Chia sẻ những tip thiết thực

Đất nước Nguyễn Khoa Điềm | Tác Giả, Tác Phẩm và Đề Thi 2023

Bài thơ Đất Nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm được sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm đã xuất hiện trong đề thi văn thpt quốc gia 2017 và đề thi văn thpt quốc gia 2020.  Xuất hiện trong đề thi thpt quốc gia cách đây 3 năm nên bài thơ Đất Nước có khả năng sẽ là bài thơ xuất hiện trong phần tự luận của đề thi năm 2023. Do vậy các em cần ôn tập kĩ để chuẩn bị tâm thế bước vào kì thi quan trọng này. Mời các em học sinh tham khảo phân tích bài thơ Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm qua tổng hợp của Tip.edu.vn nhé.

Đất nước Nguyễn Khoa Điềm | Tác Giả, Tác Phẩm và Đề Thi 2023
Đất nước Nguyễn Khoa Điềm | Tác Giả, Tác Phẩm và Đề Thi 2023

Sơ đồ tư duy đất nước nguyễn khoa điềm

Cùng tham khảo Sơ đồ tư duy  bài thơ Đất Nước để hình dung 1 bài văn bạn sẽ cần viết những luận điểm gì trong bài nhé:

Sơ đồ tư duy đất nước nguyễn khoa điềm
Sơ đồ tư duy đất nước nguyễn khoa điềm
Sơ đồ tư duy đất nước nguyễn khoa điềm
Sơ đồ tư duy đất nước nguyễn khoa điềm

Khái quát về tác phẩm Đất Nước Của Nguyễn Khoa Điềm

KIẾN THỨC CƠ BẢN: 

Nghe Đọc Thơ Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm trên kênh youtube của Tip.edu.vn:


 

KHÁI QUÁT VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM:

Tác giả Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Khác với những nhà thơ cùng thời như Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Nguyễn Duy, Xuân Quỳnh…., Nguyễn Khoa Điềm thể hiện một phong cách thơ trữ tình – chính luận. Thơ ông giàu chất suy tư, xúc cảm lắng đọng, thể hiện tâm tư, ý thức của một công dân yêu nước đối với vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc, thể hiện những nhận thức sâu sắc về nhân dân, đất nước qua những trải nghiệm của chính mình.

  Tác phẩm Đất Nước 

a) Hoàn cảnh sáng tác và xuất xứ đoạn trích:
Trường ca “Mặt đường khát vọng” được sáng tác trong thời kì tác giả sống và làm việc tại chiến khu Trị – Thiên từ 1971 và được xuất bản năm 1974 với nội dung nói về sự thức tỉnh của tầng lớp thanh niên đô thị vùng tạm chiếm trước bước ngoặt lịch sử của dân tộc, trong cuộc đối đầu giữa chính nghĩa và phi nghĩa để giành độc lập hòa bình cho Tổ quốc, cho dân tộc, về sứ mệnh của lớp người trẻ tuổi đối với đất nước. Đoạn trích “Đất Nước” thuộc phần đầu chương V của trường ca này, với cảm hứng chủ đạo là đất nước của nhân dân, là đoạn tiêu biểu của “Mặt đường khát vọng”.
b) Đề tài:
Đoạn trích “Đất Nước” mang lại cái nhìn mới mẻ về đất nước, một đề tài quen thuộc trong văn học Việt Nam, mà qua đó đất nước hiện ra với vẻ đẹp nhiều chiều từ lịch sử, văn hóa, địa lí,…để từ đó, tác giả khái quát đất nước là kết tinh của quá trình đấu tranh lâu dài của dân tộc, là sự hội tụ của khát vọng của nhân dân và chính nhân dân là người làm nên đất nước, “Đất nước là của nhân dân”.
c) Bố cục: Đoạn trích có thể chia làm hai phần:
– Phần 1: Tác giả đã tự đặt ra và trả lời hai câu hỏi: Đất Nước có từ bao giờ? (từ đầu đến “Đất Nước có từ ngày đó”) và Đất Nước là gì? (tiếp theo đến “Làm nên Đất Nước muôn đời…). Tóm lại, phần 1: Cách cảm nhận và lí giải của nhà thơ về đất nước.
– Phần 2: Từ những tiền đề ở phần 1, nhà thơ tiếp tục suy nghĩ: Vậy, ai đã làm nên Đất Nước? (hay Đất Nước này do ai làm nên?). Tóm lại, phần 2: Nhà thơ tập trung thể hiện tư tưởng đất nước là của nhân dân.

d).NHẬN XÉT CHUNG:

1.Về nội dung:

–  Đoạn trích thể hiện cảm nghĩ mới mẻ của tác giả về đất nước qua những vẻ đẹp được phát hiện ở chiều sâu trên nhiều bình diện : lịch sử, địa lí, văn hóa,…

–  Đóng góp riêng của đoạn trích là ở sự nhấn mạnh tư tưởng “ Đất Nước là của nhân dân”

2.Về nghệ thuật Đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích ĐẤT NƯỚC:  

–          Thể thơ tự do như văn xuôi.

–          Tách rời hai thành tố Đất và Nước.

–          Vận dụng sáng tạo nhiều chât liệu lấy từ ca dao, dân ca, truyện cổ, huyền thoại…

–          Dùng đại từ TA, EM, ANH linh hoạt, chuyển hóa vào nhau.

=> Chất trữ tình thiết tha, chất chính luân sâu sắc. 

3.  Nét đặc sắc trong cảm nhận của nhà thơ về ĐẤT NƯỚC 

– Cái nhìn tổng hợp, toàn vẹn, mang đậm tư tưởng nhân dân.

– Vận dụng văn học dân gian, văn hóa dân gianà Tạo ra không khí, giọng điệu, không gian nghệ thuật riêng của ca dao, thần thoại, truyền thuyết, văn hóa dân gianà nét đặc sắc thẩm mỹ của đoạn trích.

–  Vẫn mới mẻ qua cách cảm nhận và tư duy hiện đại với hình thức thể thơ tự do.

e). Ý NGHĨA

–        Bài thơ thể hiện một cách cảm nhận mới về đất nước của tác giả, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam.

–        Nhà thơ ca ngợi truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước đánh giặc của dân tộc và khẳng định, bộc lộ tư tưởng Đất Nước của nhân dân

Luyện Đề Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm

Dưới đây là 1 số đề thi Tip.edu.vn đã chọn lọc ra có câu 5 điểm liên quan đến bài thơ Đất Nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm, mọi người cùng tham khảo nhé:

Đề số 1: Cảm nhận, phân tích 9 khổ thơ đầu của bài thơ Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm

Đề bài

Câu 2 (5 ,0 điểm) 

                      Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi

                      Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa …..”mẹ thường hay kể

                      Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn 

                      Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

                      Tóc mẹ thì bới sau đầu 

                      Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn 

                      Cái kèo, cái cột thành tên

                      Hạt gạo, phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

                      Đất Nước có từ ngày đó …

(Trích Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập 1, trang 118, NXB Giáo dục, 2010 )

Cảm nhận của Anh(chị) về đoạn thơ trên. Từ đó, bình luận ngắn gọn về việc vận dụng chất liệu văn học dân gian trong đoạn thơ.

Làm bài

A.Mở bài đất nước nguyễn khoa điềm: 0.25

-Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ những năm chống Mĩ cứu nước – thế hệ có những đóng góp nổi bật trong thơ ca Việt Nam những năm này, đã đem đến cho thơ tiếng nói trữ tình của tuổi trẻ. Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu chất suy tư, cảm xúc dồn nén, thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân, dễ đi vào lòng người đọc. Hơn nữa, thơ ông còn là sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng về đất nước, con người Việt Nam. Một trong những thành công của Nguyễn Khoa Điềm là trường ca “Mặt đường khát vọng”, trong đó nổi bật là chương “Đất Nước”.

– Nêu vấn đề cần nghị luận: Với 9 dòng thơ đầu chương “Đất Nước”, thể hiện cảm nhận sâu sắc mới mẻ về nguồn gốc của Đất Nước. Từ đó ta thấy được việc vận dụng chất liệu văn học dân gian.

B.Thân bài đất nước Nguyễn Khoa Điềm : 3.50

1.Khái quát về trường ca, chương V, đoạn thơ: 0.25 đ

– “Đất Nước” là phần đầu chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng”, viết năm 1971 tại chiến khu Trị Thiên giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang hết sức khốc liệt mà bản thân nhà thơ trực tiếp có mặt. Đọan trích thâu tóm ý nghĩa của tòan bộ chương V. Chương thơ là sự cảm nhận về Đất nước một cách cụ thể, sâu sắc mà cốt lõi trong tư tưởng là: Đất nứơc của Nhân dân;

– Đoạn thơ sau thuộc phần đầu của chương “Đất Nước”

2.Cảm nhận nội dung, nghệ thuật đoạn thơ:

*Về nội dung: Toàn bộ đoạn thơ là định nghĩa nghệ thuật về đất nước: Đất Nước có từ bao giờ?

– Câu đầu tiên:

+ Hai chữ Đất Nước được viết hoa, thể hiện sự trân trọng, yêu kính đối với đất nước.

+ Đại từ nhân xưng ta xác định sự hiện diện của nhân vật trữ tình, khiến lời thơ như lời thủ thỉ, chiêm nghiệm, suy tư.

+ Trạng ngữ phiếm định khi ta lớn lên, chỉ thời điểm bắt đầu và lớn lên của đất nước, trả lời cho câu hỏi Đất Nước có từ bao giờ?.

+Câu trả lời không xác định bằng một mốc thời gian cụ thể nào nhưng lại khẳng định chắc chắn một điều: Đất Nước đã có từ trước khi có sự hiện diện của ta, từ rất lâu, từ xa xưa…

-Sau lời khẳng định sự tồn tại của Đất Nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lý giải nguồn gốc của Đất Nước một cách mới lạ nhưng cũng đầy thuyết phục:

+Cụm từ “ngày xửa ngày xưa”:

++Thường được dùng mở đầu cho các câu chuyện cổ tích, gợi ý niệm: Đất Nước đã có từ rất lâu, trước cả sự ra đời của truyện cổ tích nên Đất Nước mới xuất hiện trong “cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”.

++Đưa ta về với những câu chuyện cổ dân gian như Thạch Sanh, Thánh Gióng, Con Rồng cháu Tiên, Tấm Cám… Đó là những câu chuyện đã chăm bẵm, nuôi dưỡng tâm hồn ta từ thuở còn nằm nôi, để ta biết yêu quê hương, yêu đất nước.

+Đất Nước còn được thể hiện ở nét sống giản dị nhưng đậm đà của người mẹ, người bà Việt Nam. Đó là tục ăn trầu “Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”

++ Hình ảnh “miếng trầu” gợi cho ta nhớ “Sự tích trầu cau ”, một câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn nhân bản sâu sắc.

++ Hình ảnh “miếng trầu” còn gợi mối quan hệ tình nghĩa, truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam. Trong tục cúng lễ, miếng trầu quả cau là biểu tượng cho tấm lòng thành của con cháu gửi đến những bậc tiền bối đã khuất. Nó còn là biểu tượng cho tình yêu, hôn nhân và gia đình, là mối quan hệ vợ chồng thủy chung son sắt.

+Một trong những truyền thắng quý báu của dân tộc ta là truyền thống đánh giặc giữ nước: “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”. Câu thơ gợi nhắc cho ta nhớ đến truyền thuyết Thánh Gióng, nhổ tre làng đánh giặc-một vẻ đẹp khỏe khoắn của tuổi trẻ Việt Nam kiên cường, bất khuất. Hình ảnh cây tre hiện lên trên mỗi làng quê. Nó như sự đồng hiện những phẩm chất trong cốt cách con người Việt Nam: thật thà chất phác, đôn hậu thủy chung, yêu chuộng hòa bình nhưng cũng rất kiên cường, bất khuất trong đấu tranh.

-Từ truyền thống đánh giặc chống ngoại xâm, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tiếp tục khai thác thêm nhiều yếu tố mang vẻ đẹp thuần phong mĩ tục của người dân nước Việt.

+ Đó là vẻ đẹp giản dị của người phụ nữ Việt Nam với phong tục “búi tóc sau đầu ” (tóc cuộn thành búi sau gáy tạo cho người phụ nữ một vẻ đẹp nữ tính, thuần hậu);

+ Đó là đạo lý ân tình ân nghĩa ngàn đời: “cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối, mặn”. Thành ngữ “gừng cay muối mặn ” được nhà thơ vận dụng một cách tài tình: gừng càng già càng cay, muối càng lâu năm càng mặn, con người sống với nhau càng lâu thì càng tình nghĩa. Tình cảm chân thành ấy là nguồn gốc của mọi tình yêu thương như suối nguồn chảy qua muôn thế hệ.

+ Câu thơ: “Cái kèo cái cột thành tên ” gợi nhắc một nét văn hóa của người Việt. Đó là truyền thống làm nhà “kèo-cột”, cột đẩy nhà lên cao, kèo giữ cột lại với nhau tạo nên sự bền vững. Cũng từ gian nhà ấy, thói quen đặt tên con bằng những vật dụng quen thuộc cũng ra đời. Vì vậy mà “cái kèo cái cột” cũng thành tên.

+ Dân tộc ta với nền văn minh “lúa nước” cùng truyền thống cần cù lao động, chịu thương chịu khó “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”. Ở đây, nhà thơ sử dụng thành ngữ “một nắng hai sương” gợi lên truyền thống lao động cần cù, chịu thương, chịu khó của người dân ta. Để có được hạt gạo ta ăn hằng ngày, người nông dân phải trải qua quá trình gieo, cấy, xay, giã, giần, sàng rất vất vả.

+ Thấm vào trong hạt gạo nhỏ bé ấy là vị mặn mồ hôi nhọc nhằn của người dân “chân lấm tay bùn”. Câu thơ đã khéo léo nhắc nhở chúng ta đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn ”, ăn hạt cơm dẻo thơm hôm nay phải biết nhớ đến công lao người làm ra nó.

-Câu thơ cuối, khẳng định sự ra đời của Đất Nước một cách đầy tự hào:Đất Nước có từ ngày đó…

+ Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khẳng định với một niềm tự hào “Đất Nước có từ ngày đó… ”. “Ngày đó ” là ngày nào ta cũng không rõ nhưng chắc chắn ngày đó là ngày ta có truyền thống, có phong tục tập quán, có nền văn hóa, mà có văn hóa tức là có Đất Nước.

+ Dấu ba chấm (…) nối dài những truyền thống văn hóa văn hiến, phong tục tập quán, thể hiện sự bất tận, sự trường tồn vĩnh hằng từ xa xưa của Đất Nước.

– Khái quát: Đất Nước hiện lên dung dị, gần gũi, đời thường, gợi dậy trong tâm thức người đọc cả một bề dày và chiều sâu văn hóa nghìn đời của dân tộc với  những nét rất đặc thù, rất đáng tự hào.

*Về nghệ thuật:

-Với ngôn từ, hình ảnh bình dị, dân dã, giàu sức gợi. Cùng các biện pháp tu từ như điệp ngữ, nhân hóa, ẩn dụ…

-Giọng điệu thơ biến đổi linh hoạt.

-Sức truyền cảm lớn từ sự hòa quyện giữa chất chính luận và trữ tình. Qua đó ta thấy được sự cảm nhận của tác giả về Đất Nước hiện lên vừa thiêng liêng vùa sâu sắc, vừa lớn lao gần gũi thân thiết với mọi người.. từ đó khơi dậy ý thức và trách nhiệm của cá nhân với tổ quốc thiêng liêng.

* Bình luận về việc sử dụng chất liệu văn học dân gian trong đoạn thơ.

– Chất liệu dân gian được sử dụng rất đậm đặc, đa dạng (có phong tục, lối sống, tập quán sinh hoạt, vận dụng quen thuộc, có ca dao, dân ca, tục ngữ, các truyện cổ tích). Hơn thế, chất liệu dân gian được sử dụng rất sáng tạo (chỉ gợi ra bằng một vài chỗ hay một hình ảnh, một chi tiết…. nhưng vẫn đầy đủ ý nghĩa, thậm chí rất sâu sắc, mới mẻ)

– Điều này đã tạo nên một không khí, giọng điệu, không gian nghệ thuật vừa bình dị, gần gũi, hiện thực lại vừa giàu tưởng tượng, bay bổng, mơ mộng.

Đề 2: Nhận xét mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong quan niệm về đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Đề bài

Câu 2. (5,0 điểm)

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng

 Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời.

( Trích Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong quan niệm về đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Làm bài

Mở bài: 0.25

-Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ như: Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật. Đó là thế hệ những nhà thơ hay suy tư về đất nước, về cuộc chiến tranh và tuổi trẻ. Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu chất suy tư và dồn nén xúc cảm, mang màu sắc chính luận, thể hiện tâm tư của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. Nguyễn Khoa Điềm rất thành công với những sáng tác thơ về đề tài đất nước, tiêu biểu là trường ca “Mặt đường khát vọng”, trong đó có chương “Đất Nước”.

– Nêu vấn đề cần nghị luận: Đoạn thơ (…) là lời tâm tình và suy tư về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong định nghĩa đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Thân bài: 3.50

1.Khái quát về trường ca, chương V, đoạn thơ:

-Trường ca “Mặt đường khát vọng” được tác giả hoàn thành năm 1971, tại chiến trường Bình Trị Thiên. Bản trư­ờng ca đã thức tỉnh tinh thần dân tộc của tuổi trẻ đô thị miền Nam, giúp thanh niên vùng địch tạm chiếm nhận rõ bộ mặt xâm lư­ợc của đế quốc Mĩ, hư­ớng về nhân dân đất nư­ớc, ý thức đ­ược sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đư­ờng đấu tranh hòa nhập với cuộc chiến đấu của toàn dân tộc.

-Trường ca “Mặt đường khát vọng” gồm chín chương.“Đất nước” là phần đầu chương V bản trường ca này. Đoạn trích là những suy nghĩ của  tác giả về đất nước được nhìn trên nhiều góc độ với tư tưởng chủ đạo là “Đất Nước của Nhân Dân”. Đoạn trích có hai phần. Đoạn thơ trên thuộc phần đầu trong đoạn trích “Đất Nước”.

2.Cảm nhận nội dung, nghệ thuật đoạn thơ:

*Về nội dung: Nếu như ở đoạn thơ trước đó, tác giả nhìn nhận Đất Nước từ bề dàỵ văn hóa dân tộc hàng nghìn năm, thì ở đây lại là những suy nghĩ về Đất Nước từ cuộc sống hiện tại trong các mối quan hệ riêng – chung, cá nhân – cộng đồng, sự tiếp nối giữa các thế hệ.

-Trước hết, Đât Nước gắn liên với tình yêu đôi lứa, với mỗi cá nhân:

Trong anh và em hôm nay.

Đều có một phần Đất Nước

Hai câu thơ đầu ngắn gọn nhưng khái quát một chân lí mới mẻ. Đất nước tồn tại trong mỗi con người, mỗi cá nhân. Đất nước không chỉ là hình dáng non sông là không gian địa lí hay thời gian lịch sử; Đất nước còn là con người – những con người cụ thể có mối quan hệ máu thịt với quê hương.

– Bốn dòng thơ kế tiếp mở rộng ý ban đầu:

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất Nước vẹn tròn to lớn.

Đất nước tồn tại trong mỗi con người nhưng một cá nhân không thể làm nên đất nước. Nguyễn Khoa Điềm đã dùng hình ảnh “cầm tay” để nhấn mạnh sự liên kết; gắn bó giữa con người với nhau. Khi hai cá nhân yêu thương, gắn bó liên kết với nhau, họ sẽ tạo nên thế giới tình yêu tươi đẹp. Đất nước được hình thành từ sự gắn kết huyền diệu ấy. Khi cá nhân đoàn kết sẽ làm nên cộng đồng, tạo nên sức mạnh vĩ đại cho đất nước. Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng những cụm tính từ để diễn đạt vẻ đẹp của đất nước khi những con người biết gắn kết với nhau: “hài hòa”, “nồng thắm”, “vẹn tròn”, “to lớn”.

-Từ hiện tại, nhà thơ tiếp tục mạch cảm xúc và suy nghĩ về Đất Nước ở tương lai. Nhà thơ hướng về thế hệ tương lai – thế hệ mầm non sẽ mang Đất Nước sánh vai với các cường quốc năm châu:

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang Đât Nước đi xa

Đen những tháng ngày mơ mộng

Đất Nước không chỉ có ngày hôm qua và hôm nay, trong quá khứ hay ở hiện tại, mà Đất nước phải hướng tới ngày mai, hướng tới tương lai tươi sáng. Từng thế hệ kế tiếp sẽ làm cho đất nước trường tồn mãi mãi. Khi đặt những câu thơ đầy khắc khoải này của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vào bối cảnh lịch sử những năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ đang bước vào giai đoạn ác liệt, ta mới thấy: Ước mơ về thế hệ sau, thế hệ tương lai sẽ “mang Đất Nước đi xa ”, kế tục truyền thống, làm rạng danh quê hương đất nước là điều mà bất cứ ai yêu dân tộc này đều mong muốn. Lời nhắn nhủ tha thiết như một khát vọng cháy bỏng: Hãy đưa đất nước tiến về phía trước, đến với “những tháng ngày mơ mộng”, những tháng ngày hòa bình, tự do và hạnh phúc. Đó không chỉ là niềm mong mỏi của riêng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, mà còn là ước mong của hàng chục triệu trái tim người dân Việt Nam.

-Bốn câu thơ cuối, nhà thơ nêu trách nhiệm của cá nhân đối với Đất Nước:

Em ơi em!

Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời…

+Nguyễn Khoa Điềm đã khám phá một định nghĩa rất mới: Đất Nước là máu xương của mình. Đối với mỗi con người, máu xương là yếu tố cần thiết cho sự sống. Hình ảnh so sánh độc đáo ấy có hàm ý khẳng định: Đất nước là sự sống thiêng liêng, cần thiết đối với mỗi con người.

+Từ việc xác định vai trò quan trọng của đất nước đối với mỗi con người, tác giả khẳng định ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước. Cụm từ “phải biết” vừa có ý nghĩa cầu khiến, vừa là lời thiết tha, mong chờ như mệnh lệnh trái tim. Ba cụm động từ cụ thể hóa trách nhiệm mỗi người. “Gắn bó” là lời kêu gọi đoàn kết, vì chỉ có đoàn kết đất nước mới có sức mạnh. “San sẻ” là mong muốn mỗi người biết ý thức gánh vác trách nhiệm với quê hương. Còn “hóa thân” là biểu hiện thái độ sẵn sàng hy sinh cho đất nước.

– Đánh giá: Nguyễn Khoa Điềm viết nên những câu thơ này bằng tất cả sự trải nghiệm của một người lăn lộn trong phong trào tranh đấu của thanh niên đô thị miền Nam. Nhà thơ đã thay mặt thế hệ mình để phát biểu tâm tư với tinh thần công dân, với nhiệt tình tuổi trẻ. Đó cũng là lời đáp cho câu hỏi mang tính chính luận về sự trường tồn của Đất Nước. Đất Nước bất tử chính nhờ ở tinh thần của những con người tràn đầy nhiệt huyết tuổi thanh xuân, biết sống có trách nhiệm với thời đại và có khát vọng về tương lai trường tồn của Đất Nước.

* Về nghệ thuật:

-Thể thơ tự do, những câu thơ dài ngắn khác nhau thể hiện rất linh hoạt những cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình, giọng điệu trữ tình đan xen chính luận sâu lắng thiết tha.

– Ngôn ngữ thơ giàu giá trị biểu cảm có sức khái quát cao;

– Nhiều biện pháp tu từ: so sánh, điệp cấu trúc…

3.Nhận xét mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong quan niệm về đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
– Biểu hiện: Trong cách cảm nhận về Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, Đất nước không chỉ là những hình ảnh gần gũi trong đời sống hằng ngày, không chỉ gắn với không gian mênh mông, thời gian đằng đẵng mà đất nước còn là quan hệ gắn bó giữa cá nhân với cộng đồng, giữa thế trước với thế hệ sau.Đất Nước hoá thân, kết tinh trong mỗi con người.Sự sống của mỗi con người không chỉ thuộc về cá nhân mà còn thuộc về đất nước. Vì thế, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm với đất nước: biết ơn cội nguồn, tổ tiên; đoàn kết, giữ và phát triển đất nước. Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng được thể hiện bằng lời nhắn nhủ mang tính chính luận nhưng không giáo huấn khô khan mà rất chân thành vì đó là lời tâm tình, tự dặn mình, dặn người tha thiết.

– Ý nghĩa: Đặt ra mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong quan niệm về đất nước cho thấy cách định nghĩa nghệ thuật: Đất nước là gì? rất mới mẻ, độc đáo, chân thành, tha thiết của Nguyễn Khoa Điềm. Đó cũng là đóng góp thiết thực về chủ đề Đất Nước trong thơ ca chống Mĩ, thể hiện tình yêu sâu nặng với đất nước, nhân dân, chống lại sự nô dịch của kẻ thù đế quốc, thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết đấu tranh trong tâm hồn thế hệ trẻ Việt Nam, đồng thời minh chứng phong cách trữ tình chính luận trong thơ của nhà thơ trẻ Nguyễn Khoa Điềm.

Kết bài: 0.25

    – Kết luận về nội dung, nghệ thuật vẻ đẹp của đoạn thơ trong chương Đất Nước: Đoạn thơ trên là một trong những đoạn thơ hay nhất của chương “Đất Nước”. Nhà thơ đã thể hiện những suy nghĩ mới mẻ của mình về Đất Nước bằng một giọng thơ trữ tình, ngọt ngào. Câu chuyện về Đất Nước đối với mỗi người luôn là câu chuyện của trái tim, vừa thiêng liêng, cao cả, cũng vừa gắn bó, thân thiết. Từ suy nghĩ và tình cảm ấy, khi đối diện với kẻ thù của dân tộc, hẳn chúng ta phải biết làm gì cho Tổ quốc, cho giang sơn. Ngày nay, đất nước đã sạch bóng quân thù nhưng trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước vẫn rất cần đặt ra thường xuyên, bởi đó là câu chuyện không bao giờ cũ.

– Nêu cảm nghĩ về đất nước, vai trò và trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước hôm nay và mai sau.

Lời Kết

Trên đây là khái quát về toàn bộ bài thơ Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm cho các em học sinh lớp 12 ôn tập thi THPT Quốc Gia năm 2023. Trong bài viết bao gồm sơ đồ tư duy bài thơ, Khái quát nội dung, luyện đề theo câu hỏi và bài thơ. Hy vọng tài liệu sẽ giúp ích các em trong quá trình ôn tập thi đại học.

Tham gia group Tip.edu.vn để lấy đề thi các bạn nhé !

Tài Liệu được tham khảo từ: Cô Hoài, Cô Nga trường THPT Hưng Nhân và tài liệu trên mạng Internet.

Link tài liệu:

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

5/5 - (140 bình chọn)