Chia sẻ những tip thiết thực

Đặc sắc lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thu hút hàng ngàn người mỗi năm

Cứ vào tháng 8 âm lịch hàng năm, vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng lại thu hút hàng nghìn người ở khắp nơi về tham gia lễ hội chọi trâu diễn ra hàng năm. Đây là một trong những tập tục cổ xưa của người dân vạn chài. Cùng tìm hiểu về lễ hội đặc sắc này tại bài viết dưới đây!

Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn

Hàng nghìn người đổ về sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn xem lễ hội chọi trâu

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn diễn ra ở đâu? vào ngày nào?

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, còn gọi là đấu ngưu , là một tập tục cổ, có từ xa xưa, một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng; diễn ra vào ngày 9 tháng 8 Âm lịch hàng năm; di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013 của Việt Nam. Đây là một lễ hội với lễ nghi trang trọng, rước kiệu thần, có lọng che, phường bát âm…

Trong văn hóa cộng đồng người dân Hải Phòng, còn lưu truyền câu ca cổ: “Dù ai buôn đâu bán đâu / Mùng chín tháng tám chọi Trâu thì về”

Nguồn gốc hình thành của lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn

Cho đến nay, chưa xác định chính xác lịch sử hình thành lễ hội. Cộng đồng địa phương còn lưu truyền nhiều câu chuyện, truyền thuyết về lễ hội như sau:

1. “Ở chân núi Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, có đền thờ Thủy Thần. Tương truyền có người bán thổ đi qua, thấy hai con trâu chọi nhau dưới đền, nên hàng năm đến ngày 9 tháng 8, có tục chọi trâu để tế thần” (Theo sách Đại Nam nhất thống chí)

2. Lịch sử lễ hội chọi trâu gắn với huyền thoại về một cô thôn nữ xinh đẹp tên là Đế, do có thai với vua Thủy Tề, bị dân làng phạt vạ, quan lại địa phương mang cô ra biển dìm. Cô gái oan ức, hiển linh, cộng đồng địa phương lập đề thờ, tên gọi đền Bà Đế. Linh thiêng, nơi bà chết, tôm cá kéo đến tập trung, năm này qua năm khác, các vạn chài kéo đến đánh cá. Về sau, cộng đồng địa phương tổ chức Lễ hội chọi Trâu, những con trâu thắng mang ra biển cúng tế Bà Chúa. Cũng có ý kiến cho rằng, truyền thuyết dìm chết nàng Đế ở ngoài khơi Hòn Độc là di vết của tục hiến sinh các cô gái cho Thủy Thần có từ thời kỳ nguyên thủy đến thời sơ kỳ phong kiến; về sau, khi trình độ xã hội phát triển, việc hiến sinh con vật được thay thế.

3. Cũng ở nơi đây, cộng đồng dân cư Đồ Sơn còn lưu truyền sự tích về người hùng áo vải, Quận He Nguyễn Hữu Cầu người làng Lôi Động xã Tân An, huyện Thanh Hà, vì cuộc sống ấm no của người dân vạn chài đã phất cờ chống lại phong kiến thối nát tàn bạo thời kỳ 1741 – 1751. Tưởng nhớ công đức Người, hàng năm nhân dân Đồ Sơn mở hội chọi Trâu, múa cờ. Cũng có tài liệu cho rằng: “Mỗi khi đánh trận thắng ông thường mổ trâu khao quân. Những con trâu chọi mổ bụng dứt dây lao ra, chọi nhau quyết liệt. Quân sĩ thấy thế hứng khởi reo hò vang dội. Kể từ đó, hàng năm, Nguyễn Hữu Cầu mở hội chọi trâu để cổ vũ động viên tinh thần quân sĩ”.

4. Lễ hội chọi trâu có hai ngày trọng đại. Ngày 8 tháng 6, ngày đấu loại tuyển chọn những ông trâu tiêu biểu vào vòng chung kết ngày 9 tháng 8. Đây là những ngày con nước, sóng to gió cả. Hơn nữa, Đồ Sơn là quê hương của “Tiềm Thủy Ngưu”, một giống trâu ở ngầm đáy nước miền sông nước. Do vậy, lễ hội chọi trâu là dâng tế Thủy Thần với cầu mong ra khơi gió lộng, bình yên.

Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn

Hình ảnh lễ hội chọi trâu đặc sắc

5. Thành tích cá Kình. Dân làng chài kể lại rằng dân chài thường bị cá kình ăn thịt nên lập đàn cầu thần linh phù hộ vào thượng tuần tháng sáu và hứa sẽ mổ trâu, mổ lợn lễ tạ. Sau đó hai tháng, vào một đêm mưa bão gió giật, sáng ra thấy xác cá kình chết, trên hầu có vết chim cắn, một loại chim thần giáng thế độ dân. Từ đó, dân làng không bị cá ăn thịt nữa. Như đã hứa, hàng năm dân làng mang trâu đến lễ thần ở đền Nghè. Khi lễ, trâu dứt đứt dây, chọi nhau quyết liệt. Mọi người cho rằng thần linh thích xem trâu chọi. Bởi vậy hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội chọi trâu và ngày đó đã trở thành đại sự, ngày hội truyền thống của dân vạn chài.

6. Theo sách Lịch sử Người Hà Nội của nhà văn Hà Ân, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có thể từ thời nhà Trần, nhưng chưa có căn cứ.

Ý nghĩa của lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn

Lễ hội chọi trâu đặc biệt ở chỗ đây là minh chứng cho thấy sự giao thoa, kết hợp độc đáo giữa nhiều cộng đồng địa phương. Bởi lẽ, theo lẽ thông thường, mỗi địa phương sẽ sáng tạo và giữ gìn một lễ hội nhất định, tương ứng với câu nói “Trống làng nào làng ấy đánh. Thánh làng nào làng ấy thờ.”

Tuy nhiên, điều này lại không đúng với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Ở đây có sự giao thoa giữa các yếu tố trong văn hóa nông nghiệp của cư dân miền biển (như đã nói ở trên) với cư dân vùng đồng bằng. Với mục đích chung là tưởng nhớ công ơn các vị thần, cầu nguyện một năm quốc thái dân an.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn mang sắc thái vừa riêng vừa chung, thể hiện tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng đúng như triết lý “trống mọi làng cùng đánh, thánh mọi làng cùng thờ.”

Ngoài ra, vì là tục lệ của người dân miền biển nên lễ hội chọi trâu còn gắn liền việc thờ cúng thuỷ thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu. Theo quan niệm của người dân nơi đây, đặc biệt là với ngư dân đánh bắt biển xa bờ, mặt trăng có liên quan mật thiết đến thủy trình.

Diễn biến của lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn

Lễ hội chọi trâu có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen. Từ ngày mùng một đầu tháng, các vị cao niên các làng có trâu chọi làm lễ tế thần Điểm Tước ở đình Tổng. Sau đó là lễ rước nước, gắn với tục tế Thủy Thần. Lọ nước thần mỗi năm thay một lần được từng làng mang về đình riêng.

Tại đình làng, các chủ trâu cho trâu ra làm lễ Thành Hoàng, sau khi lễ thần, trâu chọi được gọi là “Ông trâu”.

Sáng ngày chính hội, 9/8 âm lịch, khoảng 1 giờ sáng, chủ tế các làng làm lễ xin phép Thành Hoàng đưa trâu đi thi đấu. Khoảng 6 – 7 giờ sáng, tổ chức lễ rước “ông trâu” ra đấu trường. Dẫn đầu đám rước là cơ ngũ phương, trống, chiêng, long đình, long kiệu, bát bửu. Người khiêng long đình, long kiệu, trống, chiêng… chít khăn đỏ, mặc áo đỏ viền vàng, thắt lưng và quấn cạp đỏ. Người gọi loa, hay dịch lao đội khăn xếp, mặc áo lương đen, thắt lưng bố hậu đỏ, quần trắng. Theo sau là các bô lão, chức sắc và thứ tự các ông trâu (theo kết quả xếp hạng đấu loại), trên lưng được chùm một tấm vải đỏ, sừng quấn một dải lụa điều. Đi bên cạnh mỗi ông trâu có hai chàng trai tay cầm cờ đuôi nheo để múa. Lễ rước các “ông trâu” vào các xào xá rộn rã trong tiếng nhạc bát âm, cờ bay phất phới kèm theo tiếng cổ động của dân cư trong vùng…

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Hình ảnh lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được ghi lại đầy ấn tượng

Khi ông trâu bước vào xào xá, tiếng trống, tiếng loa nổi lên dõng dạc, đổ hồi như tiếng sóng dội vào Hòn Độc, nơi trâu sẽ được hiến tế Thủy Thần.

Tiếp theo là nghi thức múa cờ khai hội được 24 tráng niên của làng chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, màu sắc biến hoá linh hoạt và huyền ảo trong những âm thanh của trống, thanh la; tái hiện lại lễ ra quân của Quận He Nguyễn Hữu Cầu trước giờ xuất trận; thể hiện ước nguyện cầu mong Thần Gió phù hộ cho thuyền bè cưỡi sóng vượt ra ngoài biển khơi.

Múa cờ vừa dứt, từ hai phía hai “ông trâu” được dẫn vào xới, có người che lọng và múa cờ hai bên. Khi hai “ông trâu” cách nhau 20 m, người dắt nhanh chóng rút “sẹo” cho trâu rồi khẩn trương thoát ra ngoài sới chọi. Hai ông trâu hoàn toàn tự do lao vào chọi nhanh giành thắng bại.

Kết thúc lễ hội, ông trâu thắng cuộc được làm lễ rước trở về. Sáng ngày 10 tháng 8, toàn bộ ông trâu tham gia lễ hội được đem giết thịt làm lễ vật tế thần ở đình, có kèm theo một đĩa đựng tiết và lông trâu (mao huyết). Khoảng 12 giờ trưa lễ tế bắt đầu. Sau đó, đĩa mao huyết được đổ xuống biển, phần còn lại được chia lộc thần cho dân với niềm tin một vụ khai thái mới bình an, nhiều tôm cá.

Vào ngày 16 tháng 8, làng tiến hành nghi thức “tống thần” và rã đám, kết thúc lễ hội.

Vẽ tranh đề tài lễ hội chọi trâu

Sưu tầm một số bức tranh đẹp, ấn tưởng về lễ hội chọi trâu của các em học sinh, sinh viên trên cả nước.

Tranh vẽ đề tài chọi trâu

Tranh vẽ đề tài chọi trâu

Tranh vẽ đề tài chọi trâu

Tranh vẽ đề tài chọi trâu

Trên đây là những thông tin về lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, còn chần chờ gì nữa mà không xách ba lô đến ngay Hải Phòng để tham gia lễ hội đặc sắc này. Cảm ơn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

5/5 - (146 bình chọn)