Chia sẻ những tip thiết thực

Phân tích Khoảng trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ hay ngắn gọn nhất

“Khoảng trời hố bom” là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của nhà thơ nữ Lâm Thị Mỹ Dạ. Tác phẩm đã thành công tái hiện hình ảnh người con gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Em hãy tham khảo bài mẫu Phân tích Khoảng trời hố bom trên Tip.edu.vn để có thêm nhiều cảm nhận về bài thơ này hơn nhé.

Đề bài: Phân tích bài thơ Khoảng trời hố bom.

phan tich khoang troi ho bom cua lam thi my da hay ngan gon nhat

Phân tích bài Khoảng Trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ ngắn nhất

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.

I. Dàn ý Phân tích Khoảng trời hố bom ngắn gọn:

1. Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ.
– Giới thiệu bài thơ “Khoảng trời hố bom”.
2. Thân bài:
a) Thông tin chung về bài thơ:
– Hoàn cảnh sáng tác: Tháng 10 năm 1972, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt nhất.
– “Khoảng trời hố bom” là bài thơ nổi tiếng, trong chùm thơ được tặng giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1972-1973.
b) Nội dung của bài thơ:
* Câu chuyện về người con gái thanh niên xung phong đầy dũng cảm, kiên cường:
– Mở đầu bằng cụm từ “Chuyện kể rằng” mang sắc thái tự sự, giống như tác giả đang kể lại một câu chuyện cổ tích.
– Cô gái mở đường: Người con gái xung phong ra chiến trường với nhiệm vụ là giữ cho tuyến đường Trường Sơn được thông suốt để những đoàn xe chở lương thực, đạn dược vào miền Nam
– Nguyên nhân hi sinh: Để quân thù không bắn phá Trường Sơn, giữ con đường nguyên vẹn cho đoàn xe đi qua, cô gái đã đem thân mình để đánh lạc hướng kẻ thù, một mình “hứng lấy luồng bom” -> Tư thế chủ động, bình thản, tự nguyện.
=> Sự hi sinh đầy cao cả của cô gái thanh niên xung phong đang độ tuổi xuân thì. Cái chết của cô cũng đã thắp lên ngọn lửa cho những con người đang sống và chiến đấu. Đó là ngọn lửa của tình yêu Tổ quốc, của ý chí quyết chiến và quyết thắng.
* Những suy ngẫm, sự thương xót của tác giả dành cho cô gái:
– Tác giả đã tạo ra những hình ảnh hoán dụ đầy sáng tạo để ca ngợi người con gái:
+ Tâm hồn em tỏa sáng như vì sao lung linh.
+ Da thịt em mềm mại như làn mây trắng.
+ Trái tim em tỏa sáng như mặt trời.
=> Chính trái tim đầy dũng cảm và cao thượng đó đã lựa chọn sự hi sinh, đã soi sáng con đường Cách mạng vĩ đại của dân tộc. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng chính những người như “em” luôn là động lực, là mặt trời dẫn lối cho mọi người cùng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
=> Những “vì sao”, “làn mây”, “mặt trời” chính là những sự vật bất tử, trường tồn mãi với thời gian. Tác giả so sánh “em” với những điều đó đã khẳng định một điều: Cô gái đã hóa thân vào đất trời, vũ trụ. Cô đã trở nên bất tử trong lòng mọi người, câu chuyện về cô gái thanh niên xung phong dũng cảm sẽ trở thành một phần của Trường Sơn huyền thoại mà bạn bè, đồng đội, đất nước mãi mãi ghi nhớ.
* Hình ảnh hố bom và khoảng trời:
– Hình ảnh “hố bom”:
+ Là hình ảnh thực thể hiện sức tàn phá khủng khiếp của chiến tranh.
+ Là nhân chứng cho sự hi sinh cao thượng của cô gái mở đường.
– Hình ảnh “khoảng trời”:
+ Bầu trời xanh trong đại diện cho nền hòa bình, độc lập.
+ Nước đọng lại nơi hố bom, phản chiếu lại bầu trời nên dưới hố bom như có một khoảng trời nhỏ bé riêng.
=> Nước mưa lấp đầy hố bom như tình yêu thương của đồng đội, của nhân dân dành cho sự hi sinh của cô gái, xoa dịu đi nỗi đau của cô.
=> Hố bom tượng trưng cho chiến tranh nhưng vẫn có khoảng trời tượng trưng cho hòa bình => Khẳng định chiến tranh rồi sẽ qua đi, con người Việt Nam sẽ sớm giành được nền độc lập hằng mong mỏi.
* Lời ngợi ca dành cho người con gái:
– Tác giả ca ngợi sự hi sinh của cô gái thanh niên xung phong:
+ Tên cô gái đã được đặt cho con đường mà cô đã hi sinh để bảo vệ.
+ Cái chết của em đã hóa thành bất tử.
+ Tấm lòng, lí tưởng của em sẽ là tấm gương sáng để những người đồng đội khác, những thế hệ khác noi theo học tập.
– Tuy không biết gương mặt của cô gái nhưng mỗi người đều đã khắc ghi tấm lòng của em nên đã khắc tạc một bức chân dung riêng về em trong lòng.
=> Khẳng định cái chết của em đã khiến em hóa thành bất tử, em sẽ sống mãi trong lòng mọi người.
c) Nghệ thuật của bài thơ:
– Các biện pháp nghệ thuật: nhân hóa, nói giảm nói tránh, ẩn dụ, liên tưởng tưởng tượng được sử dụng khéo léo nhằm ca ngợi cô gái thanh niên xung phong và thể hiện suy nghĩ của nhà thơ.
– Hình ảnh độc đáo giàu tính biểu tượng.
– Giọng thơ nhẹ nhàng như đang kể chuyện tâm tình với độc giả.
– Thể thơ tự do, nhịp thơ đa dạng, ngôn ngữ giàu cảm xúc.
3. Kết bài:
– Khái quát lại về bài thơ và người con gái thanh niên xung phong.

phan tich khoang troi ho bom cua lam thi my da hay

Phân tích bài Khoảng Trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ siêu hay của học sinh giỏi

II. Bài văn mẫu Phân tích Khoảng trời hố bom hay nhất:

Lâm Thị Mỹ Dạ là nhà thơ nữ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hồn thơ của bà chứa đầy chất nữ tính nhưng cũng có âm hưởng bi tráng đặc trưng của thời đại. Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của bà là “Khoảng trời hố bom”.

Tác phẩm được viết vào khoảng tháng 10 năm 1972. Đó chính là khoảng thời gian mà cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt nhất. Bài thơ chính là lời ca ngợi của tác giả về sự hi sinh của cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Sự tương đồng giữa nội dung trong tác phẩm và thực tế ác liệt bên ngoài chiến trận là một lí do khiến cho cảm xúc được bộc lộ ra chân thực nhất. Đây có lẽ cũng chính là lí do giúp bài thơ đạt giải Nhất trong cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1972-1973.

Mở đầu tác phẩm, Lâm Thị Mỹ Dạ đã kể lại cho bạn đọc câu chuyện bằng thơ:

“Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường

Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương

Cho đoàn xe kịp giờ ra trận

Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa

Đánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom…”

Tác giả bắt đầu câu chuyện bằng cụm từ “Chuyện kể rằng” mang sắc thái tự sự. Nhà thơ giống như chuẩn bị kể một câu chuyện dân gian quen thuộc với giọng điệu tâm tình, đầy yêu thương. Nhân vật chính ở đây là người con gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Cô có nhiệm vụ giữ cho tuyến đường được thông suốt để những đoàn xe chở lương thực, đạn dược từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam. Để quân thù không bắn phá tuyến đường mà đoàn xe đi qua, cô đã đem đốt ngọn lửa để dụ hỏa lực Mỹ, đánh lạc hướng kẻ thù. Tuy bản thân hi sinh nhưng cô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giúp cho những đoàn xe đi lại an toàn. Sự hi sinh này là hoàn toàn tự nguyện, cũng là sự hi sinh đầy cao cả của người con gái đang trong độ tuổi xuân thì. Ngọn lửa của cô thắp lên không chỉ đánh lạc hướng kẻ thù mà còn thắp lên ngọn lửa cho những con người đang sống, giúp họ có thêm quyết tâm chiến đấu giành lại độc lập cho dân tộc. Đọc đến đây, ta cũng nhớ đến ngọn lửa về một người chiến sĩ khác trong “Đồng dao mùa xuân” của Nguyễn Khoa Điềm. Tuy hoàn cảnh hi sinh khác nhau nhưng họ đều hóa thân thành những ngọn lửa cháy bất diệt:

“Một lần bom nổ

Khói đen rừng chiều

Anh thành ngọn lửa

Bạn bè mang theo”

Những khổ thơ tiếp theo đã thể hiện tình cảm thương xót, trân trọng người con gái thanh niên xung phong:

“Em nằm dưới đất sau

Như khoảng trời đã nằm yên trong đấy

Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng

Những vì sao ngời chói, lung linh

Có phải da thịt em mềm mại, trắng trong

Đã hóa thành những làn mây trắng?

Và ban ngày khoảng trời ngập nắng

Đi qua khoảng trời em

– Vầng dương thao thức

Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực

Soi cho tôi

Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?”

Biện pháp tu từ hoán dụ cực kì đặc sắc được tác giả sử dụng đoạn thơ này. Bà đã ngầm so sánh “tâm hồn em tỏa sáng” như “những vì sao ngời chói, lung linh”; “da thịt em mềm mại, trắng trong” như “những làn mây trắng” còn “trái tim em trong ngực” là “mặt trời”. Chính trái tim đầy dũng cảm và cao thượng của em đã góp phần soi sáng con đường cách mạng vĩ đại của dân tộc. Tuy con đường ấy con nhiều khó khăn nhưng em luôn là tấm gương, là động lực, là mặt trời để dẫn lối cho mọi người cùng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Nhà thơ đã so sánh “em” với những sự vật mãi trường tồn với thời gian như ngầm khẳng định cô gái dũng cảm ấy đã hóa thân vào đất trời, trở thành bất tử. Câu chuyện về cô gái thanh niên xung phong dùng thân mình đánh lạc hướng hỏa lực Mỹ sẽ trở thành một phần của Trường Sơn huyền thoại mà bạn bè, đồng đội, đất nước mãi mãi ghi nhớ, mang theo.

Không chỉ có tác giả mà tất cả những người đồng đội, đồng chí, đất nước Việt Nam đều dành lời ngợi ca cho cô gái:

“Tên con đường là tên em gửi lại

Cái chết em xanh khoảng-trời-con-gái

Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em

Gương mặt em, bạn bè tôi không biết

Nên mỗi người có gương mặt em riêng!”

Tên của cô gái đã được đặt cho con đường mà cô hi sinh để bảo vệ. Cái chết “xanh khoảng-trời-con-gái” chỉ sự bất tử của cô. Cô đã dâng hiến tuổi xuân xanh của mình cho Tổ quốc, hóa thân vào bầu trời xanh trong vời vợi. Tấm lòng, lí tưởng của cô sẽ là tấm gương để tác giả và những con người khác “soi” vào, noi theo đó học tập. Đặc biệt, hai câu thơ cuối bài đã khẳng định: tuy mọi người không biết gương mặt cô gái trông như thế nào nhưng trong lòng mỗi người đều đã khắc tạc một bức chân dung riêng về “em”. Đoạn thơ cuối đã một lần nữa khẳng định sự bất tử của cô gái trong lòng nhân dân Việt Nam.

Và ngoài ra, chúng ta không thể không nhắc đến hình ảnh “Khoảng trời – hố bom” – một hình ảnh biểu tượng đầy sáng tạo, độc đáo và cũng là tiêu đề bài thơ:

“Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em

Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ

Đất nước mình nhân hậu

Có nước trời xoa dịu vết thương đau”

Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến, ngày nào máy bay Mỹ cũng bay trên bầu trời Trường Sơn, thả bom cả khu rừng nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch nối liền hai miền Nam, Bắc. Những quả bom nổ tạo ra chiếc hố sâu hoắm, gây khó khăn cho việc di chuyển của toàn quân. Vậy nên, hố bom là hình ảnh tả thực đại diện cho sự khốc liệt, sức tàn phá kinh khủng của chiến tranh. Trong bài thơ, hố bom cũng chính là nhân chứng cho cái chết đầy cao thượng của cô gái thanh niên xung phong. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã liên tưởng hình ảnh nước mưa lấp đầy hố bom giống như tình yêu thương của đồng đội, của nhân dân dành cho cô gái, giúp xoa dịu đi nỗi đau của cô. Hơn thế nữa, nước mưa trong hố bom phản chiếu một mảng trời xanh trong. Trời xanh thường tượng trưng cho nền hòa bình, độc lập. Nhà thơ như đang thể hiện một niềm tin, niềm mong mỏi rằng chiến tranh sẽ qua đi, nhân dân sẽ sớm được hưởng nền tự do, Bắc – Nam nối liền một dải.

Để có một bài thơ xuất sắc, để đời như “Khoảng trời hố bom”, tác giả Lâm Thị Mỹ Dạ đã vận dụng rất nhiều các biện pháp nghệ thuật như nhân hóa, nói giảm nói tránh, ẩn dụ, hoán dụ, liên tưởng tưởng tượng. Chúng được lồng ghép, đan cài khéo léo trong các câu thơ nhằm ca ngợi vẻ đẹp anh hùng cô gái thanh niên xung phong và bộc lộ suy nghĩ, niềm thương cảm của nhà thơ. Những hình ảnh độc đáo, giàu tính biểu tượng như “mặt trời”, “vì sao” hay hình ảnh sáng tạo độc đáo như “khoảng trời”, “hố bom” đều giúp người đọc cảm nhận được câu chuyện thơ một cách sâu sắc. Thể thơ tự do, nhịp thơ đa dạng, ngôn ngữ thơ giàu cảm xúc kết hợp với giọng điệu nhẹ nhàng như đang kể chuyện tâm tình với độc giả khiến cho bài thơ càng có sức hút hơn.

Dù đã ra đời hơn 50 năm nhưng “Khoảng trời hố bom” vẫn có sức sống đặc biệt trong lòng độc giả, nhất là thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Bài thơ đã khơi gợi cho người đọc cảm xúc thương xót, đau đớn nhưng cũng rất đỗi tự hào về sự hi sinh đầy cao thượng của cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Từ đó tiếp thêm động lực, tạo ra sức mạnh để người trẻ sống thật tốt, cống hiến cho đất nước giống như thế hệ cha chú đã làm.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – HẾT – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

https://tip.edu.vn/phan-tich-khoang-troi-ho-bom-75882n
Để phân tích “Khoảng trời hố bom”, em hãy chú ý đến cảm xúc của tác giả và các biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh,… trong bài. Ngoài bài mẫu Phân tích Khoảng trời hố bom do đội ngũ Tip.edu.vn biên soạn, em có thể xem thêm các bài mẫu khác như: Đoạn văn thể hiện cảm nhận về nhân vật “em” trong bài thơ Khoảng trời, hố bom….

Xem thêm nhiều bài viết hay về Hỏi Đáp Văn Học

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

5/5 - (135 bình chọn)