Chia sẻ những tip thiết thực

Nghị luận tác phẩm Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn

Ngữ Văn 7 nâng cao CÁC ĐỀ VĂN BIỂU CẢM

Đề số 21

Giải thích vì sao tác giả Phạm Duy Tốn lại lấy nhan đề tác phẩm của mình là Sống chết mặc bay ?

Bài viết

“Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” là một thành ngữ dân gian phê phán bọn người sống vô trách nhiệm trước quyền lợi, cuộc sống, tính mạng của nhân dân. Theo đạo đức phong kiến xưa : quan là cha mẹ của dân, quan phải lo cho cuộc sống của muôn dân. Trong tác phẩm của mình, Phạm Duy Tốn đã đưa ra một tình huống căng thẳng : khúc đê ở làng X có nguy cơ sắp vỡ. Những người dân tay không dưới trời mưa tầm tã, vật lộn với nước, với bùn suốt từ chiều đến lúc bấy giờ. Nguy cơ đê vỡ đã trông thấy. Vậy mà, quan phụ mẫu lại bỏ mặc dân với khúc đê xung yếu sắp vỡ, với trời mưa, với nước sông Nhị Hà đang lên. Quan cứ ngồi trên đĩnh cao ráo, đèn đuốc sáng rực, kẻ hầu người hạ : đứa bóp chân, đứa quạt, đứa châm điếu, lại còn bốn thầy ngồi hầu bài quan nữa… xung quanh nơi ngài ngồi toàn những thứ sang trọng : nào trầu vàng cau đậu, ống vôi chạm, ngoáy tai, tăm bông… lại còn bát yến hấp đường phèn nóng nghi ngút… Quan không hề quan tâm đến đê vỡ hay không, lụt lội sông nước thế nào. Có người vào cấp báo tình hình đê vỡ, quan lại khó chịu quát gắt, doạ bỏ tù : Quan ù ván bài to trong khi đê vỡ, nước ngập mênh mông, dân tình khổ sở. Thái độ của tên quan phụ mẫu này thật vô trách nhiệm đến vô nhân đạo. Đúng là thái độ “sống chết mặc bay”. Có lẽ vì thế mà Phạm Duy Tốn đã đặt nhan đề cho tác phẩm của mình là Sống chết mặc bay để nhấn mạnh tư tưởng chủ đề của truyện.

Đề số 22

Tìm một câu tục ngữ trái ngược với câu Sống chết mặc bay và giải thích, chứng minh cho câu tục ngữ mà em đã chọn.

Bài viết

Lòng yêu thương, nhân ái vốn là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Cuộc sống có lúc thăng trầm, vui buồn, sướng khổ, song truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta không bao giờ phai mờ. Văn học dân gian của ta có rất nhiều câu tục ngữ khuyên con người phải có một cách sống trái ngược với lối sống “sống chết mặc bay” của tên quan phụ mẫu trong tác phẩm của Phạm Duy Tốn. Một trong những câu đó là “Thương người như thể thương thân”. Các bạn hiểu câu tục ngữ trên như thế nào và bằng hiểu biết, ta hãy làm rõ câu tục ngữ qua những dẫn chứng lấy từ đời sống và tác phẩm văn học.

Trước hết, câu tục ngữ là một lời khuyên chân thành nhắc nhở mọi người phải biết giúp đỡ, yêu thương người khác như chính bản thân mình. Câu tục ngữ chia làm hai vế so sánh rất rõ : một vế là “thương người” từ dùng so sánh “như thể” cân đối với vế bên kia là “thương thân”. Cách nói ngắn gọn, lại vận dụng để so sánh đã làm sáng ngời lên một lối sống “vì mọi người”. Nếu thương người xung quanh, mà lại như thương thân mình thì mức độ thương yêu là tuyệt đối và chân thật, hết lòng và tận tuỵ rồi. Một lối sống như vậy chỉ trở thành lối sống chủ yếu ở một xã hội tốt đẹp, văn minh thôi. Sự đùm bọc, thương yêu ; tình tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong khó khăn đã làm nên đạo lí làm người cao đẹp. Ta yêu thương và giúp đỡ người, không phải là thương hại. Hơn nữa, không chỉ giúp người nghèo đói, mà còn phải động viên, an ủi, chia sẻ, cảm thông với những nỗi cô đơn, bất hạnh của những mảnh đời không may mắn, giúp họ tin yêu vào cuộc đời.

Xã hội ta đã có nhiều việc làm đẹp thể hiện nội dung của câu tục ngữ trên : Đó là việc lập ra những trại trẻ mồ côi dành cho những trẻ em bất hạnh, không cha mẹ, không gia đình, không nơi nương tựa. Đó là việc lập ra các tổ bán báo xa mẹ,

khiến các em cảm thấy mình gắn bó, có ích với xã hội, cảm nhận thấy một tình thương yêu của đại gia đình cộng đồng. Đó là những gia đình bất hạnh trong các tổ, cụm dân phố đã được chính quyền và đoàn thể giúp đỡ, cưu mang. Chiến tranh đã để lại bao đau thương, mất mát, thiệt thòi cho nhiều gia đình ; có nhiều gia đình đã dâng hiến cả những người con duy nhất cho Tổ quốc. Giờ đây họ sống ra sao, nên giúp họ như thế nào ? Điều này, các đoàn thể, chính quyền đã nghĩ và có việc làm giúp đỡ cụ thể… Trong lớp, trong trường, có học sinh nào gia đình nghèo khó, bất hạnh, tập thể tổ lớp, đoàn đội và các thầy cô giáo tìm mọi cách giúp đỡ để các em học sinh đó bớt khổ đau, yên tâm học tập. “Thương người như thể thương thân” đang trở thành một lối sống đẹp trong xã hội ta.

Không chỉ ở ngoài đời, ngay trong văn học, ta có thể tìm thấy những biểu hiện đẹp của lòng nhân ái, yêu thương “Thương người như thể thương thân”. Trong tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài, ta cảm động trước tấm lòng của Dế Mèn với người bạn là Dế Trũi bị bọn Châu Chấu Voi bắt làm tù binh, bặt vô âm tín. Mèn đã từ giã chức thủ lĩnh Tổng Châu Chấu, từ giã cuộc sống đầy đủ và cả lòng quyến luyến bạn bè ở Tổng Châu Chấu, khăn gói lên đường tìm Dế Trũi. Trên đường đi đầy gió rét và bụi đường, Mèn thường thầm gọi bạn “Trũi ơi, giờ này em ở đâu ?”. Một tình cảm yêu thương trong sáng, hết lòng. Quả đúng là : “Thương người như thể thương thân” vậy.

Trong sách Ngữ văn 7, tập một, chúng ta cũng được học tác phẩm của một nhà thơ nổi tiếng thời Đường (Trung Quốc) : Đỗ Phủ. Thơ của ông không những rất hay (ông được mệnh danh là Thánh thơ), mà còn làm xúc động lòng người bởi lòng nhân ái, “Thương người như thể thương thân”.

Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,

Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan,

Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn !

(Bài ca nhà tranh bị gió thu phá)

Tấm lòng của Đỗ Phủ còn vượt lên hơn nữa : đó là cách nghĩ, cách sống : thương người hơn cả thương thân :

Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,

Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được !

(Bài ca nhà tranh bị gió thu phá)

Như vậy, chúng ta đã bàn đến một lối sống đẹp, nhân ái ; ngược với lối sống của tên quan hộ đê vô trách nhiệm, ích kỉ, vô nhân đạo trong Sống chết mặc bay kia. Dân gian còn nhiều câu hay tương tự với “Thương người như thể thương thân” như “Lá lành đùm lá rách”, “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, “Chị ngã, em nâng” hoặc : “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”… Đó là những tấm lòng nhân ái, đó là lối sống đẹp đã trở thành truyền thống của người Việt Nam mà chúng ta – những người học sinh của thế kỉ XXI phải thấm nhuần, học tập, và hành động – sao cho xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post