Chia sẻ những tip thiết thực

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu [TOP bài ĐIỂM CAO]

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu để thấy tác phẩm là tiếng hát tin tưởng, là tiếng lòng gắn bó tha thiết, nguyện dấn thân vào con đường Cách mạng đầy chông gai của dân tộc từ một chàng thanh niên bắt đầu giác ngộ lí tưởng.. Từ ấy tiêu biểu cho phong cách lãng mạn Cách mạng của Tố Hữu, tươi xanh chất trữ tình qua từng ý thơ, từng hình ảnh mang đậm màu sắc tâm tư của ước vọng Cách mạng. Bài viết dưới đây của Tip.edu.vn sẽ cùng bạn tìm hiểu cũng như phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu. 

Mở bài: Đối với độc giả với niềm hăng say thơ ca Việt Nam thì có lẽ Tố Hữu không phải là một cái tên xa lạ. Đặc biệt, trong phong trào thơ ca cách mạng Việt Nam, nhà thơ được xem là lá cờ đầu với những sáng tác có giá trị không chỉ về phương diện nội dung mà còn ở cả hình thức nghệ thuật.  Với Tố Hữu, con đường thơ luôn song hành cùng con đường cách mạng và bài thơ “Từ ấy” là một tác phẩm đã ghi dấu một kỉ niệm sâu đậm trong cuộc đời của Tố Hữu khi chọn cách mạng làm sự nghiệp theo đuổi. Bài thơ chính là một tiếng reo vui đầy tự hào của nhà thơ khi giác ngộ được lí tưởng cách mạng.

Sơ nét về nhà thơ Tố Hữu và tác phẩm Từ ấy

Trước khi cảm nhận hay phân tích bài thơ Từ ấy, ta cần nắm được đôi nét về nhà thơ cũng như tác phẩm. 

Những nét chính về tác giả Tố Hữu 

Tố Hữu (1920 – 2002), là người con của xứ Huế mộng mơ. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo và sớm mồ côi mẹ từ năm 12 tuổi. Trong những năm tháng bước vào lứa tuổi thanh niên, Tố Hữu chính là một chiến sĩ tích cực trong phong trào đấu tranh cách mạng. 

Ngay từ buổi đầu làm người chiến sĩ, Tố Hữu đã bộc lộ rõ là người có tố chất lãnh đạo và đã được giao đảm nhiệm cương vị là người lãnh đạo chủ chốt của Đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế và năm 1938 ông đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Thế nhưng đã làm cách mạng thì người chiến sĩ phải trải qua rất nhiều những gian truân, thử thách và Tố Hữu cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Vào tháng 4 năm 1939, ông bị giặc bắt nhưng với tình thần quả cảm của một người chiến sĩ có tấm lòng yêu nước nồng nàn, Tố Hữu không hề bị khuất phục trước sự giam hãm, đe dọa của kẻ thù. 

Sau đó, tháng 3 năm 1942, chính sự gan góc và bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng đã giúp Tố Hữu vượt ngục thành công và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Về sau, Tố Hữu còn đảm nhiệm một vai trò trọng yếu khác trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và nhà nước bởi uy tín của mình trong công việc.

Không chỉ là một người chiến sĩ, Tố Hữu còn là một nhà thơ tài ba. Tài năng thơ ca của ông được vun bồi từ thuở còn nhỏ do ông được sinh ra trong gia đình nhà Nho giàu truyền thống văn chương. Người bố có vốn hiểu biết sâu rộng về lối thơ cổ đã giúp Tố Hữu có được vốn kiến thức về cách làm thơ theo lối cổ này. 

Bên cạnh đó, Tố Hữu còn được học từ người mẹ dịu hiền của mình chất giọng dịu dàng, ngọt ngào của ca dao, dân ca. Đó là lí do vì sao dù học được từ bố lối làm thơ cổ nhưng thơ của Tố Hữu không hề khô khan, hàn lâm mà rất nhẹ nhàng, trìu mến. Và xứ Huế mộng mơ, nên thơ với những nếp sống văn hóa lâu đời cũng chính là ngọn nguồn nuôi dưỡng tâm hồn Tố Hữu trở nên dạt dào và tha thiết. 

Với những đặc điểm sáng tác mang phong cách riêng của mình, Tố Hữu đã ghi vào lòng người đọc những dấu ấn khó phai và đặc biệt là đã đóng góp vào nền văn học dân tộc, cụ thể là mảng thơ ca những tác phẩm có giá trị. Chính những sáng tác có có giá trị to lớn ấy đã giúp cho Tố Hữu được vinh danh ở giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 1996.

Hoàn cảnh ra đời bài thơ Từ ấy 

Bài thơ “Từ ấy” là bài thơ được trích từ phần “Máu lửa” trong tập thơ “Từ ấy” của tác giả. Đây là tập thơ gồm tập hợp những tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn 1937 đến năm 1946 nói về bước đi trong chặng đường cách mạng đầu tiên của chính nhà thơ khi giác ngộ lí tưởng của Đảng. 

Riêng những bài thơ trong phần thơ “Máu lửa” đã thể hiện sự cảm thông sâu sắc và khơi dậy mạnh mẽ vào tương lai mới của dân tộc. Bài thơ “Từ ấy” nằm trong phần thơ này lại là sáng tác đánh dấu khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời cách mạng của nhà thơ. Đó là khoảnh khắc nhà thơ giác ngộ được lí tưởng của Đảng và đứng vào hàng ngũ cách mạng.

tìm hiểu và phân tích bài thơ từ ấy của tố hữu
Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu

Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu 

Niềm say mê khi bắt gặp lí tưởng của Cách mạng, nhận thức về lẽ sống cùng với sự chuyển biến sâu sắc trong tâm hồn của chàng thanh niên trẻ là những ý chính khi phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu. 

Niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng Đảng

Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã thể hiện niềm vui mừng khôn xiết với những tình cảm nồng nhiệt, say mê dành cho lí tưởng mà mình vừa bắt gặp:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim.”

Ở khổ thơ trên, hai câu thơ đầu giống như lời tự sự của nhà thơ về một kỉ niệm sâu sắc trong cuộc đời của ông. Đó là khoảnh khắc “từ ấy” – mốc thời gian quan trọng đối với cuộc đời cách mạng của nhà thơ khi ông giác ngộ được lí tưởng cộng sản và được kết nạp vào Đảng. 

Sự xuất hiện của hình ảnh ẩn dụ “nắng hạ”, “mặt trời chân lí” đã giúp Tố Hữu nói lên sự bừng sáng trong tâm hồn nhà thơ bởi lí tưởng cộng sản. Trong tự nhiên, “nắng hạ”“mặt trời” là những hình ảnh tượng trưng cho nguồn sáng rực rỡ mang lại sự sống cho con người. Còn đối với tác giả, khoảnh khắc được tiếp nhận lí tưởng của Đảng chính là thời điểm tâm hồn nhà thơ được soi sáng bởi những nguồn sáng mà lí tưởng Đảng mang lại. 

Nguồn sáng ấy là ánh nắng rực rỡ của một ngày mùa hạ chứ không phải là sự nhẹ nhàng của ánh nắng mùa thu hay sự ấm áp của ánh nắng mùa xuân. Không chỉ như ánh nắng mùa hạ rực rỡ mà nguồn sáng tác giả được tiếp nhận còn tựa như được tạo ra từ “mặt trời” và đó là “mặt trời chân lí”. Khi kết hợp từ mang ý nghĩa biểu tượng là “chân lí” với một hình ảnh trong tự nhiên là “mặt trời” thì tác giả đã tạo ra một sự kết hợp đầy ấn tượng. 

Nguồn sáng từ lí tưởng của Đảng quả là một thứ ánh sáng kì diệu không khác gì ánh sáng tỏa ra từ mặt trời của đời sống thường nhật khi đã, đang và sẽ mang lại những điều tốt lành cho cuộc sống của con người. Ý nghĩa của những hình ảnh ẩn dụ nói trên còn được thể hiện rõ qua các động từ mạnh “bừng”, “chói”. Nếu từ “bừng” có nghĩa là chỉ việc phát ra đột ngột của ánh sáng thì từ “chói” lại mang ý nghĩa chỉ ánh sáng có sức xuyên mạnh và chính những động từ này đã có tác dụng nhấn mạnh ánh sáng lí tưởng mở ra chân trời mới của nhận thức và tình cảm.

Khi phân tích bài thơ Từ ấy, ta thấy ở hai câu thơ sau, nhà thơ đã bày tỏ niềm vui sướng vô cùng của nhà thơ, chính ánh sáng của Đảng đã khiến cho tâm hồn của nhà thơ trở thành một thế giới tràn đầy sức sống. Sự so sánh tâm hồn mình với “vườn hoa lá” đã cho thấy tâm hồn ấy nhà thơ không chỉ “đậm” hương sắc của các loài hoa mà còn có sự xanh tươi của hoa lá và “rộn” vang âm thanh của tiếng chim. Chính lí tưởng của Đảng làm bừng lên sức sống trong đời cách mạng của Tố Hữu và đồng thời làm bừng lên sức sống trong cả đời thơ của nhà thơ, giúp cho nhà thơ có nguồn cảm hứng sáng tạo dào dạt để phục vụ cho việc sáng tác.

Nhận thức về lẽ sống và sự tự nguyện của nhà thơ 

Sau khi tự sự về sự giác ngộ lí tưởng cách mạng của mình, Tố Hữu đã thể hiện những nhận thức vô cùng mới mẻ về lẽ sống của chính ông. Đó là sự gắn bó giữa tác giả và cuộc đời:

 “Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gắn bó nhau thêm mạnh khối đời”

Phân tích bài thơ Từ ấy sẽ thấy sự gắn bó giữa tác giả và cuộc đời được cụ thể hóa bằng ước mong gắn bó hài hòa giữa “cái tôi” cá nhân và “cái ta” chung của mọi người. Tố Hữu vốn xuất thân là một trí thức tiểu tư sản, ông lại lớn lên trong giai đoạn có nền văn hóa Pháp du nhập một các mạnh mẽ vào Việt Nam nên ít nhiều nhà thơ cũng mang tư tưởng, lối sống cá nhân. Thế nhưng, lối sống cá nhân của nhà thơ lại có sự hòa hợp với đời sống của cộng đồng và nhất là khi nhà thơ bắt gặp lí tưởng của Đảng thì nó lại trở thành sự gắn bó sâu sắc.

Nhà thơ đã khẳng định sự gắn bó giữa cái tôi “cá nhân”“cái ta” chung của nhân dân, đặc biệt là quần chúng lao động nghèo khổ. Để thể hiện ý thức tự nguyện gắn bó ấy, các động từ “buộc”, “trang trải” đã nói lên sự mong muốn gắn bó mật thiết với “trăm nơi” – đời sống cộng đồng rộng lớn và khát vọng vượt qua mọi giới hạn để sống chan hòa với “mọi người”, nhất là với “bao hồn khổ”

Chính khát vọng muốn được gắn bó và sự đồng cảm sâu xa giữa tấm lòng nhà thơ với những người cùng khổ đã tạo nên một sức mạnh – một sức mạnh bền bỉ của tình đoàn kết. Sự đoàn kết ấy được thể hiện rõ qua hình ảnh “khối đời” – một hình ảnh tượng trưng cho sự đồng lòng, đồng cảm, cho một sức mạnh không dễ gì phá hủy được.

Sự chuyển biến sâu sắc trong tâm hồn và sự khẳng định của nhà thơ

Không chỉ mang lại những chuyển biến về mặt nhận thức mà khi được tiếp nhận lí tưởng của Đảng, nhà thơ cũng có những chuyển biến rất tích cực về mặt tình cảm:

“Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm cù bất cù bơ”

Phân tích bài thơ Từ ấy, ta thấy trong khổ thơ cuối này, nhà thơ đã sử dụng cặp từ “tôi đã” để thể hiện sự hòa nhập, gắn bó của một thành viên với một đại gia đình khi xưng mình là “con”, “em”, “anh” và hướng đến nhân dân qua các từ “vạn nhà”, “vạn kiếp phôi pha”, “vạn đầu em nhỏ”. Cách xưng hô đó của tác giả đã thể hiện được ý thức về trách nhiệm của bản thân trong việc nỗ lực không ngừng để bảo vệ chính gia đình của mình.

Chính lí tưởng cộng sản đã giúp nhà thơ không chỉ có được lẽ sống để theo đuổi mà còn giúp ông có thể vượt qua những tình cảm ích kỉ, hẹp hòi của bản thân để có được tình hữu ái giai cấp, để xây dựng được tình thân, tình cảm ruột thịt với nhân dân đồng bào. Đặc biệt, nhà thơ lại có một niềm khao khát mãnh liệt khi muốn gắn bó cuộc đời mình với những “kiếp phôi pha” phải chịu đựng đau khổ, bất hạnh và vất vả trong cuộc đời và cả những em nhỏ sống vất vưởng, lang thang “không áo cơm”, “cù bất cù bơ”

Có lẽ chính những cảm nhận ấy, những mong muốn ấy đã giúp cho nhà thơ say mê với hoạt động cách mạng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp mà nhà thơ theo đuổi để có thể góp phần giúp đất nước thoát khỏi cảnh xâm lược, giúp cho những kiếp lầm tha trong xã hội được giải phóng khỏi sự áp bức, bất công.

Nhận xét nghệ thuật tác phẩm khi phân tích bài thơ Từ ấy

Phân tích bài thơ Từ ấy sẽ thấy tác phẩm đã thành công trong việc sử dụng thể thơ thất ngôn mang tính trang trọng, những biện pháp tu từ so sánh và ẩn dụ, phép lặp cấu trúc, điệp từ và cả những hình ảnh tươi sáng giàu tính nghệ thuật. Bên cạnh đó, Từ ấy còn là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp tự sự, lãng mạn và trữ tình. Với sự thành công đó, “Từ ấy” đã giúp Tố Hữu thể hiện được niềm vui sướng khi giác ngộ được lí tưởng cách mạng và đặc biệt là từ việc giác ngộ ấy, nhà thơ đã có những chuyển biến rất đỗi tích cực ở cả mặt nhận thức và tình cảm.

Kết bài: Có thể thấy bài thơ “Từ ấy” là bài thơ mang đầy cảm xúc của nhà thơ và thể hiện hồn thơ Tố Hữu với một tình yêu chứa chan dành cho mọi người và niềm biết ơn sâu sắc đối với Đảng và cách mạng. Với việc thể hiện những nội dung này, bài thơ có ý nghĩa mở đầu cho con đường cách mạng và con đường thi ca của Tố Hữu để rồi tác phẩm không chỉ là tuyên ngôn của người chiến sĩ về lẽ sống mà còn là tuyên ngôn của một nhà thơ về quan điểm nghệ thuật.

Dàn ý phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu 

Để giúp bạn nắm chắc nội dung của tác phẩm, ý nghĩa của bài thơ cũng như tư tưởng mà nhà thơ đã gửi gắm, dưới đây Tip.edu.vn sẽ giúp bạn lập dàn ý phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu. 

Mở bài phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu 

  • Giới thiệu những nét nổi bật về nhà thơ Tố Hữu.
  • Dẫn dắt vấn đề phân tích bài thơ Từ ấy, nội dung và ý nghĩa chính của tác phẩm.

Thân bài phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu 

  • Khổ 1: Niềm say mê và vui sướng của chàng thanh niên khi bắt gặp lý tưởng của Đảng.
  • Khổ 2: Biểu hiện của những nhận thức về lẽ sống, sự tự nguyện dấn thân vào Cách mạng.
  • Khổ 3: Sự khẳng định lý tưởng của nhân vật trữ tình, sự chuyển biến quan trọng trong tâm hồn nhà thơ. 

Kết bài phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu 

  • Khẳng định tiếng nói trong thơ Tố Hữu chính là tiếng nói của một nhà thơ vô sản chân chính, những tác phẩm của ông chủ yếu là thơ trữ tình – chính luận.
  • Tóm tắt giá trị tư tưởng cùng nghệ thuật của bài thơ Từ ấy.
  • Bày tỏ những cảm nhận của bản thân khi phân tích bài thơ Từ ấy. 

Khi phân tích bài thơ Từ ấy, ta dễ dàng nhận thấy tác phẩm không chỉ là tiếng ca reo vui của Tố Hữu, mà còn là của cả một thế hệ thanh niên lúc bấy giờ khi tìm thấy lý tưởng của Đảng. Họ là những con người anh dũng nguyện chiến đấu hết mình vì nhân dân, vì tổ quốc. Cũng bởi vậy mà thơ của Tố Hữu là tiếng nói của nhân dân, tiếng nói của đất nước, những lý tưởng cao đẹp được diễn tả bằng ngôn ngữ chính trị – lãng mạn nhưng lại vô cùng gần gũi và dung dị. 

Như vậy, Tip.edu.vn đã cùng bạn tìm hiểu và phân tích bài thơ Từ ấy. Mong rằng những kiến thức trong bài viết đã cung cấp cho bạn những ý văn hay trong quá trình cảm nhận và phân tích bài thơ Từ ấy. Chúc bạn luôn học tốt!. 

Xem thêm: 

  • Trình bày cảm nhận bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh
  • Đây thôn vĩ dạ cảm nhận và phân tích vẻ đẹp bài thơ
  • Cảm nhận về bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Xem thêm nhiều bài viết hay về Hỏi Đáp Văn Học

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post