

Phát biểu cảm nghĩ về bài Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh để thấy những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ cùng tình bà cháu sâu nặng. Như nhà văn Nga Ê-ren-bua từng viết “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê đã trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Quê hương từ những kí ức ngày thơ, từ tình thân gia đình, từ những điều bình dị… được thể hiện rõ nét khi tìm hiểu và phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh. Trong nội dung bài viết dưới đây, Tip.edu.vn sẽ giúp bạn có được những ý văn hay khi cảm nghĩ về bài Tiếng gà trưa. 

Mở bài: Trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, Xuân Quỳnh nổi bật lên là một gương mặt tiêu biểu mang đậm bản sắc riêng, một nhà thơ nữ có vị trí quan trọng của nền văn học Việt Nam hiện đại. Thơ Xuân Quỳnh được đánh giá là “tiếng nói rất riêng của một tâm hồn phụ nữ thông minh, sắc sảo và đầy yêu thương”. Thời gian không làm cho những tác phẩm thơ bà bị chìm vào lãng quên mà qua sự sàng lọc của nó, thơ của bà ngày càng được khẳng định. Bài thơ Tiếng gà trưa là một trong những minh chứng điển hình cho phong cách nghệ thuật của nữ sĩ. 

Đôi nét về tác giả Xuân Quỳnh và tác phẩm Tiếng gà trưa

Những nét chính về tác giả cùng tác phẩm sẽ giúp bạn có được những thông tin hữu ích trong quá trình phát biểu cảm nghĩ về bài Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh. 

Những nét chính về nhà thơ Xuân Quỳnh

Nhắc đến Xuân Quỳnh người ta luôn nhớ đến một nữ nhà thơ trẻ đến với làng thơ rất sớm và ra đi cũng vội vã bất ngờ. Bà sinh năm 1942, mất năm 1988. Hơn hai mươi năm cầm bút, thời gian không dài nhưng Xuân Quỳnh đã để lại một số lượng tác phẩm không nhỏ (khoảng 10 tập thơ và một số truyện viết cho thiếu nhi). 

Nói về thơ của Xuân Quỳnh, Vương Trí Nhàn nhận xét: “Xuân Quỳnh đã có được điều cần thiết nhất đối với một tác giả thơ: một cách nghĩ và một cách nói của riêng mình”. Chế Lan Viên đã trích bài thơ Tiếng gà trưa để nhận xét rằng: “Một ổ trứng bình thường thôi, trong mắt Xuân Quỳnh, đã thành một giấc mơ rực rỡ”.

Hoàn cảnh ra đời bài thơ Tiếng gà trưa

Bài thơ Tiếng gà trưa được sáng tác vào ngày 2 tháng 7 năm 1965, viết trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ, in lần đầu trong tập Hoa dọc chiến hào.

phát biểu cảm nghĩ về bài tiếng gà trưa
Phát biểu cảm nghĩ về bài Tiếng gà trưa của nhà thơ Xuân Quỳnh

Phát biểu cảm nghĩ về bài Tiếng gà trưa của nhà thơ Xuân Quỳnh 

Tiếng gà trưa trên con đường hành quân, tiếng gà trưa cùng những tâm tình thuở nhỏ, tiếng gà trưa là động lực chiến đấu cho người cháu… là những điểm chính khi phát biểu cảm nghĩ về bài Tiếng gà trưa của tác giả Xuân Quỳnh. 

Tiếng gà trưa vang lên trên đường hành quân

Tiếng gà trưa là tiếng thơ vừa sôi nổi vừa đằm thắm mà tha thiết, trong sáng. Tiếng gà trưa vừa là lời thơ, vừa là những âm thanh giản dị gọi về những kỉ niệm da diết về một nơi chốn bình yên của con người. Đó là những cảm xúc ấu thơ của một người lính, nó khơi gợi lên những kỉ niệm tươi đẹp nhất, giản dị nhất, thân quen nhất của người chiến sĩ với người bà, với làng quê của mình. Cũng chính nhờ những kỉ niệm tươi đẹp đó mà người lính càng thêm yêu quê hương hơn. Và nó đã trở thành niềm động viên lớn nhất đối với người lính trẻ khi phải chiến đấu ngoài mặt trận.

“Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai nhảy ổ:

“Cục… cục tác cục ta”

Thời gian trôi qua thì không bao giờ trở lại. Dòng quay của bánh xe thời gian có thể thay đổi mọi thứ nhưng có một điều mà nó không bao giờ thay đổi đó là những rung động, những cảm xúc do kỉ niệm tuổi thơ đem lại mà mỗi người đều có. 

Những cảm xúc đó có thể gắn liền với những điều cao cả, tươi đẹp nhưng nó cũng có thể gắn liền với những hình ảnh rất đỗi gần gũi, thân quen, nó có thể là những “bếp lửa” hồng, là những câu chuyện cổ tích bà hay kể, những trò chơi dân gian cùng với lũ bạn mỗi khi chiều về hoặc đơn giản chỉ là tiếng gà “Cục… cục tác cục ta”. Tiếng gà trưa chính là những cảm xúc như vậy: giản dị, thân thuộc nhưng lại da diết, bồi hồi…

Bài thơ là tiếng lòng của người lính trẻ, là những cảm xúc bất chợt hiện về trong kí ức anh trên con đường hành quân, khi đi qua một xóm nhỏ. Tiếng gà nhảy ổ thứ âm thanh bình thường mà ta có thể dễ dàng bắt gặp khi đi qua ở bất kì làng thôn nào, nhưng khi xuất hiện trong bài thơ lại trở nên thật đặc biệt. Nó như thắp lên ngọn lửa yêu thương, khiến cả một trời kỉ niệm như ùa về… Cứ thế tiếng gà trưa đã làm “xao động” nắng trưa và cả tâm hồn của người lính trẻ.

Những tình cảm của người lính càng trở nên da diết hơn khi Xuân Quỳnh đã khéo léo tạo nên sự chuyển đổi cảm giác tinh tế khiến cho giọng thơ thêm phần ngọt ngào, tha thiết, bồi hồi bằng cách sử dụng điệp từ “nghe” ba lần. Âm thanh ấy như tiếng trống dồn dập, như muốn tiếp thêm động lực cho người lính, khiến cho đôi chân anh bớt mỏi, cho lòng anh xúc động dạt dào.

“Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ”.

Khi phát biểu cảm nghĩ về bài Tiếng gà trưa sẽ thấy tiếng gà trưa ấy càng ngày càng khiến những kỉ niệm của người lính trở nên rõ nét và mãnh liệt hơn.

“Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng

Này con gà mái mơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng.”

Chỉ là âm thanh vang vọng thôi cũng khiến cho người lính trẻ sống lại, nhớ lại hình ảnh của ổ rơm, của đàn gà đông đúc mà bà đã tần tảo chăm sóc sớm hôm. Những hình ảnh, những gam màu tươi sáng cứ thể hiện về như muốn lấp đầy cả kí ức người lính. 

Có màu hồng của trứng gà trong ổ rơm. Có “đốm trắng” của con gà mái mơ hoa. Có “lông óng như màu nắng” của con gà mái vàng. Có thể thấy, Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh không chỉ là thơ mà còn là một bức tranh làng quê tuyệt đẹp bởi nghệ thuật phối sắc của Xuân Quỳnh rất tài tình. Đọc thơ Xuân Quỳnh ta như đang được chiêm ngưỡng một bức tranh thật sống động.

Tiếng gà trưa gắn với những tâm tình tuổi nhỏ

Phát biểu cảm nghĩ về bài Tiếng gà trưa để thấy tiếng gà trưa đầy kỉ niệm của tâm tình tuổi thơ. Không chỉ gợi lên trong tâm trí người lính hình ảnh của một làng quê nhỏ mà “tiếng gà trưa” còn gợi lên hình ảnh của một người bà thân yêu. Những lần nghịch ngợm lén xem gà đẻ trứng để rồi bị bà mắng, rồi sau đó lại lo lắng khi sợ bị lang mặt. Những kỉ niệm “trẻ con” ấy thật vui, thật hài hước mà đến bây giờ ta có muốn quay trở lại cũng không thể được. Tuy vậy, nó vẫn luôn in sâu trong tâm trí người lính trẻ. Nó mãnh liệt đến nỗi chỉ cần một tiếng gà thôi cũng đủ khuấy động cả một trời kí ức đó.

“Tiếng gà trưa

Có tiếng bà vẫn mắng

Gà đẻ mà mày nhìn

Rồi sau này lang mặt

Cháu về lấy gương soi

Lòng dại thơ lo lắng”.

Hay đó còn là sự lo lắng của bà khi mùa đông tới, bà lo lắng vì sợ cái giá lạnh của mùa đông sẽ làm đàn gà toi mất, bà sợ đứa cháu nhỏ không có manh áo mới để mặc khi năm mới về. Bà cứ thế “chắt chiu”,  tay khum khum soi từng quả trứng. Bà chăm sóc đàn gà bằng tất cả sự yêu thương dành cho đứa cháu nhỏ để mua cho cháu bộ quần áo mới.

“Khi gió mùa đông tới

Bà lo đàn gà toi

Mong trời đừng sương muối

Để cuối năm bán gà

Cháu được quần áo mới.”

Những bộ quần áo tuy đơn giản nhưng đó là cả tấm lòng của bà. Chúng không chỉ được đổi bằng tiền bán gà mà còn được đổi bằng những tần tảo sớm hôm, những vất vả không quản nắng mưa, giá rét. Tình yêu của bà dành cho cháu là bao la, vô bờ bến. Bà tuy không phải là chiến sĩ trên chiến trường nhưng bà luôn là một người mẹ, người bà Việt Nam anh hùng. Người có thể hi sinh tất cả chỉ để cho đứa cháu nhỏ có “cái quần chéo go”, cái áo cánh chúc bâu”.

“Ôi cái quần chéo go

Ống rộng dài quét đất

Cái áo cánh chúc bâu

Đi qua nghe sột soạt”

Người lính cứ thế lớn lên bên cạnh những niềm vui bé nhỏ như vậy. Những lần bà mắng hay những bộ quần áo làm sao có thể nói lên tất cả tình yêu thương của bà. Nhưng nó lại là những điều gần gũi nhất, những điều giản dị nhất mà bà vẫn hay làm. 

Những chi tiết rất đỗi đời thường đó  lại được tác giả thể hiện rất đặc biệt để thông qua đó tác giả đã làm nổi bật hình ảnh của một người bà tảo tần, một người bà giàu đức hi sinh. Tình cảm của bà, những kỉ niệm về bà cũng chính là hậu phương vững chắc cho người lính yên tâm công tác trên mặt trận.

cảm nhận và phát biểu cảm nghĩ về bài tiếng gà trưa
Cảm nhận và phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Tiếng gà trưa

Tiếng gà trưa là động lực cho cháu chiến đấu

Những kỉ niệm đó đã trở thành một giấc mơ đẹp, một giấc mơ “hồng” rực rỡ của người lính trẻ. Giấc mơ tràn đầy sự hạnh phúc, giấc mơ theo người lính ra chiến trường.

“Tiếng gà trưa

Mang bao nhiêu hạnh phúc

Đêm cháu về nằm mơ

Giấc ngủ hồng sắc trứng”

Càng yêu gia đình bao nhiêu, người lính càng yêu quê hương bấy nhiêu. Tình yêu đó đã trở thành động lực chiến đấu mạnh mẽ của người lính. Khi phát biểu cảm nghĩ về bài Tiếng gà trưa thì đây chính là những biểu hiện của tình yêu quê hương tha thiết và sâu nặng. 

“Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ”

Đánh giá chung khi phát biểu cảm nghĩ về bài Tiếng gà trưa

Không chỉ cuốn hút người đọc ở mảng nội dung, bài thơ còn đặc sắc ở mạch thể hiện cảm xúc của người cháu. Cảm xúc đó Xuân Quỳnh thể hiện một cách liên tục, xuyên suốt từ đầu cho đến cuối bài thơ một cách mạch lạc và trôi chảy nhưng lại không bị trùng lặp. 

Từ những cảm xúc bất chợt hiện về khi nghe một tiếng gà trưa tại nơi dừng chân, những cảm xúc đó càng trào dâng hơn khi những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ, những tình cảm sâu nặng của bà và cháu cùng những kỉ niệm khó quên trong cuộc sống hiện về. Thứ cảm xúc đó lại càng dâng cao hơn khi từ tình cảm bà cháu, tác giả phát triển lên thành tình yêu với quê hương và cuối cùng là tình yêu đối với đất nước. Những tình cảm khác nhau nhưng lại không bị rời rạc là nhờ vào sự tài tình của nhà thơ trong việc sử dụng cụm từ “tiếng gà trưa”

Trong bài thơ, không khó để nhận ra nhà thơ Xuân Quỳnh đã sử dụng cụm từ tiếng gà trưa đến bốn lần và đều đứng đầu ở mỗi khổ thơ. Mỗi lần sử dụng cụm từ lại mang một ý nghĩa khác nhau. Khiến cho cảm xúc càng trở nên liền mạch và dạt dào hơn. Hay việc lặp lại các từ ngữ như “nghe” ở khổ thơ đầu,  từ “vì” ở khổ thơ cuối,…cũng giúp cho những cảm xúc trong bài thơ được nhấn mạnh hơn, gây ấn tượng và đi sâu vào lòng người hơn.

Ngoài ra, việc sử dụng thể thơ năm chữ cũng góp phần tạo nên đặc sắc nghệ thuật của bài thơ. Từng khổ thơ với độ dài ngắn và cách gieo vần khác nhau,. có khi tác giả sử dụng vần liền, có khi lại sử dụng vần cách, có khi không sử dụng vần. Chính điều này làm cho nội dung, tư tưởng và cảm xúc được thể hiện một cách tự nhiên, không bị gò bó.

Cái hay của thơ Xuân Quỳnh có lúc lại ở cách bà sử dụng những hình ảnh, âm thanh giản dị nhưng đầy quen thuộc. Đó là cái “ổ rơm hồng những trứng”, là hình ảnh “tay bà khum soi trứng”, là tiếng “sột soạt” của bộ quần áo mới.

Tình cảm bà – cháu, tình yêu quê hương, đất nước tuy là một đề tài phổ biến và quen thuộc mà bất kì một nhà thơ nào sống trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đều đã từng thử qua một lần. Nhưng có thể nói, không một ai có thể có một lối viết dạt dào cảm xúc và đầy trân thành giống Xuân Quỳnh. Đó là một lối viết mà nó “không phải là một lối phác thảo nhẹ nhõm, mà là bằng chứng của một tình yêu mạnh mẽ”. 

Chỉ là một tiếng gà thôi cũng đủ để Xuân Quỳnh biến thành một tình cảm mạnh mẽ và đầy da diết. Cách lựa chọn thể thơ, cách sử dụng vần, nhịp tự do, phóng khoáng của bà đã khiến cho bài thơ trở nên tự nhiên, bay bổng hơn. Điều đó khiến cho Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh trở thành một làn gió cứ thế len lỏi đến từng góc khuất nhất trong tâm trí của người đọc.

Kết bài: Có thể nói, bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh là một giọt nước nhỏ còn đọng lại sau cơn mưa. Tuy bé nhỏ là vậy, nhưng chỉ cần có một làn gió nhẹ thổi qua thì giọt nước ấy sẽ lập tức rơi xuống, khuấy động cả một vùng thổn thức giữa lòng người đọc. Đó là một thứ tình yêu, một thứ tình cảm lớn lao đến độ không thể nào đong đếm được. Nó không những không bị thời gian xóa nhòa mà nó càng ngày càng lớn mạnh hơn. Từ một tình cảm gia đình phát triển thành tình yêu quê hương rồi thành tình yêu đất nước. Cứ thế nó trở thành nguồn sức mạnh tinh thần của những người lính trên chiến trường, trở thành một bức tranh đẹp, một giấc mơ “hồng” đầy hạnh phúc.

Dàn ý phát biểu cảm nghĩ về bài thơ tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh

Dàn ý phát biểu cảm nghĩ về bài Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh dưới đây sẽ giúp bạn nắm được những ý chính trong bài viết cũng như nội dung và giá trị của tác phẩm. 

Mở bài: phát biểu cảm nghĩ về bài Tiếng gà trưa

  • Giới thiệu những nét nổi bật về nhà thơ Xuân Quỳnh cùng bài thơ Tiếng gà trưa.
  • Đề cập bài thơ là những tâm tình thuở nhỏ, thể hiện tình bà cháu trong kỉ niệm tuổi thơ bên tiếng gà trưa…

Thân bài: phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Tiếng gà trưa 

  • Tiếng gà trưa trong nỗi niềm thương nhớ của người lính trẻ.
  • Những kí ức tuổi thơ ùa về được gợi nhớ trong tiếng gà trưa.
  • Những suy nghĩ thực tại và tiếng gà trưa là động lực chiến đấu cho cháu.

Kết bài: phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Tiếng gà trưa

  • Nhấn mạnh ý nghĩa của tiếng gà trưa đối với tác phẩm và tâm tình của nhà thơ gửi gắm.
  • Bày tỏ những quan điểm, suy nghĩ của bản thân khi phát biểu cảm nghĩ về bài Tiếng gà trưa của nữ sĩ Xuân Quỳnh. 

Có thể thấy Tiếng gà trưa là một bài thơ hay của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Với lối thơ nhẹ nhàng và dung dị kết hợp cùng những kỉ niệm từ tiếng gà trưa đã tạo lên một cảm xúc lắng đọng trong tâm hồn người đọc. Bài thơ chính là tình yêu của người cháu đối với người bà đồng thời cũng thể hiện tấm lòng yêu nước thầm nặng đầy sâu kín. Hy vọng bài viết của Tip.edu.vn đã cung cấp cho bạn những ý văn khi “phát biểu cảm nghĩ về bài Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh”. Chúc bạn luôn học tập tốt!. 

Xem thêm:

  • Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh – Ngữ Văn 7
  • Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Rằm tháng giêng của Hồ Chí Minh
  • Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan
  • Cảm nhận hình ảnh ánh trăng trong thơ Bác – Top 1 bài viết HAY NHẤT!

Tu khoa lien quan:

  • bình giảng bài thơ tiếng gà trưa
  • cảm nghĩ về bài tiếng gà trưa ngắn nhất
  • cảm nghĩ về đoạn thơ đầu bài tiếng gà trưa
  • cảm nghĩ về bài thơ tiếng gà trưa hay nhất
  • phát biểu cảm nghĩ về bài tiếng gà trưa ngắn
  • dàn ý phát biểu cảm nghĩ về bài thơ tiếng gà trưa
  • phát biểu cảm nghĩ về bài thơ tiếng gà trưa ngắn gọn
  • nêu cảm nhận của em về khổ đầu bài tiếng gà trưa 

Xem thêm nhiều bài viết hay về Hỏi Đáp Văn Học

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post