Chia sẻ những tip thiết thực

Phân tích hai câu cuối bài Tỏ lòng

Khi Phân tích hai câu cuối bài Tỏ lòng các em sẽ hiểu được chí làm trai của nam nhi trong xã hội xưa đồng thời cảm nhận được khát vọng lập công và lí tưởng sống cao đẹp của Phạm Ngũ Lão được thể hiện qua bài thơ.

Đề bài: Phân tích hai câu cuối bài Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão

Mục lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

phan tich hai cau cuoi bai to long

Phân tích hai câu cuối bài Tỏ lòng

I. Dàn ý Phân tích hai câu cuối bài Tỏ lòng (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về bài thơ Tỏ lòng và hai câu thơ cuối của bài

2. Thân bài

– 2 câu thơ cuối cùng, nhà thơ tập trung thể hiện khát vọng lập công cao đẹp và nỗi thẹn của “kẻ làm trai”:

“Nam nhi vị liễu công danh trái”

+ Trong xã hội xưa, những trang nam nhi thường coi việc trả nợ công danh là mục tiêu, khát vọng lớn nhất của cuộc đời.
+ Phạm Ngũ Lão cũng đề cao lí tưởng trung quân ái quốc, khát vọng lập công của kẻ làm trai.
+ Khát vọng công danh của Phạm Ngũ Lão không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm cao mà còn bộc lộ nhân cách cao đẹp của một con người, một vị tướng mang khát khao cứu nước, giúp đời cao đẹp.

“Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”

+ Tự nhận thấy cái nợ công danh chưa trả xong “Nam nhi vị liễu công danh trái” nên nhà thơ luôn canh cánh một nỗi thẹn.
+ “Vũ Hầu” được nhắc đến trong câu thơ là Khổng Minh Gia Cát Lượng, một người tài trí hơn người, giỏi tài mưu lược, ông cũng được coi là biểu tượng đẹp về chí làm trai.
+ Phạm Ngũ Lão thấy hổ thẹn vì ông cho rằng bản thân còn chưa trả xong nợ công danh, chưa hoàn thành trách nhiệm của kẻ làm trai với đất nước, nhân dân.
+ Nỗi thẹn ấy cũng thật đáng trân trọng, đó là cái thẹn của một người có tài năng, nhân cách, trách nhiệm với cuộc đời.

3. Kết bài

Nêu cảm nghĩ chung

II. Bài văn mẫu Phân tích hai câu cuối bài Tỏ lòng (Chuẩn)

Phạm Ngũ Lão là danh tướng tài ba dưới thời nhà Trần, ông không chỉ có tài thao lược mà còn là một người có chí lớn, có ý thức trách nhiệm sâu sắc với vận mệnh đất nước, với cuộc đời. Lí tưởng cứu nước cao đẹp và khát vọng lập công cũng được thể hiện rõ nét trong những tác phẩm thơ văn của ông, tiêu biểu nhất có thể kể đến bài thơ “Thuật hoài” (Tỏ lòng), đặc biệt là trong hai câu thơ cuối của bài.

Thuật hoài là bài thơ mang đậm hào khí Đông A, trong những câu thơ đầu, Phạm Ngũ Lão đã tái hiện đầy sống động hào khí mạnh mẽ và sức mạnh “nuốt trôi trâu” của quân đội thời Trần. Trong những câu thơ cuối cùng, nhà thơ tập trung thể hiện khát vọng lập công cao đẹp và nỗi thẹn của “kẻ làm trai”:

Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu

Dịch thơ:

Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe thuyết Vũ Hầu

Ở những câu thơ đầu, chúng ta đã bắt gặp hình ảnh của một đấng anh hùng cầm ngang ngọn giáo trấn giữ non sông. Hình ảnh bi tráng của người anh hùng hiên ngang, mạnh mẽ, đầy quyết tâm giữa trận mạc mang đến cho chúng ta những cảm nhận thật đẹp về quân tướng thời Trần. Thế nhưng hào hùng là vậy, lẫm liệt là vậy nhưng Phạm Ngũ Lão vẫn thấy trăn trở một nỗi thẹn trong lòng. Đó là nỗi thẹn của một con người có nhân cách, có trách nhiệm với cuộc đời.

“Nam nhi vị liễu công danh trái”

Trong xã hội xưa, những trang nam nhi thường coi việc trả nợ công danh là mục tiêu, khát vọng lớn nhất của cuộc đời. Công danh ở đây không phải là việc mang vinh hoa phú quý cho bản thân mà nhằm dâng hiến tài năng, công sức cho cuộc đời, đó là lẽ sống cao đẹp và cũng rất đáng trân trọng. Ta cũng từng bắt gặp những vần thơ viết về chí nam trai như:

“Làm trai đứng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”

(Nguyễn Công Trứ)

Ở đây, Phạm Ngũ Lão cũng đề cao lí tưởng trung quân ái quốc, khát vọng lập công của kẻ làm trai. Nhà thơ cho rằng, đã làm thân nam nhi thì phải có công danh hiển hách, phải mang được tài trí của bản thân để đóng góp cho cuộc đời. Khát vọng công danh của Phạm Ngũ Lão không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm cao mà còn bộc lộ nhân cách cao đẹp của một con người, một vị tướng mang khát khao cứu nước, giúp đời cao đẹp. Tự nhận thấy cái nợ công danh chưa trả xong “Nam nhi vị liễu công danh trái” nên nhà thơ luôn canh cánh một nỗi trăn trở:

“Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”

“Vũ Hầu” được nhắc đến trong câu thơ là Khổng Minh Gia Cát Lượng- vị quân sư tài ba đã giúp Lưu Bị lập nên bao chiến công hiển hách. Khổng Minh là người tài trí hơn người, giỏi tài mưu lược được người đời kính nể, ông cũng được coi là biểu tượng đẹp về chí làm trai. Đứng trước tấm gương sáng của Vũ Hầu, Phạm Ngũ Lão thấy hổ thẹn vì ông cho rằng bản thân còn chưa trả xong nợ công danh, chưa hoàn thành trách nhiệm của kẻ làm trai với đất nước, nhân dân. Nỗi thẹn ấy cũng thật đáng trân trọng, đó là cái thẹn của một người có tài năng, nhân cách, trách nhiệm với cuộc đời. Phạm Ngũ Lão bày tỏ nỗi thẹn khi nghe thuyết Vũ Hầu không chỉ thể hiện sự kính trọng với bậc tiền nhân mà còn thể hiện khát vọng muốn noi gương người xưa tận trung báo quốc.

Như vậy, hai câu thơ cuối của bài đã thể hiện được quan niệm về chí làm trai và khát vọng lập công mạnh mẽ của Phạm Ngũ Lão. Bài thơ không chỉ thể hiện được hùng tâm tráng trí và hoài bão cao đẹp của đấng nam nhi đương thời mà còn khích lệ tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm và sự cống hiến cho đất nước ở thế hệ thanh thiếu niên hiện đại.

—————–HẾT—————-

https://tip.edu.vn/phan-tich-hai-cau-cuoi-bai-to-long-65981n
Bên cạnh bài Phân tích hai câu cuối bài Tỏ lòng, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão, Vẻ đẹp hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ Tỏ lòng, Phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão, Cảm tưởng của anh (chị) về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lãođể thấy được hình ảnh đẹp của người anh hùng cầm ngang ngọn giáo trấn giữ non sông và khát vọng lập công danh cao đẹp, đáng trân trọng.

Xem thêm nhiều bài viết hay về Hỏi Đáp Văn Học

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post