Chia sẻ những tip thiết thực

Cảm nhận về hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác

Nguyễn Tuân có thể nói là một nhà văn có phong cách viết độc đáo, khác lạ mà không nhà văn nào có được. Các tác phẩm của ông đều lấy cái đẹp là trung tâm trong đó có tùy bút Người lái đò sông Đà. Cùng tìm hiểu bài viết Cảm nhận về hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác để hiểu rõ hơn về quan niệm cái đẹp của ông nhé!

Đề bài: Cảm nhận về hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác

Mục lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

cam nhan ve hinh tuong nguoi lai do song da trong canh vuot thac

Cảm nhận về hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác

I. Dàn ý Cảm nhận về hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu tác phẩm và hình tượng người lái đò

2. Thân bài:

a. Khái quát chung:
– Nguyễn Tuân đặt người lái đò vào trong tình huống nguy hiểm để bộc lộ phẩm chất của ông.
– Để vượt qua dòng thác đá hung bạo, không chỉ phải am hiểu thiên nhiên sông Đà mà còn phải có tinh thần dũng cảm và bàn tay tài hoa.

b. Sự am hiểu thiên nhiên của ông đò:
– Sông Đà bày “thạch trận” thì ông nắm được “binh pháp của thần sông thần đá”
– Ông thuộc “quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này”
– Ông nhớ được chính xác các cửa sinh cửa tử trên thác đá.

c. Lòng dũng cảm:
– Nguyễn Tuân đặt ông đò vào tình huống nguy hiểm: “sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất”.
– Con sóng đã làm ông lái đò đau đớn khủng khiếp
– Ông “cố nén vết thương”, đưa con thuyền vào đúng cửa sinh.
– Trong lúc nguy hiểm, ông bộc lộ tinh thần tỉnh táo, dũng cảm, bình tĩnh.

d. Người nghệ sĩ tài hoa:
– Đặt ông đò trong hoàn cảnh đặc biệt: đối phó với “dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá”
– Ông cưỡi lên thác đá, “lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”
– “Lái miết”: đường lái căng, chính xác, điêu luyện.
– Giữa những cửa sinh cửa tử, ông lái đò có thể lái đúng vào luồng nước cửa sinh.
– Ông lái đò và con thuyền đã hợp thành một.

e. Một con người bình thường:
– Những người anh hùng, nghệ sĩ tài hoa cũng chỉ là những con người lao động bình thường.
– Họ ăn cơm, nói chuyện phiếm với nhau và khao khát một cuộc sống ấm no.
– Công cuộc vượt thác chỉ là những công việc thường ngày của họ cống hiến thầm lặng cho Tổ quốc.

3. Kết bài:

Khẳng định lại vẻ đẹp hình tượng người lái đò sông Đà.

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác (Chuẩn)

Ca ngợi người lao động là một chủ đề rất quen thuộc trong thời kì xây dựng đất nước. Cũng viết về chủ đề người lao động, hình tượng người lái đò sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà mà Nguyễn Tuân miêu tả lại mang nét độc đáo riêng. Người lái đò vô danh trong tác phẩm của Nguyễn Tuân cũng đẹp như một người anh hùng trong hành trình chinh phục thiên nhiên và trở thành một người nghệ sĩ vượt thác.

Để làm nổi bật phẩm chất của người lái đò, Nguyễn Tuân đã đặt ông đò vào trong môi trường thác đá – nơi mà dòng sông Đà hung bạo nhất để làm nổi bật lên phẩm chất của ông. Một mình ông lái đò chống chọi với muôn vàn tướng đá, lính đá, vượt qua cả một “thạch trận” khổng lồ giữa dòng sông Đà khắc nghiệt với những “boongke chim, pháo đài nổi”, với những cửa sinh cửa từ và những luồng nước chết. Người lái đò và con thuyền của mình giữa “dòng thác hùm beo trở nên thật nhỏ bé, mong manh. Hành trình vượt thác của người lái đò trở thành cuộc hành trình kiếm tìm sự sống từ những con thác dữ. Vậy nên, ông đò, để vượt thác thành công, không chỉ phải có sự am hiểu thiên nhiên, lòng dũng cảm mà còn cả bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ nữa.

Trước hết, ta cảm nhận được ở ông đò là một người am hiểu thiên nhiên, am hiểu về đối tượng mà mình chiến đấu mà ở đây chính là dòng thác đá sông Đà. Sau những lần chiến đấu với đầy thách thức, ông đò đã nắm được quy luật của thác đá. Nếu sông Đà là một thạch trận khổng lồ thì ông đò lại nắm được “binh pháp của thần sông thần đá”. Ông cũng thuộc lòng những “quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này”.Thậm chí, người lái đò ấy còn nắm được cả những cửa sinh cửa tử trên dòng thác hung dữ ấy. Ở vòng đầu, nó “mở ra bốn cửa tử một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông”, vòng thứ hai “cửa sinh bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn”, vòng ba “cửa sinh nằm giữa bọn đá hậu vệ bao vây bởi những luồng nước chết”. Có thể nhận thấy, ông đò có một trí nhớ thật siêu phàm được tôi luyện qua những cuộc đấu sinh tử với dòng thác hung bạo này. Vì vậy, khi đối mặt với lần vượt thác, ông lái đò có thể tự tin mà đối phó linh hoạt với thiên nhiên. Ông “đổi thay chiến lược” hay “ông tránh mà rảo bơi chèo lên”, …tất cả được đúc kết từ những lần vượt thác, được ghi nhớ trong trí nhớ của ông.

Thế nhưng, thác đá sông Đà hung bạo là thế, vượt qua nó, không chỉ cần kiến thức mà hơn cả là phải có lòng can đảm hơn người. Để làm nổi bật lên sự dũng cảm của người lái đò, Nguyễn Tuân đã đặt ông vào trong tình thế ngặt nghèo nhất, đó là khi “sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất” và luồng nước dữ đã “bóp chặt hạ bộ của người lái đò”. Con sóng thác đã làm người lái đò phải đau đớn, “mặt méo bệch đi”. Trong tình thế ấy, người lái đò chỉ cần lơ là là có thể sơ sẩy ngay, thế nhưng với kinh nghiệm của mình, ông đủ hiểu rằng chỉ một phút lơi tay thì sẽ phải trả giá bằng cả tính mạng của mình. Chính vì thế vượt lên trên nỗi đau, ông đồ “cố nén vết thương”, dùng tinh thần chế ngự nỗi đau thể xác mà “kẹp chặt lấy cuống lái” đưa con thuyền vào đúng cửa sinh. Trong tình huống nguy hiểm nhất cũng là lúc ông đò bộc lộ tất cả sự dũng cảm của mình, sự bình tĩnh, kiên trung, tỉnh táo và gan góc. Phẩm chất đó đã làm ông đò trở thành một vị anh hùng trên sông nước.

Và để chiến thắng dòng thác dữ của sông Đà, ông lái đò còn phải có bàn tay khéo léo tài hoa, nơi phô diễn tất cả cái đẹp của nghệ thuật vượt thác. Nguyễn Tuân đã đặt ông vào trong tình cảnh đặc biệt, đó là khi phải đối phó “dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá”. Dòng sông hung bạo như loài mãnh thú, muốn cuốn phăng tất cả và ông lái đò như một người nghệ sĩ thực thụ mà thuần phục con mãnh thú ấy. Ông “cưỡi lên thác sông Đà”, “phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ”. Ông nắm lấy cái “bờm sóng” rồi “ghì cương lái, lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”. Hai chữ “lái miết” cho thấy một đường lái căng, chính xác đến tuyệt vời. Đó là điều làm nên tài hoa trong nghệ thuật vượt thác mà ông đã rèn luyện qua bao lần sinh tử cùng con sông.

Giữa những dòng thác đang gào thét, con thuyền của ông lái đò vẫn lướt đi ‘vút! Vút!…

” vượt qua tất cả “trùng vi thạch trận” trên sông với những đường lái chính xác. Nhìn con thuyền băng băng trên thác đá, người ta có cảm nhận rằng con thuyền ấy dường như tự “lái được lượn được”. Con thuyền đã trở thành một sinh thể sống mà chính ông lái đò là người truyền cho nó sự sống đó. Nó và ông đò đã trở thành một khối thống nhất để ông có thể điều khiển nó như một phần thân thể của mình.

Nguyễn Tuân tiếp cận con người trên phương diện thẩm mỹ, thế nên có thể thấy những người lao động bình dị cũng mang những phẩm chất anh hùng và vẻ tài hoa của một người nghệ sĩ. Là những người anh hùng, những người nghệ sĩ nhưng họ cũng vẫn chỉ là những con người nơi đời thường chất phác và bình dị. Người lái đò sau khi vượt thác trở về với đời thường, “đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam”, nói những câu chuyện phiếm về “cá an vũ, cá xanh”, … Trong những câu chuyện phiếm ấy là gửi gắm bao nhiêu ước mơ, khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cuộc vượt thác với họ cũng chỉ là cuộc sống thường ngày bởi “ngày nào cũng chiến đấu với sông Đà dữ dội” và “giành lấy sự sống từ tay những cái thác”. Những suy nghĩ ấy càng làm tôn lên vẻ đẹp của người lao động bình dị và những cống hiến lặng thầm của họ.

Nguyễn Tuân đã xây dựng hình tượng người lái đò sông Đà bằng cảm hứng lãng mạn cũng như với tất cả niềm tự hào, trân trọng, tôn vinh. Nghệ thuật đòn bẩy, thủ pháp tương phản và cường điệu đã giúp Nguyễn Tuân xây dựng hình ảnh ông đò không hề bé nhỏ trước thiên nhiên mà như một người hùng, một người nghệ sĩ tài hoa. Quan niệm độc đáo về cái đẹp đã khiến hình ảnh một ông đò thật khó quên trong lòng bạn đọc.

—————–HẾT—————–

https://tip.edu.vn/cam-nhan-ve-hinh-tuong-nguoi-lai-do-song-da-trong-canh-vuot-thac-66232n
Hình tượng người lái đò sông Đà thật khiến người đọc khó quên, đặc biệt là tác phẩm tùy bút Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân. Các bài tham khảo như Phân tích vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của con Sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà, Phân tích hình ảnh con sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà, Cảm nhận về hình tượng người lái đò qua bài tùy bút Người lái đò sông Đà, Phân tích tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân sẽ giúp chúng ta hiểu rõ về tác phẩm này.

Xem thêm nhiều bài viết hay về Hỏi Đáp Văn Học

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post