Chia sẻ những tip thiết thực

Phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu và nêu suy nghĩ của em

Phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu để thấy tác phẩm là những ý thơ vô cùng cảm động, vừa ca ngợi lòng yêu nước thương dân bao la của Bác Hồ, đồng thời cũng biểu lộ sự tiếc thương và sự ghi nhớ công ơn to lớn của lãnh tụ. “Người là Cha, là Bác, là Anh – Quả tim lớn lọc trong dòng máu nhỏ” đã được thể hiện thành công trong những lời thơ “Bác ơi”. Hãy cùng Tip.edu.vn tìm hiểu và phân tích bài thơ Bác ơi qua bài viết dưới đây. 

Mở bài: Tố Hữu là nhà thơ cách mạng nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Thơ Tố Hữu thường thể hiện niềm tin mãnh liệt vào lí tưởng của Đảng và cũng rất nhiều bài viết về tình cảm chân thành, cảm động dành cho Bác Hồ kính yêu. Viết về Bác, Tố Hữu đã nói thay cho tấm lòng mến thương mà biết bao nhiêu người con Việt Nam dành cho người cha dân tộc. Bài thơ “Bác ơi!” cũng là một trong số những tác phẩm của Tố Hữu viết về Bác rất xúc động.

Tìm hiểu đôi nét về nhà thơ Tố Hữu và tác phẩm “Bác ơi”

Trong quá trình phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu, người đọc cần nắm được những nét cơ bản về tác giả và tác phẩm. 

Tiểu sử về tác giả Tố Hữu 

Tố Hữu sinh năm 1920 và mất năm 2002 – Ông là một nhà thơ có xuất thân từ miền đất cố đô Huế đầy mộng mơ. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Kim Thành và từ nhỏ đã được nuôi dưỡng tình yêu văn chương trong một gia đình nhà Nho nghèo nhưng giàu truyền thống học tập. Ông được người cha của mình dạy cho cách làm thơ theo lối cổ và được tắm mát trong suối nguồn ca dao dân ca Huế qua lời ru, tiếng hát của người mẹ dịu hiền. Bên cạnh đó, thời gian gắn bó với đất Huế, cảnh Huế và người Huế đã vun bồi cho nhà thơ những chất trữ tình tha thiết để rồi ngòi bút ông đã chắp cánh viết nên những dòng hết sức tha thiết, ngọt ngào.

Trong phần lớn những sáng tác của mình, Tố Hữu thể hiện sự quan tâm đặc biệt dành cho những chặng đường cách mạng của dân tộc. Chính vì thế nên con đường thơ của ông và con đường cách mạng của đất nước như gắn bó song song và có mối quan hệ mật thiết với nhau. 

Điều này sẽ được minh chứng cụ thể qua những tập thơ mà Tố Hữu đã cho ra đời như: “Từ ấy” (giai đoạn 1937-1946), “Việt Bắc” (giai đoạn 1947-1954), “Gió lộng” (giai đoạn 1955-1961), “Ra trận” (giai đoạn 1962-1972) và “Máu và hoa” (giai đoạn 1972-1977), “Một tiếng đờn” (năm 1992) và “Ta với ta” (năm 1999). 

Những tập thơ ấy từ điểm bắt đầu là nói lên niềm say mê, sự hồ hởi khi được đứng vào hàng ngũ chiến sĩ cộng sản, từ chỗ ca ngợi công cuộc kháng Pháp thì về sau đã tiếp tục viết về thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, những năm tháng đánh Mĩ và kết lại bằng những chiêm nghiệm về những chặng đường đã qua của cách mạng dân tộc.

Nét chính về bài thơ “Bác ơi”

Phân tích bài thơ Bác ơi sẽ thấy tác phẩm này ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt của dân tộc ta. Đó là vào những ngày cả đất nước đã khóc thương vô hạn trước việc Bác Hồ đã đi về cõi vĩnh hằng. Được viết trong không khí của những ngày tang lễ ấy, bài thơ chính là tiếng khóc đau thương, xót xa của tác giả và của cả mọi người trước sự tổn thất lớn lao. 

Bác Hồ vốn là người đồng hành với cuộc cách mạng của đất nước từ những buổi đầu đầy gian khó. Trải qua biết bao khó khăn, gian khổ từ ngày kháng Pháp và giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra gay go và khốc liệt thì Người qua đời. Những tưởng cùng nhân dân ta trải qua ngần ấy những đau thương, Bác Hồ cũng sẽ là người cùng nhân dân đón chào ngày toàn thắng. 

Thế nhưng, tất cả những mong mỏi ấy nay đã trở thành một giấc mơ khó trở thành hiện thực ngay trong ngày 2/9/1969, khiến cho ai ai cũng xót xa khôn nguôi.Với niềm cảm xúc tiếc thương dạt dào ấy, “Bác ơi!” ra đời để bộc lộ niềm đau xót và đồng thời đã trở thành một “điếu văn bi hùng” ghi lại những suy tư của nhà thơ về con người và cuộc đời của Hồ Chí Minh.

tìm hiểu và phân tích bài thơ bác ơi

Phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu để thấy giá trị tác phẩm 

Sự đớn đau vô hạn khi Người ra đi, những hình ảnh về lãnh tụ vĩ đại cũng như những cảm nghĩ về sự ra đi của Người chính là những điểm chính ta cần tìm hiểu khi phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu. 

Nỗi đau khôn xiết trước sự ra đi của Bác Hồ

Những khổ thơ đầu đã thể hiện bức tranh sầu não, đau thương của cả ngoại cảnh và tâm cảnh trước sự ra đi của Bác. Đất trời, cỏ cây, vạn vật và cả con người đều cất lên tiếng khóc đến xót lòng cho sự mất mát quá lớn ấy:

“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…

Sự ra đi của Người đã khiến cho người đời đau xót vô hạn và sự đau xót bật lên thành tiếng khóc không ngừng. Tiếng khóc ấy dường như chạm đến cả tạo vật, cả thiên nhiên như hòa vào tâm trạng chung của con người để rồi tuôn thành mưa như cũng cùng khóc, cùng đau cho nỗi đau chất chứa trong lòng người.

Nỗi đau ấy lại càng được cụ thể hóa hơn nữa bằng hình ảnh của nhân vật trữ tình trong trạng thái háo hức, vội vàng về “chạy về thăm Bác”. Nhân vật ấy đã tìm gặp lại những điều xưa cũ nhưng tất cả đều nhuốm một màu tâm trạng bi thương:

“Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa”

“Con lại lần theo lối sỏi quen

Đến bên thang gác, đứng nhìn lên

Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?

Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!”

Cảnh vật ấy vẫn vẹn nguyên như nhân vật từng thấy hôm nào nhưng chúng trở nên vô hồn, côi cút bởi vì bóng dáng Người đã xa khuất thật sự. Nhìn cảnh vật ấy nhưng vắng đi sự hiện hữu của Bác, không nén được cảm giác về sự tan tóc, đau thương, nhân vật ấy đã thốt lên thành lời:

“Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!”

Sự ra đi của Bác đã khiến cho lòng người trĩu nặng, trở nên đối lập hoàn toàn với khung cảnh vào thu:

“Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời”

Cái “nắng xanh trời” rạng rỡ ấy như là điềm lành báo cho một tương lai mới của đất nước vì bởi “miền Nam đang thắng, mơ ngày hội”. Nhưng ước muốn “rước Bác vào thăm thấy Bác cười” giờ đây thực sự chỉ là một ước muốn xa vời. Phân tích bài thơ Bác ơi sẽ thấy miền Nam luôn có một vị trí quan trọng trong trái tim của Người và những ngày cuối đời, Bác luôn khắc khoải vì tâm nguyện giải phóng miền đất yêu thương ấy vẫn còn dở dang. 

Khi bối cảnh đất nước có sự đổi sắc vì “miền Nam đang thắng” thì niềm mong muốn được đón Bác vào thăm để vui niềm vui đoàn tụ của những người con miền Nam hóa thành khói mây. Tất cả những gì còn lại trong lòng những người con ở lại và trong chính khu vườn quen thuộc của Bác chỉ là những khoảng trống không có gì có thể bù đắp nổi khi Người đi xa. 

“Trái bưởi”, “hoa nhài” hay “mặt hồ” ngày trước quen với sự hiện diện của Bác giờ đây cũng không còn thiết tha gì với cái “ngọt”, cái “thơm”, sự yên bình “in mây trắng bay” khi Bác không còn nữa. Tất cả hóa lặng im và chính những từ “ai”, “đâu” góp phần khẳng định lại một lần nữa cái khoảng trống lặng im mà người để lại ấy.

Hình tượng một vị lãnh tụ bình dị mà vĩ đại

Bác Hồ là hiện thân của một vị lãnh tụ hết sức vì đại ở chỗ đã dành hết đời mình để theo đuổi và hoàn thiện lí tưởng cao đẹp. Lí tưởng đó thể hiện trong lẽ sống đặt lợi ích, sự tự do của mọi kiếp người lên trên hạnh phúc của riêng mình. Người sẵn sàng:

“Ôm cả non sông mọi kiếp người”

Nguyện mang lại:

“Tự do cho mỗi đời nô lệ”

Và sẽ mãi luôn:

“Nâng niu tất cả chỉ quên mình”

Sống hết mình vì lí tưởng cao đẹp và Người cũng dành một đời để yêu thương, bao dung tất cả. Người “đau” cho “dân nước, năm châu”; cả đời của Người đã “lo” toan “muôn mối”“hôm nay”“mai sau”. Thế nhưng lại “sống” bình dị “như trời đất” để mở lòng “yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa”

Trong thâm tâm lúc nào cũng hiện hữu “nỗi nhớ miền Nam”, âm thầm dõi theo, lắng “nghe” từng tiếng súng và rồi bộc lộ những niềm vui vì “mỗi mầm non”, “trái chín”, “tiếng ca chung”. Những niềm vui và tình thương trong sự “nâng niu” tất cả như thể hiện hết trong hàng loạt những động từ biểu thị tâm trạng nói trên. Thế nên, ta có thể dễ hiểu vì sao cả đời Người ít được “thảnh thơi” khi mang nặng “nỗi thương đời” như vậy.

Sự vĩ đại của Bác Hồ còn toát lên qua chính lối sống thanh bạch, giản dị của Người”

“Bác để tình thương cho chúng con

Một đời thanh bạch chẳng vàng son

Mong manh áo vải, hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.”

Khi phân tích bài thơ Bác ơi, ta sẽ thấy tấm áo giản dị không một tấm huân chương vàng son ghi nhận nhưng lại chính là sự hiện hữu của “một đời thanh bạch” nhưng dạt dào tình thương mà Bác để lại cho muôn người. Chẳng cần khoa trương, cầu kì bằng những tượng đồng nhưng chính lối sống đơn thuần, bình dị ấy lại khắc sâu trong lòng người ở lại hình ảnh về người lãnh tụ có một nhân cách lớn với sự kết tinh của toàn bộ những phẩm chất tốt đẹp của con người.

Lí tưởng cao đẹp, tình yêu thương “nâng niu tất cả” và lối sống “một đời thanh bạch” đã tạo nên sự trường tồn vĩnh hằng của con người ấy trong trái tim của mỗi con người Việt Nam. Phân tích bài thơ Bác ơi nói riêng, hay tìm hiểu về cuộc đời của Bác nói chung thì những gì Người để lại cho dân tộc cũng sẽ là những điều vô giá có thể vượt lên trên những giá trị vật chất bình thường để hóa thành di sản tinh thần của đất nước.

dàn ý phân tích bài thơ bác ơi của tố hữu

Cảm nghĩ trong lòng người ở lại lúc Bác ra đi

Phân tích bài thơ Bác ơi trong những khổ thơ cuối để thấy sự ra đi của Bác không chỉ là những lời bộc lộ suy tư cá nhân của nhân vật trữ tình mà đã hóa thành cảm xúc chung của cả dân tộc Việt Nam. Đó là nỗi nhớ không chỉ trong khoảnh khắc “những xế chiều” gợi tâm trạng mà sẽ thường trực đến cả “nghìn thu” cũng như cuộc đời và sự nghiệp lớn lao mà Người để lại cho dân, cho nước vẫn mãi luôn tồn tại.

Viết về niềm thương tiếc, đau xót vì dân tộc mất đi Bác nhưng nhà thơ nhận rõ sự ra đi ấy của Người là cuộc hành trình “lên đường, theo tổ tiên”, còn sức sống của Người sẽ luôn luôn bất diệt. Bác đi về với “Mác – Lê-nin, thế giới Người Hiền” nhưng đã tạo động lực to lớn để vẫn luôn đồng hành và “dắt chúng con cùng nhau tiến lên!” để tiếp bước lí tưởng mà Bác dùng cả đời để phấn đấu theo đuổi.

Phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu qua những dòng thơ cuối, ta sẽ thấy tác giả dường như nói hộ những người ở lại tấm lòng dành cho Bác Hồ:

“Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn

Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.”

Những câu thơ là sự thể hiện của lòng biết ơn sâu sắc đối với những công lao to lớn mà Người mang đến cho dân tộc. Phân tích bài thơ Bác ơi với hình ảnh đôi dép sờn cũ, nhưng lại gợi hình ảnh bôn ba xuôi ngược trên khắp mọi nẻo đường có chút ánh sáng cho tương lai cho đất nước, đôi dép có mòn cũ nhưng ý chí chưa bao giờ mỏi mệt, tinh thần chưa lúc nào rệu rã. Hiểu được điều đó để ta lại thêm yêu Bác. 

Từ tình yêu với Bác, lòng tự hào về Bác, bản thân ta cũng thấy tâm mình được thanh lọc, lòng mình “trong sáng hơn” vì đã đặt lòng tin yêu và niềm tự hào đúng chỗ. Những giá trị tốt đẹp đó quả thật liệu có mấy khi và bao người có thể làm tạo dựng được trong lòng cả một cộng đồng, dân tộc. Thế nên, phân tích bài thơ Bác ơi sẽ thấy rằng giá trị Bác để lại có sức mạnh lớn lao như một tấm gương mà mọi người có thể soi chiếu và học tập về nhân cách.

Không chỉ dành niềm tự hào mà trong lời thơ của khổ thơ trên còn có cả lời nguyện ước của cả dân tộc với Bác. Đó cũng là lời hứa: “Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”“Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”. Cụ thể hơn đó là lời hứa sẽ tiếp bước sự nghiệp của ông cha và Bác Hồ, là tinh thần vững vàng, chắc chắn như dải Trường Sơn để có thể vượt qua, vươn lên mọi nghịch cảnh và hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc. 

Nhờ ý nghĩa đó mà từ chỗ đau thương, xót xa, giọng thơ đã trở nên cứng cỏi hơn, khỏe khoắn hơn như chính sự mạnh mẽ, quyết liệt của lời hứa. Phân tích bài thơ Bác ơi sẽ thấy rằng với sức mạnh và lòng quyết tâm của hàng triệu con người Việt Nam cộng hưởng thì niềm mong mỏi và nguyện ước của Bác về ngày Bắc Nam sum họp một nhà sẽ sớm thành hiện thực, thế nên, Bác hãy yên lòng, Bác nhé!

Nhận xét tác phẩm khi phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu

Về nội dung, bài thơ “Bác ơi!” đã thể hiện những nỗi niềm thương tiếc, xót đau trước sự ra đi của Bác. Đồng thời, tác phẩm cũng đã thể hiện sự thành kính, tin yêu mà tác giả cũng như cả dân tộc Việt Nam dành cho vị lãnh tụ vĩ đại ấy.

Về nghệ thuật, khi phân tích bài thơ “Bác ơi” sẽ thấy rằng tác phẩm có giọng thơ kết hợp nhiều cung bậc bởi có lúc đau đớn, nuối tiếc nhưng có khi lại mạnh mẽ, cứng rắn. Bên cạnh đó thể thơ bảy chữ được sử dụng rất uyển chuyển đã thể hiện hiệu quả được lòng biết ơn và tình yêu vô bờ mà nhân dân dành cho Người.

Kết bài: Tóm lại, với những giá trị sâu sắc về nội dung và đặc sắc về nghệ thuật, “Bác ơi!” chính là một trong những sáng tác hay nhất, cảm động nhất của Tố Hữu khi viết về Bác Hồ. Dù Bác đã ra đi nhưng những hình ảnh của Bác vẫn mãi hiện lên trong trái tim mỗi người Việt Nam.

Tìm hiểu về dàn ý phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu 

Để giúp các bạn hiểu rõ yêu cầu của đề bài cũng như nắm được giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, dưới đây Tip.edu.vn sẽ giúp bạn khái quát dàn ý phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu.

Mở bài phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu 

  • Giới thiệu những nét chính về Tố Hữu cũng như tác phẩm Bác ơi.
  • Nêu vắn tắt về giá trị và ý nghĩa của bài thơ Bác ơi.

Thân bài phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu 

  • Nỗi đau đớn và xót xa khi Bác ra đi ở bốn khổ thơ đầu.
  • Hình ảnh Bác Hồ vĩ đại mà cũng rất giản dị trong sáu khổ thơ tiếp.
  • Sự xúc động và những suy nghĩ của người ở lại khi Bác ra đi trong ba khổ cuối.
  • Nhận xét về tác phẩm khi phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu.

Kết bài phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu 

  • Tổng kết nội dung và nghệ thuật của bài thơ Bác ơi.
  • Nêu những đánh giá chung khi phân tích bài thơ Bác ơi. 

Như vậy, phân tích bài thơ Bác ơi đã giúp mỗi chúng ta cảm nhận sâu sắc về hình ảnh của Người cha già dân tộc. Bác là vị lãnh tụ vĩ đại với tình yêu bao la dành cho dân tộc, cho mọi người, cho cỏ cây thiên nhiên… Hy vọng bài viết trên đây của Tip.edu.vn đã giúp bạn có được những ý văn hay trong quá trình tìm tòi và nghiên cứu về chủ đề phân tích bài thơ Bác ơi của Tố Hữu. Chúc bạn luôn học tốt!. 

Xem thêm:

  • Trình bày phong cách thơ Tố Hữu qua bài Việt Bắc và Từ ấy
  • Phân tích bài thơ Việt Bắc của tác giả Tố Hữu
  • Tính dân tộc trong bài Việt Bắc của Tố Hữu – Ngữ Văn 12
  • Phân tích bức tranh tứ bình trong Việt Bắc của Tố Hữu
  • Cảm nhận bài thơ Từ ấy của Tố Hữu – Ngữ Văn lớp 11

Tu khoa lien quan:

  • cảm nhận bài bác ơi
  • đọc hiểu bài thơ bác ơi
  • cảm nhận khổ 3 bài bác ơi
  • bình giảng bài thơ bác ơi
  • phân tích khổ 11 bài thơ bác ơi
  • cảm nhận về tác phẩm bác ơi
  • biện pháp tu từ trong bài bác ơi
  • phân tích bài thơ bác ơi của tố hữu

Xem thêm nhiều bài viết hay về Hỏi Đáp Văn Học

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post