Chia sẻ những tip thiết thực

Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu để thấy đây là một trong những truyện ngắn xuất sắc tiêu biểu cho phong cách sáng tác của nhà văn. Tác phẩm cũng tiêu biểu cho cảm hứng thế sự đời tư – xu hướng chung của văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Nội dung bài viết dưới đây của Tip.edu.vn sẽ giúp bạn tìm hiểu và phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. 

Mở bài: Để có thể tạo ra một tác phẩm văn thơ để đời, có lẽ ngoài niềm say mê, sự tâm huyết với nghề thì bất kì văn nhân, thi sĩ nào cũng cần thể hiện được nút giao nhau giữa nghệ thuật và cuộc đời trong tác phẩm của họ. Có như thế thì tác phẩm mới đi vào lòng người thưởng thức bởi nó không chỉ đẹp về phương diện nghệ thuật mà còn có giá trị vì sự gắn bó với đời sống con người. Nằm trong vô số tác phẩm viết về người lao động nghèo khổ, bất hạnh, “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu là một tác phẩm nổi bật của thời kì đổi mới. Thông qua tác phẩm, những chiêm nghiệm về cuộc đời và nghệ thuật đã được nhà văn bộc lộ hết sức sâu sắc và tinh tế.

Đôi nét về Nguyễn Minh Châu và Chiếc thuyền ngoài xa

Trước khi phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, bạn cần nắm được những nét chính về tác giả và tác phẩm. 

Tóm tắt về nhà văn Nguyễn Minh Châu 

Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989), quê ở vùng đất miền Trung Nghệ An. Ông bắt đầu gia nhập vào quân đội vào thời điểm tràn đầy sức trẻ của lứa tuổi mười tám đôi mươi. Cũng trong quá trình công tác tại các đơn vị, Nguyễn Minh Châu bén duyên với nghề cầm bút sáng tác và chuyển sang làm ở tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1962. Năm 1989, ông lâm bệnh và qua đời.

Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu bắt đầu từ sớm nhưng đến năm 1960, tác phẩm của ông mới gây được tiếng vang với tiểu thuyết “Cửa sông”. Đây được xem là một trong những lá cờ đầu của giai đoạn văn học Việt Nam trong thời kì đổi mới. Nguyễn Minh Châu sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau như tiểu thuyết, truyện ngắn và cả tiểu luận phê bình. Trong sáng tác, nhà văn thường thể hiện sự trăn trở của mình về số phận của nhân dân và trách nhiệm của nhà văn, đặc biệt là từ khoảng thời gian từ những năm 80 của thể kỉ XX. Những sáng tác đó đã mang lại thành công to lớn cho bản thân tác giả và đóng góp cho văn học nước nhà những tác phẩm tiêu biểu. Năm 2000, ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật.

Tìm hiểu tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa 

Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” được in từ tập “Bến quê” (1985) và là một trong những tác phẩm đặc trưng nhất cho phong cách tự sự – triết lí của nhà văn.

phân tích tác phẩm chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn nguyễn minh châu
Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu

Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu 

Những phát hiện nghệ thuật của nghệ sĩ Phùng, chuyện về người đàn bà làng chài cùng tác phẩm của người nghệ sĩ là những nét chính khi phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. 

Những phát hiện của nhiếp ảnh Phùng 

Khi phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa ta thấy những phát hiện của nhà nhiếp ảnh Phùng đã góp phần xây dựng nên một tình huống truyện độc đáo. Trong lần tác nghiệp ở một vùng biển, sau nhiều lần đón đợi, Phùng đã bắt gặp một khung cảnh tuyệt vời của một buổi sớm bình minh như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ” với hình ảnh trung tâm là chiếc thuyền ngoài xa. Đó là cảnh khiến Phùng nhận thấy “toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực sự đơn giản và toàn bích”

Có lẽ suốt một đời cầm máy, anh không dễ gặp được lần thứ hai. Trong cái khoảnh khắc cảnh đẹp hiện diện trước mắt, anh cảm thấy “hạnh phúc tràn ngập tâm hồn” và có lúc trở nên “bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Cũng trong thời điểm đó, anh cảm nhận được cái đẹp có vai trò gột rửa, thanh lọc để tâm hồn anh cũng thanh mát theo cảnh vật và rồi có thể chiêm nghiệm, đúc rút được một điều: “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”.

Thật bất ngờ, đằng sau “bức tranh mực tàu” kia, Phùng lại có một phát hiện khác, đó là sự đau khổ, thô bạo trong cuộc sống một gia đình. Phùng chứng kiển cảnh người đàn bà với những nét thô kệch, xấu xí chịu đựng “chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng” của người chồng độc dữ, nhìn rõ mồn một việc thằng bé con đánh trả lại cha để giải vây cho mẹ, nhưng cha nó đã “dang thẳng cánh tay cho thằng bé hai cái tát”

Để rồi sau đó người mẹ chắp tay vái lạy rồi đuổi theo người đàn ông. Phùng choáng váng, bất ngờ đến nỗi “đứng há mồm ra mà nhìn” rồi chua chát nhận ra vẻ đẹp lung linh của bức ảnh buổi sớm mai anh cất công chụp được lại trở nên ghê sợ, hãi hùng bởi câu chuyện bi kịch của một gia đình vô tình anh nhìn thấy.

Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa sẽ thấy tất cả những gì Phùng chứng kiến được khiến anh không khỏi oán trách người đàn ông độc dữ và thắc mắc người đàn bà sao chấp nhận sống cam chịu đến vậy. Thế nhưng sau khi nghe câu chuyện của người đàn bà tại tòa án, Phùng vỡ lẽ ra nhiều điều. Nghe người đàn bà kể lại chuyện lầm lỡ thời trẻ được người chồng hiện tại cưu mang ra sao, chuyện “trên thuyền phải có một người đàn ông… dù hắn man rợ và tàn bạo” để “chèo chống khi phong ba, rồi để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con”. Lúc này, Phùng mới nhận thấy thì ra cái tình huống mình chứng kiến lại ngang trái và nghịch lí đến vậy. 

Phùng không ngờ đằng sau bức tranh mĩ lệ lại là sự ẩn mình của cay đắng. Bất ngờ hơn vì nạn nhân bạo hành lại không chấp nhận sự giải thoát và có lúc người nghệ sĩ như anh và cán bộ Đẩu lại đuối lí trước lời biện giải của người đàn bà thô kệch, khổ sở kia. Tuy nhiên, từ nghịch lí đó, Phùng biết được rằng đôi khi nếu không nhìn bằng cái nhìn đa chiều, người ta sẽ có thể giống như anh ở chỗ: khó nhận thấy những bi kịch con người sống đời cam chịu đằng sau cái đẹp của bức tranh, hay cái đẹp về phẩm chất của người đàn bà bị che lấp trong cuộc sống bị nguyền rủa, bạo hành. 

Và khi phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, ta cũng thấy nếu không có cơ hội nghe để hiểu cho hoàn cảnh của người đàn bà, ắt hẳn trong suy nghĩ của Phùng, người phụ nữ kia chỉ là một người gàn dở, cố chấp, tự chôn vùi cuộc sống của chính mình. May mắn là, Phùng biết được chuyện chị cam chịu là có lí do chính đáng: có chỗ dựa nuôi sống các con. Thế nên trước khi đưa ra kết luận về một điều gì đó tồn tại trong vô vàn những rối ren, phức tạp của cuộc đời, con người cần dành cho nhau sự thấu hiểu và cảm thông.

Hình ảnh về người đàn bà làng chài 

Những nghịch lí về cuộc sống mà Phùng nhận thấy dường như gắn liền với câu chuyện về phận đời người đàn bà hàng chài. Có lẽ không chỉ với Phùng mà mỗi người đọc cũng có những ấn tượng khó quên về nhân vật người phụ nữ ấy. Chị có một cuộc đời bất hạnh nhưng lại là người có những phẩm chất đáng quý vô cùng.

Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa sẽ thấy rất rõ cuộc đời của người đàn bà làng chài là sự nối dài của những chuỗi bất hạnh. Chị bước vào trang viết của Nguyễn Minh Châu với gương mặt rỗ, thân hình quen thuộc của người đàn bà vùng biển với những đường nét thô kệch, mệt mỏi, tái ngắt. Vì xấu xí nên chị không được ai để ý. Chị không may mắn có được sự ưa nhìn hay dung nhan của người phụ nữ. Nhưng có lẽ, bất hạnh lớn hơn là ngay cả thiên chức làm vợ, chị cũng bị từ chối. 

Tiếp nối khổ đau là sự lỡ lầm của chị khi còn trẻ, sau đó lại trở thành vợ của một kẻ vũ phu lấy đòn roi làm thứ giúp giải tỏa mọi áp lực của cuộc sống. Thế là chị phải chịu đều đặn “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa sẽ thấy rằng cuộc sống lao động vất vả đã in hình khắc khổ lên ngay cái dáng vẻ của chị, khắc khổ ở cả số phận và ngay cả cái tên, chị cũng chỉ được tác giả gọi bằng cái tên chung: “người đàn bà hàng chài”. Cách gọi người đàn bà bằng cái tên chung ấy chính là một sự khắc họa của tác giả đối với những người có cuộc đời giống với chị.

Cuộc sống thực tại đầy đau khổ như thế nhưng người đàn bà ấy vẫn chấp nhận như một thói quen, thói quen ấy được duy trì và lâu dẫn trở thành tính cách cam chịu, nhẫn nhịn nơi chị. Khi đứa con phản ứng lại với cha để bênh vực thì chị đã ra sức ngăn cản. Chị đau đớn “chắp tay vái lấy vái để” đứa con, chị đã quen đón những trận mưa roi trong câm lặng. 

Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, ta nhận thấy lúc đến gặp chánh án Đẩu, người đàn bà tỏ ra sợ sệt, lúng túng và chỉ ngồi nép vào một góc phòng dù đã đến lần thứ hai. Đến khi chánh án mời mãi chị “mới dám rón rén đến ngồi ghé vào mép chiếc ghế và cố thu người lại”. Khi mọi người ra sức khuyên chị nên li hôn để giải thoát cho cuộc hôn nhân bất hạnh của mình thì chị môt mực chối từ.  

Lời nói của chị trước tòa án huyện khiến người đọc dễ hình dung việc hình như chị chưa bao giờ có ý định từ bỏ người chồng bạo hành ấy: “Quý tòa bắt tội con cũng được, hay phạt tù con cũng được, nhưng đừng bắt con bỏ nó”. Chị cam chịu sống với y như chính sự cam chịu sống lênh đênh trên thuyền. Khi được gợi ý xây dựng một cuộc sống mới trên bờ, chị đã chối bỏ ngay: “Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó?”.

Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, ta thấy rằng tuy bất hạnh, tuy hiện hữu trong tác phẩm với sự cam chịu, nhẫn nhịn nhưng thẳm sâu bên trong người đàn bà ấy chính là những nét đẹp đáng trân trọng về phẩm chất. Với chồng chị là một người chịu thương chịu khó giúp chồng mưu sinh hết mình. Chị chấp nhận chịu đựng nỗi khó khăn về vật chất khi sống trên thuyền, có những ngày biển động phải ăn xương rồng luộc chấm muối. Chị cũng chấp nhận cảnh sống đông con và hằng ngày phải sinh hoạt trên một chiếc thuyền chật hẹp. 

Chị chịu đựng cảnh đòn roi, xót xa vì con mình chịu những tổn thương về tinh thần khi chúng chứng kiến thấy cảnh mình bị chồng đánh và chị lại càng đau đớn hơn khi thấy sự rạn nứt trong tình cảm cha con của Phác. Người đọc có thể trách chị sao tự làm khổ bản thân nhưng thật sự tất cả những gì chị chịu đựng kia đều xuất phát từ tình thương dành cho chồng, con. 

Với chồng, tình thương của chị được thể hiện bằng sự thấu hiểu, cảm thông cho nỗi đau khổ, uất ức của chồng. Chị nhớ về hình ảnh của chồng mình ngày xưa vốn là một người chăm chỉ lao động, không rượu chè, bản chất hiền lành nhưng cục tính và thất học. Thế nhưng chỉ vì trốn lính mà đâm ra túng quẫn, thêm vào đó là sự đè nặng của nỗi lo cơm áo mà trở thành một người đàn ông vũ phu. 

Khi phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, ta sẽ thấy chị không trách chồng mà nhận hết mọi tội lỗi về mình: “giá mà tôi đẻ ít đi”. Với con, chị là một người mẹ hết mực thương yêu con cái. Chị muốn con có bố, muốn có “người đàn ông chèo chống lúc phong ba” để cùng chị nuối nấng con cái. 

Chị quan niệm “đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình”, chị cũng lấy sự ấm no của con để làm niềm vui, hạnh phúc cho chính mình. Niềm vui ấy ngời lên trên ánh mắt khi chị chia sẻ: “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”. Tất cả những điều nói trên đã làm nổi bật ở chị tấm lòng bao dung vô bờ bến của một người vợ tình nghĩa và một người mẹ hiền từ.

Đặc biệt hơn cả, ở chị còn toát lên hình ảnh của một người phụ nữ có suy nghĩ sâu sắc và thấu hiểu lẽ đời. Điều này được thể hiện rất rõ trong cuộc gặp giữa chị với Đẩu và Phùng tại tòa án huyện. Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa sẽ thấy bất chấp lời khuyên nên li hôn, người đàn bà từ một người khúm núm, sợ sệt đã trở nên tự tin hơn khi sử dụng lí lẽ của một người từng trải: “Các chú đâu phải là người làm ăn… vậy nên các chú đâu có hiểu được cái việc của người làm ăn lam lũ, khó nhọc”“Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông”.

Rồi tiếp đó, chị diễn giải lí do không thể li hôn một cách thấu tình đạt lí: “Mong các chú thông cảm cho […] Đàn bà trên thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được […] Vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ”. Nhưng điều chị thổ lộ thật sâu sắc, chị xem cuộc đời của mình cũng có số phận như biển vậy, lúc êm đềm, khi lại bão giông nên không có điều gì khiến chị phải từ bỏ cuộc hôn nhân này. 

Hơn hết, chị hiểu rõ những hành động vũ phu của chồng xuất phát từ không gian sống tù túng, con cái nheo nhóc và sự đói nghèo chứ không phải là bản chất. Chị sẵn sàng cảm thông. Chính cách sống và suy nghĩ đáng trọng của người phụ nữ bám biển ấy đã khiến Phùng và Đẩu thấu hiểu và đồng cảm cho quyết định của chị hơn.

Xem chi tiết >>> Phân tích nhân vật người đàn bà làng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa

Tác phẩm nghệ thuật của người nghệ sĩ

Cuối tác phẩm, bức ảnh trắng đen thật sự là một chi tiết đầy ấn tượng. Bức ảnh ấy không chỉ được chụp bằng góc máy nghệ thuật mà còn thể hiện hơi thở nóng hổi của cuộc sống khi Phùng nhìn lâu hơn một chút.

Bức ảnh xuất hiện với “cái màu hồng của sương mai”. Sắc hồng hay ánh sương mai toát lên từ bức ảnh có thể xem là thơ mộng, là ánh sáng tươi tắn cuộc đời và cũng chính là hình ảnh tượng trưng cho cái đẹp nghệ thuật. Bức ảnh với giá trị cao cả về nghệ thuật ấy đã được “treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật”. Thế nhưng, bên cạnh cái đẹp về nghệ thuật, Phùng cón thấy hiển hiện trong đó hình ảnh “người đàn bà đang bước ra khỏi tấm ảnh”. Đây chính là sự biểu trưng cho những gian khó, khắc nghiệt của cuộc đời. Nó là nỗi ám ảnh,là sự day dứt khôn nguôi nhưng lại bộc lộ rõ nhất mối bận tâm, nỗi lòng của người nghệ sĩ với cuộc đời.

Không phải ngẫu nhiên mà bức ảnh ấy lại xuất hiện ở trong phần cuối của tác phẩm nếu không chuyển tải một ý nghĩa sâu sắc. Bức ảnh không chỉ làm toát lên những vẻ đẹp thuộc về nghệ thuật còn làm toát lên chất hiện thực của cuộc đời. Quan trọng là nghệ thuật chân chính ấy sẽ càng có ý nghĩa hơn khi nó bắt nguồn từ hiện thực cuộc đời và có mối quan hệ khăng khít với cuộc đời. Với người nghệ sĩ, tạo ra một tác phẩm có giá trị thì cũng cần thổi hồn cuộc sống hiện thực vào trong đó và người nghệ sĩ chân chính là người tạo ra những tác phẩm nghệ thuật vun bồi những tình cảm tốt đẹp để phục vụ cho cuộc sống của mọi người.

tìm hiểu và phân tích tác phẩm chiếc thuyền ngoài xa
Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa

Đánh giá nội dung nghệ thuật khi phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

Những nét độc đáo về nghệ thuật có thể điểm qua trong tác phẩm là: tình huống độc đáo, cách lựa chọn ngôi kể, điểm nhìn thích hợp từ nhân vật Phùng, ngôn ngữ nhân vật sinh động cùng giọng điệu trần thuật linh hoạt. Bằng những độc đáo về nghệ thuật nói trên, nhà văn đã thể hiện niềm cảm thương sâu sắc với những nhân vật sống kiếp nghèo khó, bất hạnh. Đồng thời, tác giả cũng thể hiện tiếng nói tố cáo tình trạng bạo lực gia đình cũng như những ảnh hưởng tiêu cực mà nó gieo rắc cho cuộc sống con người.

Kết bài: Như vậy qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, ta có thể thấy Nguyễn Minh Châu đã thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc của mình về mối quan hệ mật thiết giữa nghệ thuật và cuộc đời: nghệ thuật cần gắn bó với cuộc đời và phải vì cuộc đời. Bên cạnh đó, ta còn có thể thấu hiểu được một điều: mỗi người trong cõi đời cần phải nhìn nhận vấn đề trên phương diện đa chiều, nhiều góc độ để có những đánh giá xác đáng, khách quan.

Dàn ý phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu 

Dưới đây là dàn ý phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu sẽ giúp bạn nắm được nội dung cùng những ý chính của bài viết.

Mở bài phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa 

  • Giới thiệu tóm tắt những nét chính về tác giả Nguyễn Minh Châu.
  • Giới thiệu tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách sáng tác của nhà văn.

Thân bài phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa 

  • Hai phát hiện lý thú của người nghệ sĩ.
    • Phát hiện ra “cảnh đắt trời cho”.
    • Phát hiện về bức tranh cuộc sống đầy sự nghịch lý.
  • Câu chuyện về cuộc sống của người đàn bà làng chài.
  • Tấm ảnh nghệ thuật được chọn của nghệ sĩ Phùng. 

Kết bài phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa 

  • Nêu giá trị nội dung và ý nghĩa của tác phẩm.
  • Nêu giá trị nghệ thuật của truyện ngắn.
  • Trình bày cảm nhận của bản thân khi phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.

Với nội dung sâu sắc, cốt truyện độc đáo, tình huống truyện giàu ý nghĩa mang những nét khám phá và phát hiện mới mẻ về cuộc đời, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu đã cho thấy những chiêm nghiệm và triết lý về cuộc đời, con người cũng như nghệ thuật. Hy vọng với những gợi ý trên, bạn đã tìm thấy những ý văn hay bổ sung cho bài viết của  mình khi phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. Chúc bạn luôn học tập tốt!. 

Xem thêm: 

  • Phân tích tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
  • Vợ nhặt và Chiếc thuyền ngoài xa – So sánh chi tiết dòng nước mắt
  • Phân tích nhân vật Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa – Ngữ Văn 12
  • VẺ ĐẸP KHUẤT LẤP CỦA NGƯỜI VỢ NHẶT VÀ NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀNG CHÀI

Tu khoa lien quan:

  • bài thơ chiếc thuyền ngoài xa
  • tóm tắt chiếc thuyền ngoài xa
  • nghị luận chiếc thuyền ngoài xa
  • cảm nhận chiếc thuyền ngoài xa
  • phân tích đoạn 1 chiếc thuyền ngoài xa
  • nghị luận văn học về chiếc thuyền ngoài xa

Xem thêm nhiều bài viết hay về Hỏi Đáp Văn Học

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post