Chia sẻ những tip thiết thực

Những vấn đề kinh tế cơ bản của khu vực công

VnDoc xin giới thiệu bài Những vấn đề kinh tế cơ bản của khu vực công được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Kinh tế công cộng để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Bài: Những vấn đề kinh tế cơ bản của khu vực công

Kinh tế học nghiên cứu về sự khan hiếm, về việc xã hội sẽ lựa chọn như thế nào đối với việc sử dụng nguồn lực hạn chế của mình. Giống như mọi lĩnh vực khác của kinh tế học, kinh tế học về khu vực công cộng cũng liên quan đến những câu hỏi cơ bản về sự lựa chọn này, nhưng trọng tâm của chúng được đặt vào những lựa chọn đưa ra trong chính khu vực công cộng về vai trò của Chính phủ, về cách thức Chính phủ gây tác động đến những quyết định trong khu vực công cộng. Bốn câu hỏi cơ bản của Khu vực công cộng là: (i) Sản xuất cái gì? (ii) Sản xuất cái đó như thế nào? (iii) Sản xuất cái đó cho ai? (iv) Quyết định những vấn đề đó như thế nào?

Sản xuất cái gì? Nên dành ra bao nhiêu nguồn lực để sản xuất hàng hóa công (HHC), như quốc phòng, đường cao tốc, và nên dành ra bao nhiêu nguồn lực để làm ra hàng hóa tư nhân (HHT), như xe hơi, máy thu hình, trò chơi video? là những câu hỏi thường được đặt ra cho khu vực công. Chúng ta thường thể hiện sự lựa chọn này bằng biểu đồ năng lực sản xuất. Biểu đồ đó thể hiện những lượng khác nhau của hai loại hàng hóa có thể sản xuất ra một cách hiệu quả, với công nghệ và nguồn lực không đổi. Trong ví dụ của chúng ta, hai hàng hóa đó là HHC và HHT. Hình 1.1 đưa ra những kết hợp khác nhau có thể xảy ra của HHC và HHT mà xã hội có thể sản xuất ra.

lý thuyết kinh tế công cộng

Hình 1.1 Đường khả năng sản xuất

Xã hội có thể dành nhiều nguồn lực hơn cho HHC, như quốc phòng, nhưng chỉ có thể bằng cách giảm phần để dành cho tiêu dùng tư nhân. Do đó, từ điểm G đến điểm E, dọc theo đường năng lực sản xuất, HHC tăng lên nhưng HHT lại giảm đi. Điểm I nằm dưới đường năng lực sản xuất, được gọi là phi hiệu quả: xã hội có thể có nhiều HHC và HHT hơn. Điểm N nằm bên trên đường năng lực sản xuất, được gọi là phi khả thi: với công nghệ và nguồn lực hiện có, không thể có được từng ấy khối lượng HHC và từng ấy khối lượng HHT.

Sản xuất cái đó như thế nào? Câu hỏi thứ hai, sản xuất cái gì và nên sản xuất như thế nào, cũng quan trọng như câu hỏi thứ nhất. Khi nào Chính phủ nên phân trách nhiệm sản xuất ra những hàng hóa do công cộng cung cấp và khi nào Chính phủ nên mua hàng hóa này từ các hãng tư nhân? Ở nhiều nước, các doanh nghiệp của Chính phủ sản xuất ra hàng hóa (như dịch vụ điện, nước, điện thoại, vũ khí…) cung cấp cho xã hội; trong khi ở nhiều nước khác thì Chính phủ mua các dịch vụ và hàng hóa này từ các tập đoàn và doanh nghiệp tư nhân. Một số người cho rằng chừng nào những hàng hóa này không do các doanh nghiệp Nhà nước sản xuất ra, thì người người tiêu dùng sẽ bị bóc lột; còn những người khác cho rằng doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả hơn doanh nghiệp tư nhân, do đó mua lại từ khu vực tư nhân sẽ hiệu quả hơn.

Cho ai? Vấn đề phân phối. Những quyết định của Chính phủ về đánh thuế hay chương trình phúc lợi có tác động ra sao đến khoản tiền thu nhập mà cá nhân có được để chi tiêu. Tương tự như vậy, Chính phủ cần quyết định phải sản xuất ra HHC nào; một số nhóm khác lại được lợi ở những hàng hóa khác. Thế nào là công bằng, thu của ai, bao nhiêu và chi cho ai, khi nào là những ví dụ trong vô vàn vấn đề đặt ra cho mảng phân phối của khu vực công.

Thực hiện những lựa chọn tập thể như thế nào? Có một lĩnh vực mà kinh tế học công cộng quan tâm hơn so với các lĩnh vực khác, đó là cách thực hiện những lựa chọn tập thể. Những lựa chọn tập thể này là cái mà cả xã hội phải cùng nhau thực hiện, ví dụ như đối với cơ cấu pháp luật, quy mô chi tiêu vào HHC, v.v… Việc một người quyết định tiêu dùng ra sao phụ thuộc sở thích và khả năng tài chính cá nhân. Việc ra quyết định một cách tập thể phức tạp hơn nhiều, vì những cá nhân có những ước muốn khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn phải đi tới một quyết định chung.

Quan điểm mới về vấn đề kinh tế của khu vực công

Hiệu quả của các quyết định công cộng là vấn đề rất phức tạp vì một mặt, quyết định ấy phải đem lại phúc lợi xã hội lớn hơn; mặt khác, quy trình để đi tới quyết định ấy phải đơn giản và tiết kiệm. Một trong những mục tiêu của kinh tế công cộng là nghiên cứu việc thực hiện những lựa chọn tập thể này (hay đôi khi người ta gọi là lựa chọn xã hội) trong các xã hội dân chủ như thế nào để có thể cân bằng những xung đột lợi ích và bảo đảm phát triển ổn định. Phúc lợi xã hội được xem xét trên nền tảng chi phí giao dịch (transaction cost). Các học giả như Neil Komesar và Richard Posner cho rằng chi phí giao dịch là các chi phí của Chính phủ trong quá trình ra quyết định. Các học giả khác trong đó có Ronald Coase lại chú ý tới các chi phí trong quá trình đàm phán hợp đồng và cho rằng đây là chi phí giao dịch.

Theo quan điểm của David M. Driesen thì khái niệm chi phí giao dịch là những chi phí cho việc ra quyết định và ràng buộc thi hành của cả Chính phủ và khu vực tư nhân. Đây là cách tiếp cận tốt nhất để xem xét toàn diện khía cạnh tối thiểu hóa chi phí giao dịch. Nếu việc tối thiểu hóa chi phí giao dịch chỉ cân nhắc tới việc giảm thiểu chi phí giao dịch trong các quyết định của khu vực tư nhân thì rõ ràng rằng quan điểm này quá thiên vị khi không nói tới hiệu quả từ các quyết định từ phía Chính phủ. Việc đánh giá tổng thể không thể bỏ qua những trường hợp chi phí giao dịch trong khu vực tư giảm đi, đồng thời chi phí giao dịch trong khu vực công cộng tăng lên và ngược lại.

Hơn nữa, để có thể tối thiểu hóa chi phí giao dịch xã hội, cả khu vực công cộng và khu vực tư cần được phát huy mặt ưu việt, đồng thời kiểm soát và hạn chế mặt khiếm khuyết của mình. Vấn đề cốt lõi ở đây là chỉ có khu vực công cộng (Chính phủ) là nhân tố chủ động (ít nhất là trong ngắn và trung hạn). Như vậy, vấn đề kinh tế cơ bản của khu vực công cộng (làm gì và không làm gì) chính là nhằm đạt tới phúc lợi xã hội tối ưu, hay nói cách khác là nhằm tối thiểu chi phí giao dịch xã hội.

—————————————

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Những vấn đề kinh tế cơ bản của khu vực công về lựa chọn tập thể này là cái mà cả xã hội phải cùng nhau thực hiện, ví dụ như đối với cơ cấu pháp luật, quy mô chi tiêu vào HHC….

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Những vấn đề kinh tế cơ bản của khu vực công. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng – Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post