Chia sẻ những tip thiết thực

Soạn bài Sóng, Ngữ văn lớp 11 Cánh Diều

Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ lớn của dân tộc. Hãy cùng tìm hiểu thêm về phong cách nghệ thuật độc đáo mà cũng không kém phần trữ tình, lãng mạn của bà qua phần Soạn bài Sóng, Ngữ văn lớp 11 Cánh Diều do đội ngũ Tip.edu.vn biên soạn nhé!

Soạn bài Sóng

soan bai song ngu van lop 11 canh dieu

I. Soạn bài Sóng – Chuẩn bị:

1. Tác phẩm “Sóng”:

– Đề tài: Tình yêu.

– Nhân vật trữ tình: Người con gái trong tình yêu (Được thể hiện qua hình tượng “sóng”).

– Thể thơ: 5 chữ.

– Nhịp điệu:

+ 2/3; 3/2; 3/1/1.

+ Các câu thơ ngắt nhịp linh hoạt.

– Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng: Ẩn dụ, phép đối, phép điệp (điệp từ, điệp cấu trúc).

– Thông điệp tác giả muốn truyền tải: Khát vọng tình yêu cháy bỏng của người con gái cùng ước muốn tình yêu sẽ mãi trường tồn với thời gian

2. Thông tin cơ bản về nhà thơ Xuân Quỳnh:

* Cuộc đời:

– Tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6/10/1942, mất vào 29/8/1988.

– Quê quán: xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội).

– Gia đình:

+ Xuất thân trong một gia đình công chức: mẹ mất sớm, bố thường xuyên đi công tác xa. Xuân Quỳnh được bà nuôi dạy.

+ Xuân Quỳnh từng kết hôn hai lần: lần đầu tiên với nhạc công Lưu Tuấn, lần thứ hai với nhà soạn kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ.

– Năm 1988, bà mất trong một vụ tai nạn xe cùng chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ.

* Sự nghiệp văn học:

– Xuân Quỳnh từng được đào tạo thành diễn viên múa, đi biểu diễn ở trong và ngoài nước.

– Bà từng giữ nhiều chức vụ như hội viên báo Văn Nghệ, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, biên tập viên của Nhà xuất bản Tác phẩm mới,…

– Một số tác phẩm tiêu biểu: “Hoa dọc chiến hào”; “Gió Lào, cát trắng”; “Hoa cỏ may”;…

II. Soạn bài Sóng – Đọc hiểu:

* Soạn bài Sóng – Gợi ý trả lời câu hỏi trong khi đọc:

1. Chú ý các trạng thái trái ngược nhau của sóng và nguyên nhân sóng từ sông ra bể.

– Các trạng thái trái ngược nhau của sóng: “dữ dội” – “dịu êm”, “ồn ào” – “lặng lẽ”.

– Nguyên nhân sóng từ sông ra bể: Vì sóng cảm thấy “Sông không hiểu nổi mình”, muốn vượt thoát ra khỏi sự bé nhỏ, gò bó của sông để tự mình tìm kiếm những điều lớn lao hơn ngoài biển khơi.

2. Hình tượng “sóng” gợi lên những suy nghĩ gì về tình yêu?

Hình tượng “sóng” đã gợi lên:

– Những khát khao, mong muốn cháy bỏng về việc tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc.

– Suy nghĩ kiếm tìm cội nguồn của tình yêu.

– Khao khát muốn hiểu được tình yêu, hiểu được người mình yêu và hiểu chính bản thân.

3. Tác dụng của biện pháp tu từ điệp (điệp từ ngữ và điệp cú pháp) trong bài thơ là gì?

Tác dụng của biện pháp tu từ điệp:

– Nhấn mạnh nỗi nhớ, sự thủy chung, son sắt của người phụ nữ cùng khát khao yêu và được yêu.

– Tạo tiết tấu, sự nhịp nhàng cho từng câu thơ, giống như từng con sóng nối tiếp nhau ngoài biển khơi.

4. Chú ý khát vọng của người phụ nữ trong tình yêu.

– Khát vọng của người phụ nữ trong tình yêu: Muốn được tan ra thành “trăm con sóng nhỏ”, hòa vào “biển lớn tình yêu”.

– Ý nghĩa: Khát khao được hòa mình cùng với cuộc đời, để tình yêu bất tử, trường tồn với thời gian.

soan bai song ngu van lop 11 canh dieu 2

 

Soạn bài Sóng – Ngữ văn 11 Cánh diều

* Soạn bài Sóng – Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:

 

Câu 1 trang 15 SGK Ngữ văn 11 Cánh diều – tập 1:

– Nhịp điệu biến đổi linh hoạt:

+ “Dữ dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ”: nhịp 2/3.

+ “Sông không hiểu nổi mình/Sóng tìm ra tận bể”: nhịp 1/3.

+ “Ôi con sóng ngày xưa/Và ngày sau vẫn thế”: nhịp 3/2.

– m điệu: Dạt dào, vang vọng, da diết.

– Nhịp điệu, âm điệu của bài thơ được tạo ra bởi âm hưởng của những con sóng

Câu 2 trang 15 SGK Ngữ văn 11 Cánh diều – tập 1:

Những biểu hiện của sóng:

– Con sóng có những trạng thái đối lập: “dữ dội”, “dịu êm”, “ồn ào”, “lặng lẽ”.

– Con sóng không bằng lòng sống ở nơi nhỏ bé nên vươn mình ra biển lớn, dù là khi xưa hay ngày nay, nó vẫn luôn giữ khát vọng đó trong mình.

– Con sóng có thể im lặng chạy ngầm dưới lòng sâu hoặc trồi lên thành những làn sóng trên mặt nước.

– Dù ở đâu, sóng luôn tìm đến đúng bờ. Từng con sóng nhỏ luôn không ngừng nghỉ vỗ vào bờ cát trắng trong hàng ngàn năm nay.

Câu 3 trang 15 SGK Ngữ văn 11 Cánh diều – tập 1:

Sự tương đồng giữa tâm trạng của người phụ nữ khi yêu với trạng thái của sóng:

– Những trạng thái của sóng cũng giống như người phụ nữ khi yêu: khi thì “dữ dội và dịu êm”, khi lại “ồn ào” hoặc “lặng lẽ”.

– Luôn khao khát tình yêu mãnh liệt, sẵn sàng vươn tới những chân trời mới để tìm thấy tình yêu đích thực của cuộc đời mình: “Ôi con sóng ngày xưa/Và ngày sau vẫn thế/Nỗi khát vọng tình yêu/Bồi hồi trong ngực trẻ.”

– Luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, muốn khám phá về bản thân, người mình yêu và tình yêu, muốn đi tìm về cội nguồn của tình yêu: “Sóng bắt đầu từ gió/Gió bắt đầu từ đâu/Em cũng không biết nữa/Khi nào ta yêu nhau”.

– Nỗi nhớ “bờ” của “sóng” cũng giống như nỗi nhớ về người mình yêu của người con gái: “Ôi con sóng nhớ bờ/Ngày đêm không ngủ được/Lòng em nhớ đến anh/Cả trong mơ còn thức.”

– Dù ở đâu, con sóng cũng tới được bến bờ “Dù muôn vời cách trở” cũng như người con gái dù ở đâu cũng “Hướng về anh – một phương”.

– Người con gái mong muốn được “tan ra” “thành trăm con sóng nhỏ” để tình yêu của mình luôn trường tồn bất diệt như những con sóng luôn vỗ vào bờ”.

Câu 4 trang 15 SGK Ngữ văn 11 Cánh diều – tập 1:

Các biện pháp tu từ có trong bài thơ “Sóng”:

– Biện pháp ẩn dụ: “Sóng” là em, “bờ” là anh.

– Xuân Quỳnh đã sử dụng hình tượng con sóng để liên hệ với tâm trạng, cảm xúc của người con gái khi yêu. Đây là một ẩn dụ mới mẻ, sáng tạo, độc đáo, khiến bài thơ trở nên hấp dẫn.

– Biện pháp điệp cấu trúc:

+ “Dữ dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ”.

+ “Em nghĩ về anh, em/Em nghĩ về biển lớn”.

+ “Con sóng dưới lòng sâu/Con sóng trên mặt nước”.

+ “Dẫu xuôi về phương Bắc/Dẫu ngược về phương Nam”.

– Nhấn mạnh trạng thái của sóng cũng như tâm trạng, cảm xúc của người con gái. Khiến cho nhịp điệu câu văn biến hóa linh hoạt.

– Biện pháp đối: “Dữ dội” – “dịu êm”, “Ồn ào” – “lặng lẽ”, “ngày xưa” – “ngày sau”, “dưới lòng sâu” – “trên mặt nước”, “phương bắc” – “phương nam”.

– Làm tăng sắc thái biểu cảm cho câu thơ, nhấn mạnh tình cảm mãnh liệt, dạt dào, thủy chung của người con gái.

Câu 5 trang 15 SGK Ngữ văn 11 Cánh diều – tập 1:

– Hai câu thơ cuối chính là nỗi lo về thời gian hữu hạn của con người. Người phụ nữ có những dự cảm về sự tan vỡ, chia lìa khi thời gian cứ chảy trôi vô tận. Vậy nên, cô trăn trở, băn khoăn làm sao giữ cho tình yêu của mình “ngàn năm còn vỗ”.

– Thông qua suy nghĩ đó, ta có thể phán đoán đây là người con gái có tình yêu mãnh liệt, da diết cũng như tâm hồn mong manh. Tuy đang ở trong tình yêu nhưng cô đã lo lắng, mong muốn tìm cách giữ cho niềm yêu của mình được vĩnh cửu, trường tồn với thời gian.

Câu 6 trang 15 SGK Ngữ văn 11 Cánh diều – tập 1:

– Người phụ nữ trong ca dao hoặc trong các tác phẩm văn học trung đại thường có tâm hồn mong manh, số phận bi kịch. Nhất là, họ không có quyền quyết định số phận của mình, chịu đựng sự lênh đênh chìm nổi. Tiêu biểu như những bài ca dao bắt đầu bằng “Thân em” như: “Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai” hay ví dụ về những nhân vật như Thúy Kiều, Vũ Nương,… đều cho ta thấy điều đó.

– Người phụ nữ trong bài “Sóng” cũng có một tâm hồn mong manh, những dự cảm lo âu trước cuộc sống hữu hạn, nhiều biến động. Thế nhưng, cô đã được tự do lựa chọn tình yêu của cuộc đời mình và thể hiện niềm khao khát được yêu thương mãnh liệt. Không những thế, những lời thơ như “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức” hay “Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương” đều bộc lộ tình yêu một cách trực tiếp – điều hiếm thấy ở những người phụ nữ trong xã hội cũ.

Câu 7 trang 15 SGK Ngữ văn 11 Cánh diều – tập 1:

(1) Bài thơ “Biển” – Xuân Diệu:

Anh không xứng là biển xanh

Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng

Bờ cát dài phẳng lặng

Soi ánh nắng pha lê…

Bờ đẹp đẽ cát vàng

Thoai thoải hàng thông đứng

Như lặng lẽ mơ màng

Suốt ngàn năm bên sóng…

Anh xin làm sóng biếc

Hôn mãi cát vàng em

Hôn thật khẽ, thật êm

Hôn êm đềm mãi mãi.

Đã hôn rồi hôn lại

Cho đến mãi muôn đời

Đến tan cả đất trời

Anh mới thôi dào dạt…

Cũng có khi ào ạt

Như nghiền nát bờ em

Là lúc triều yêu mến

Ngập bến của ngày đêm.

Anh không xứng là biển xanh

Nhưng cũng xin làm bể biếc

Để hát mãi bên gành

Một tình chung không hết.

Để những khi bọt tung trắng xóa

Và gió về bay tỏa nơi nơi

Như hôn mãi ngàn năm không thỏa,

Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!

Bài thơ nói về tình yêu của người con trai dào dạt, mãnh liệt như sóng biển.

(2) Bài thơ “Biển tình” – Hiền Nhật Phương.

Biển đã bao giờ thôi dậy sóng em ơi

Nỗi nhớ trong anh có khi nào nguôi nhỉ

Đêm từng đêm miên man trong suy nghĩ

Biết giờ này em có nhớ anh không?

Có bao giờ em thấy Biển lặng câm

Khi yên ả… sóng lòng đang cuộn chảy

Giấu nỗi nhớ tận sâu dưới đáy

Để em khỏi buồn rồi thấy chênh chao.

Có những hôm Biển nổi sóng thét gào

Là khi ấy hờn ghen cùng em đấy

Sóng cuồn cuộn nghiền nát bờ tan chảy

Rồi nguôi hờn lại nhẹ vỗ bờ xa.

Tình hai ta cũng như Biển bao la

Như bờ cát mịn màng và sâu lắng

Anh là biển ồn ào mà thật lắm

Bờ là em hiền dịu lại mong manh.

Tình trao em là mãi mãi chân thành

Em đón nhận và giữ gìn em nhé

Trái tim em dẫu biết là nhỏ bé

Vẫn mãi là nhịp đập ở trong anh.

– Tình cảm trong lòng chàng trai được ví như sóng biển, có khi dậy sóng, khi êm ả nhưng không bao giờ ngơi nghỉ. Từ đó, chàng trai mong muốn cô gái luôn là bến bờ nhỏ bé đón nhận và giữ gìn biển xanh.

(3) Bài thơ “Biển chiều thu” – Phan Thị Tuyết Vân:

Hai đứa mình cùng yêu biển mùa thu

Từng con sóng vỗ về ru bờ cát

Biển vẫn thế vẫn yêu thương dào dạt

Như tình mình mãi mãi chẳng đổi thay.

Hoàng hôn chiều tím thẫm cả chân mây

Gió thổi nhẹ lung lay làn tóc rối

Sóng lấp lánh ánh trăng đêm mời gọi

Thuỷ triều lên chen lấn dấu chân mềm.

Gió thì thầm ru sóng trải dịu êm

Chung nhịp bước mình cùng nghe biển hát

Cánh Hải u chao nghiêng vờn nắng nhạt

Con dã tràng xe cát cuối bờ xa.

Màn đêm về nhìn biển rộng bao la

Nhịp tim đập ngân nga câu tình ái

Cùng say đắm trong vườn yêu huyền thoại

Khúc nhạc tình… nhuộm tím biển chiều thu.

– Bài thơ nói về kỉ niệm của một cặp tình nhân khi hai người cùng ngắm biển

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – HẾT – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

https://tip.edu.vn/soan-bai-song-ngu-van-lop-11-canh-dieu-76763n
Với tác phẩm “Sóng”, Xuân Quỳnh đã chứng tỏ được tâm hồn đầy nữ tính và khát vọng tình yêu cháy bỏng của bản thân. Từ đó, đem đến nhiều thông điệp quý báu cho độc giả. Các em hãy ghé qua Tip.edu.vn để tham khảo thêm các bài soạn khác nhé: Soạn bài Nỗi niềm tương tư, Ngữ văn lớp 11 Cánh Diều; Soạn bài Hôm qua tát nước đầu đình, Ngữ văn lớp 11 Cánh Diều

Xem thêm nhiều bài viết hay về Hỏi Đáp Văn Học

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

5/5 - (51 bình chọn)