Phân tích nhân vật ông họa sĩ trong bài Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long hay ngắn
Đề bài: Phân tích nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa.
Phân tích Vai trò của ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa hay nhất
I. Dàn ý.
II. Đoạn văn mẫu.
III. Bài văn mẫu.
I. Dàn ý Phân tích nhân vật ông họa sĩ trong bài Lặng lẽ Sa Pa ngắn gọn:
1. Mở bài:
– Giới thiệu về tác phẩm và nhân vật ông họa sĩ trong văn bản “Lặng lẽ Sa Pa”.
2. Thân bài:
a) Giới thiệu chung về nhân vật bác họa sĩ già:
– Họa sĩ lão thành.
– Là người khách có mặt trên chuyến xe lên Sa Pa.
b) Là người có tình yêu thiên nhiên, mến mộ con người:
– Yêu thiên nhiên:
+ Trông thấy những vẻ đẹp của thiên nhiên Sa Pa thơ mộng: rặng đào, đàn bò lang cổ có đeo chuông trong các đồng cỏ trong thung lũng hai bên đường.
+ Rung động trước thiên nhiên Sa Pa, muốn sau này về đó ở hẳn.
– Mến mộ con người:
+ Xúc động mạnh khi thấy anh thanh niên.
+ Họa sĩ cảm giác mình bối rối khi đứng trước anh thanh niên: vì ông đã bắt gặp điều ông vẫn ao ước được biết, một nét đủ để khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị của một chuyến đi dài.
+ Thích thú trước chén trà nóng anh thanh niên pha cho.
+ Muốn ở cùng anh thanh niên và được nghe anh kể câu chuyện về công việc của mình.
=> Ngay từ những phút ban đầu gặp gỡ anh thanh niên, bằng sự từng trải nghề nghiệp và niềm khao khát của người nghệ sĩ đi tìm đối tượng của nghệ thuật, ông đã xúc động và bối rối.
b) Quan điểm nghệ thuật của ông họa sĩ:
– Ông hiểu rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa khi diễn tả những vẻ đẹp trong cuộc sống. Phải vẽ thế nào để người ta hiểu? Phải làm thế nào để đặt được chính tấm lòng của người họa sĩ vào bức tranh? -> Vẽ bao giờ cũng là việc khó, nặng nhọc, gian nan.
– Ông coi ngòi bút như một quả tim nữa của mình vì suốt cuộc đời mình, ông chỉ đi và vẽ. Chính niềm khao khát nghệ thuật đã khiến ông thêm yêu cuộc sống và con người.
– Ông luôn trăn trở phải vẽ được cái gì đó mà suốt đời mình thích.
c) Nghệ thuật:
– Tác giả dùng điểm nhìn của bác họa sĩ già để thể hiện câu chuyện: Người đọc thấy rõ được suy nghĩ, quan niệm của nhân vật này. -> Hầu như người kể chuyện đã nhập vào cái nhìn và suy nghĩ của nhân vật ông họa sĩ để quan sát và miêu tả từ cảnh thiên nhiên đến nhân vật chính của chuyện. Từ đó, gửi gắm suy nghĩ về con người, về nghệ thuật.
– Những lời độc thoại, đối thoại của nhân vật giúp ta hiểu được thêm về chủ đề tác phẩm.
3. Kết bài:
– Khái quát lại về nhân vật bác họa sĩ già: Những xúc cảm và suy tư của nhân vật ông họa sĩ về người thanh niên và về những điều khác nữa được gợi lên từ câu chuyện của anh làm cho chân dung nhân vật chính thêm sáng đẹp và tạo nên chiều sâu tư tưởng.
Phân tích nhân vật ông họa sĩ trong bài Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long hay ngắn
II. Viết đoạn văn Phân tích nhân vật ông họa sĩ trong tác phẩm Lặng lẽ sa pa của Nguyễn Thành Long:
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là một tác phẩm xuất sắc nói về những con người nhỏ bé ngày đêm thầm lặng cống hiến cho đất nước. Truyện được kể dưới góc nhìn của nhân vật ông họa sĩ già, một vị khách có mặt trên chuyến xe lên Sa Pa. Ông họa sĩ là một người rất yêu thiên nhiên. Khi mới bắt đầu vào đến Sa Pa, ông đã nhận ra ngay thiên nhiên xung quanh đầy thơ mộng với những rặng đào và đàn bò trong các đồng cỏ thung lũng hai bên đường. Dường như bác họa sĩ đã rung động trước khung cảnh gần gũi, bình dị mà tươi đẹp đó nên ông có mong muốn sẽ được về Sa Pa ở hẳn. Không những vậy, ông còn có lòng mến mộ con người đang hằng ngày cống hiến cho đất nước. Khi gặp được anh thanh niên, bác họa sĩ có một niềm xúc động mạnh. Ông thổ lộ mong ước muốn được trò chuyện cùng anh thanh niên và nghe anh kể về công việc, cuộc sống trên đỉnh Yên Sơn. Người họa sĩ thực sự đã tìm ra điều mà “ông vẫn ao ước được biết, một nét thôi cũng đủ khẳng định một tấm hồn, khơi gợi một ý sáng tác” ở anh thanh niên. Thế nhưng, đối với ông, việc vẽ lúc nào cũng là việc khó, đầy gian nan. “Làm thế nào để làm hiện lên được mẫu người ấy?”, “làm thế nào đặt được chính tấm lòng của nhà họa sĩ vào giữa bức tranh đó?” Những trăn trở về nghề vẽ khiến bác họa sĩ hiểu rõ sự bất lực của nghệ thuật. Tuy coi ngòi bút như quả tim mình nhưng tâm trí ông luôn tràn đầy những suy tư. Điều đó thể hiện cho người đọc thấy được ông là người nghệ sĩ chân chính. Bằng điểm nhìn của nhà họa sĩ – người có rất nhiều suy nghĩ, trăn trở về con người Sa Pa và nghệ thuật, tác giả Nguyễn Thành Long đã gửi gắm rất nhiều triết lí nhân sinh vào trong truyện ngắn. Đó cũng chính là một trong những lí do khiến cho “Lặng lẽ Sa Pa” có sức sống đến tận ngày nay.
————————
Em hãy tìm đọc thêm các bài phân tích những nhân vật khác của truyện như: Phân tích nhân vật cô kĩ sư trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa; Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong Lặng lẽ Sa Pa; Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa.
III. Bài văn Phân tích nhân vật ông họa sĩ trong bài Lặng lẽ Sa Pa hay ngắn:
Mỗi một nhà văn đều có những suy ngẫm, triết lí riêng về nghệ thuật nói chung và về nghề viết nói riêng. Những góc nhìn ấy thường được họ thể hiện trong các tác phẩm của mình, từ đó tạo nên chất riêng của người nghệ sĩ, khó mà trùng lặp. Nhà văn Nguyễn Thành Long cũng đã thể hiện quan điểm của mình về nghệ thuật qua nhân vật bác họa sĩ già trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”. Bác họa sĩ tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng lại là người dẫn dắt câu chuyện, thể hiện tâm tư, suy nghĩ của tác giả.
Bác họa sĩ là người làm nghệ thuật đã lâu năm. Ông lên Sa Pa công tác và tìm nguồn cảm hứng mới. Ông có cảm quan tinh tế khi nhận thấy vẻ đẹp trên những cung đường đầu tiên dẫn vào Sa Pa. Ông trông thấy những rặng đào thơ mộng, thấy đàn bò lang cổ có đeo chuông trong các đồng cỏ trong thung lũng hai bên đường. Chỉ một vài chi tiết nhỏ, người đọc thấy được Sa Pa thật yên bình, tươi đẹp. Bác họa sĩ yêu nơi này đến nỗi, ông muốn được về đây ở hẳn.
Vẻ đẹp của Sa Pa không chủ nằm ở thiên nhiên mà còn được thể hiện qua những con người lao động. Đây có lẽ chính là điều mà người họa sĩ tìm kiếm trong suốt chuyến đi dài. Và ông đã gặp được anh thanh niên, một người trẻ, đại diện tiêu biểu cho những người lao động thầm lặng để đóng góp cho quê hương. Nhận thấy anh chính là người mình tìm kiếm, bác họa sĩ đã tranh thủ thời gian, muốn tiếp xúc với anh nhiều hơn. Trong cuộc trò chuyện đó, anh thanh niên đã đưa ông đi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc.: Đầu tiên, ông thấy mình xúc động, vì một lí do không rõ khi gặp chàng trai trẻ trên đỉnh Yên Sơn. Tiếp theo nó, khi tham quan nơi anh sống, ông lại càng bất ngờ, bối rối, thích thú trước cuộc sống của anh. Người họa sĩ biết mình đã gặp được điều mình vẫn hằng ao ước, một nét đủ để khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị của một chuyến đi dài.
Thế nhưng, là một người làm nghệ thuật chân chính, đứng trước niềm vui tìm được ý tưởng sáng tác mới, ông không khỏi có thêm những suy nghĩ, trăn trở với nghề. Ông hiểu rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa khi diễn tả những vẻ đẹp trong cuộc sống. Phải vẽ thế nào để người ta hiểu? Phải làm thế nào để đặt được chính tấm lòng của người họa sĩ vào bức tranh?,… Có vô vàn câu hỏi được đặt ra mà ông vẫn đang loay hoay tìm câu trả lời. Ông chỉ có thể coi ngòi bút như một quả tim nữa của mình, vẽ bằng tất cả sự khao khát và tình cảm trong lòng. Suốt cuộc đời, ông chỉ đi và vẽ. Chính nghệ thuật đã khiến ông thêm yêu cuộc sống, con người nhiều hơn. Đây cũng chính là ý nghĩa mà tác giả muốn mang tới cho người đọc, nghệ thuật là một cuộc dấn thân mà ta phải đánh đổi bằng máu huyết. Khi người nghệ sĩ đã có quyết tâm theo đuổi cuộc hành trình ấy, họ sẽ được tôi luyện để có một tâm hồn phong phú, cao đẹp hơn. Chính ông họa sĩ trong “Lặng lẽ Sa Pa” là một minh chứng cho điều này, tuy có rất nhiều trăn trở về nghề vẽ nhưng ông không bao giờ xao lòng mà luôn vẽ bằng cả trái tim của mình, từ đó, ông đã có thêm tình yêu thiên nhiên, cuộc sống.
Tác giả Nguyễn Thành Long đã dùng điểm nhìn của bác họa sĩ già để thể hiện câu chuyện, giúp cho người đọc thấy rõ được suy nghĩ, quan điểm của nhân vật này hay của chính tác giả. Từ đó, ta thấy được những chiêm nghiệm về nghệ thuật và lời ngợi ca những con người đang ngày đêm âm thầm cống hiến cho Tổ quốc.
Bác họa sĩ là một nhân vật quan trọng trong “Lặng lẽ Sa Pa”. Những xúc cảm và suy tư của ông về người thanh niên và những điều khác nữa đã làm cho bức chân dung của nhân vật chính thêm sáng đẹp, tạo nên chiều sâu tư tưởng cho tác phẩm.
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – HẾT – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
https://tip.edu.vn/phan-tich-nhan-vat-ong-hoa-si-trong-bai-lang-le-sa-pa-75868n
Trong “Lặng lẽ Sa Pa”, người kể chuyện đã nhập vai vào ông họa sĩ để thể hiện góc nhìn và suy nghĩ của mình về cảnh vật và con người Sa Pa. Với đoạn văn mẫu và bài văn mẫu phân tích nhân vật ông họa sĩ trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, hy vọng các em có thể làm bài văn hay, đạt điểm cao nhé.
Xem thêm nhiều bài viết hay về Hỏi Đáp Văn Học
▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.