Chia sẻ những tip thiết thực

Bài văn phân tích tác phẩm “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn hay nhất

Năm 1010, Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, đổi tên Đại Việt thành Đại Cồ Việt. Nhân dịp này, ông đã viết bài chiếu để thông báo rộng rãi quyết định cho nhân dân được biết. Bài chiếu phản ánh khát vọng của nhân dân về một dân tộc độc lập thống nhất, đồng thời phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt trên đà lớn mạnh. Mời các bạn đọc tham khảo một số bài văn phân tích tác phẩm “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn mà chúng tôi tổng hợp trong bài viết sau để thấy rõ hơn điều đó.

Bài văn phân tích Chiếu dời đô số 1

Trong chế độ phong kiến Việt Nam, Lí Công Uẩn được biết đến là một trong những vị minh quân có tầm nhìn xa trông rộng, lo lắng cho vận mệnh đất nước. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua việc ông quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (Hà Nội). Sự kiện chính trị này gắn với một tác phẩm văn học có giá trị là “Chiếu dời đô”. Bằng lập luận chặt chẽ, thuyết phục, bài chiếu chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc.

Đầu tiên, trong tác phẩm này, giá trị nhân văn thể hiện qua mục đích và dời đô và nỗi lòng của tác giả. Mục đích của việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La là vì lo lắng cho vận mệnh đất nước. Nhận thấy những khó khăn ở nơi đóng đô hiện tại, cụ thể là địa hình núi hiểm trở gây ra nhiều khó khăn để phát triển đất nước trong thời bình.

Tác giả nêu ra những tấm gương không ngần ngại dời đô: “Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô” cùng với việc khẳng định đây là việc tất yếu nếu muốn phát triển đất nước. Vì hai nhà Đinh, Lê không nhận ra điều này nên “cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp” khiến cho tác giả lo lắng cho vận nước.

Chứng kiến cảnh nhân dân khổ cực, lầm than, Lí Công Uẩn “vô cùng đau xót”. Lời bộc bạch chân thành đã làm nổi bật hình ảnh của một ông vua yêu nước, thương dân và luôn khắc khoải về vận mệnh dân tộc. Như vậy, giá trị nhân văn đã được thể hiện qua tấm lòng của bậc minh quân, một lòng muốn dời đô để phát triển đất nước, tạo nên thái bình cùng cuộc sống an vui của con dân.

Giá trị nhân văn của tác phẩm còn được thể hiện qua lí do chọn Đại La làm kinh đô: “ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi”.

Tác giả đã phân tích những ưu điểm về mặt địa lí, phong thủy của vùng đất Đại La. Việc nhìn nhận địa thế của Đại La không những thể hiện sự hiểu biết sâu rộng mà còn cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của sự thấu tình đạt lí trong việc quyết định dời đô.

Tuy là một bài chiếu nhưng “Chiếu dời đô” lại thấm đẫm giá trị nhân văn bởi một lẽ, Lí Công Uẩn không hề ép buộc nhân dân phải làm theo ý mình. Chiếu vốn thuộc thể loại văn học chức năng, là lời ban bố của vua truyền xuống nhân dân nhưng xuyên suốt bài chiếu, chúng ta không hề bắt gặp bất cứ từ ngữ mang tính chất khẩu lệnh hay ép buộc nào.

Ngược lại, bài chiếu được viết nên đầy cảm xúc: “Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”. Việc dời đô giống như được đưa ra trưng cầu ý dân bằng lập luận chặt chẽ, lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục, giọng văn ôn hòa, lời văn chân thật.

Như vậy, tuy thuộc là thể loại văn học chức năng với mục đích ban bố mệnh lệnh nhưng “Chiếu dời đô” không hề khô khan mà rất giàu cảm xúc. Với tấm lòng yêu nước thương dân, tác giả- vị vua Lí Công Uẩn đã tạo nên một tác phẩm thấm đẫm tinh thần nhân văn.

Từ mục đích dời đô, lí do chọn Đại La làm kinh đô mới hay đến những lời bộc bạch của tác giả, chúng ta đều bắt gặp trong đó những giá trị vô cùng tốt đẹp và vì con người.

Bài văn phân tích Chiếu dời đô số 2

Trước những biến động của nước nhà, hàng loạt các chiếu của nhà vua được ban xuống để bây giờ trở thành những tác phẩm hay có giá trị trong nền văn học Việt Nam. Cùng với chiếu cầu hiền của vua Quang Trung thì chúng ta còn được biết đến chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn.

Bài chiếu không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà nó còn mang nhiều nét văn học trong đó. Lý Công Uẩn nổi tiếng là một nhà vua thông minh nhân ái có trí lớn và lập được nhiều chiến công hiển hách. Khi vua Lê Ngọa Triều băng hà, ông được triều thần tôn lên làm vua, xưng là Lí Thái Tổ, lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Năm Canh Tuất (1010), Lí Thái Tổ viết bài chiếu bày tỏ ý định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay).

Tương truyền khi thuyền nhà vua đến đoạn sông dưới chân thành thì chợt thấy có rồng vàng bay lên. Cho là điềm lành, Lí Thái Tổ nhân đó đổi tên Đại La thành Thăng Long.

Chiếu là một loại văn bản cổ, nội dung thông báo một quyết định hay một mệnh lệnh nào đó của vua chúa cho thần dân biết. Chiếu thường thể hiện một tư tưởng lớn lao có ảnh hưởng đến vận mệnh triều đại, đất nước. Chiếu dời đô cũng mang đầy đủ đặc điểm trên nhưng bên cạnh đó, nó cũng có những nét riêng. Đó là tính chất mệnh lệnh kết hợp hài hòa với tính chất tâm tình.

Ngôn ngữ bài chiếu vừa là ngôn ngữ hành chính vừa là ngôn ngữ đối thoại. Cũng như chế và biểu, chiếu được viết bằng tản văn, chữ Hán, gọi là cổ thể; từ đời Đường (Trung Hoa) mới theo lối tứ lục gọi là cận thể (thể gần đây).

Trước hết tác giả nêu lên những dẫn chứng, những cơ sở để làm tiền đề cho việc dời đô của mình. Từ cổ chí kim việc dời đô là một việc làm thường xuyên của các nhà vua, cốt là để tìm cho hàng cung một chỗ phong thủy hợp cho sự phát triển của đất nước, góp phần hưng thịnh đất nước. Lí Công Uẩn dẫn ra hàng loạt sự dời đô của những vị vua bên Trung Quốc trước đó.

Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời ? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh.

Có thể nói bằng những dẫn chứng trên tác giả lấy đó làm tiền đề và mở đầu cho bản chiếu dời đô của mình. Dời đô không phải là một việc xấu, từ xưa nó đã diễn ra thường xuyên rồi. Mục đích của nó cốt chỉ để làm cho việc mưu sinh thêm thuận lợi, bộ máy hành chính được đặt ở trung tâm của đất nước. Dời để hợp ý trời và thuận lòng dân để từ đó đất nước phồn thịnh kéo dài.

Qua việc đưa ra những lí lẽ và dẫn chứng ấy, tác giả khẳng định việc thay đổi kinh đô đối với triều đại nhà Lí là một tất yếu khách quan. Ý định dời đô của Lí Công Uẩn bắt nguồn từ thực tế lịch sử đồng thời thể hiện ý chí mãnh liệt của nhà vua cũng như của dân tộc ta hồi đó. Nhà vua muốn xây dựng và phát triển Đại Việt thành một quốc gia hùng mạnh trong tương lai.

Tiếp theo tác giả phân tích nhưng thực tế cho thấy kinh đô cũ không còn thích hợp với sự mở mang của đất nước nữa cho nền cần thiết phải dời đô. Ông không ngần ngại phê phán những triều đại cũ “Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tốn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi”.

Tác giả nói rằng các triều đại nhà Đinh nhà Lê đã không nghe theo ý trời nên chỉ đóng đô ở nơi đây chính vì thế mà triều đại không được lâu dài. Không biết học những cái của thời xưa như nhà Thương, nhà Chu. Vậy nên trái với khách quan thì sẽ bị tiêu vong, không đi theo quy luật thì sẽ không có kết quả tốt. Tóm lại kinh đô Đại Việt không thể phát triển được trong một quốc gia chật hẹp như thế.

Nhưng thực chất thì ở giai đoạn đó hai triều đại chưa đủ mạnh cả thế và lực để tiến hành việc rời đô vùng đồng bằng trống trải nên vẫn phải dựa vào địa thế hiểm trở của rừng núi để chống thù trong, giặc ngoài. Nhưng đến thời Lí, trên đà mở mang phát triển của đất nước thì việc đóng đô ở Hoa Lư không còn phù hợp nữa.

Bên cạnh những dẫn chứng thuyết phục như thế tác giả còn thể hiện giãi bày tình cảm của mình. Điều đó đã làm tăng thêm sức thuyết phục cho bài văn. Cảm xúc ấy chính là cảm xúc mà tác giả muốn phát triển đất nước theo một hướng phát triển thịnh vượng hơn, lâu dài và bền vững hơn.

Sau đó nhà vua chứng minh và khẳng định sự đúng đắn hợp quy luật và phù hợp của việc dời đô. Đại La là một nơi có tất cả các điều kiện để phát triển đất nước “Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: Ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; lại tiện hưởng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi.

” Đại La hiện lên đẹp về mọi mặt như địa lý, văn hóa, đầu mối giao lưu, điều kiện của dân cư và sự phong phú, tốt tươi của cảnh vật. tác giả đã nhìn từ góc nhìn của một nhà phong thủy, cho thấy tất cả những điều kiện tốt đẹp của thiên nhiên cũng như con người nơi đây. Thành Đại La ở vị trí trung tâm của đất nước. Có thế rồng cuộn hổ ngồi. Địa hình đa dạng có núi có sông, địa thế cao và khoáng đạt, mở ra bốn hướng nam, bắc, đông, tây, tiện cho việc phát triển lâu dài của quốc gia.

Đây cũng là đầu mối giao lưu chính trị, văn hóa và kinh tế của cả nước. Xét toàn diện, thành Đại La có đủ điều kiện tối ưu để trở thành kinh đô mới của Đại Việt. Chứng cớ nhà vua đưa ra có sức thuyết phục rất lớn vì được cân nhắc kĩ càng trên nhiều lĩnh vực. có thể nói đây là một mảnh đất lý tưởng cho kinh đô và với những điều kiện ấy triều đại sẽ phát triển hưng thịnh. Nhà vua tự cho rằng xem cả dải đất nước Đại Việt thì chỉ có mỗi nơi đây là thánh địa. Có thể hiểu thánh địa là một nơi đất đai địa hình tốt đẹp hợp với một sự phát triển mạnh mẽ.

Kết thúc bài chiếu Lí Công Uẩn không dùng sức mạnh uy quyền để quyết định rời đô mà dùng một giọng như tham khảo ý kiến của nhân dân, bề tôi trung tín “Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?”. Đó như thể hiện sự dân chủ và công bằng cho tất cả những người bề dưới, quyền quyết định đương nhiên thuộc về nhà vua thế nhưng ông vẫn muốn hỏi ý kiến phía dưới để thấy đồng lòng với người dân. Vì chỉ có hợp với lòng dân thì nhà vua cũng như đất nước mới trở nên vững bền được.

Như vậy có thể thấy Lí Công Uẩn là một vị vua thông minh, nhân ái hiền từ và rất đỗi hợp lòng dân. Ông không chỉ lấy những thực tế dẫn chứng từ các triều đại trước cũng như sự tốt đẹp của địa hình Đại La mà ông còn đánh vào tình cảm để thuyết phục.

Tuy là một bài chiếu có ý nghĩa ban bố mệnh lệnh nhưng Chiếu dời đô của Lí Công Uẩn rất có sức thuyết phục bởi nó hợp với lẽ trời, lòng dân. Tác giả đã sử dụng một hệ thống lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng điệu mạnh mẽ, khỏe khoắn để thuyết phục dân chúng tin và ủng hộ cho kế hoạch dời đô của mình.

Bài văn phân tích Chiếu dời đô số 3

Lí Công Uẩn là vị hoàng đế sáng lập nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cuộc đời ông đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, Trong những năm trị vì của mình, ông dành nhiều thời gian để đánh dẹp các nơi phản loạn,triều đình trung ương dần được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp.

Năm Canh Tuất (1010), Lí Thái Tổ viết bài chiếu bày tỏ ý định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay).. Thành này được đổi tên thành Thăng Long, mở đầu cho sự phát triển lâu dài của nhà Lý tồn tại hơn 200 năm. Nội dung của Chiếu dời đô đã khẳng định được vai trò của kinh đô Thăng Long, là tác phẩm khai sáng văn học triều Lý, có đầy tính thuyết phục, phản ánh được phần nào khát khao làm chủ giang sơn. Có ý nghĩa to lớn với nền văn học của Việt Nam.

Chiếu dời đô hay Thiên đô chiếu là một đoạn văn được nhà sử học Ngô Sĩ Liên ghi lại sớm nhất ở thế kỷ XV trong sách Đại Việt sử ký toàn thư. Việc xuất hiện bài chiếu có ý nghĩa rất nhiều đối với lịch sử Hoa Lư và Thăng Long. Nó làm nên tính chất trọng đại của hành trình 1000 năm lịch sử. Đó là một áng văn của thời khắc lịch sử từ Hoa Lư đến Thăng Long – một bước ngoặt hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Xuất hiện và phát triển trong chế độ phong kiến, chiếu là một loại hình văn bản hành chính có vai trò rất lớn. Ở mọi triều đại, trong mọi thời kì, chiếu luôn được coi là một trong những loại hình văn bản hành chính quan phương nhất, bởi nó trực tiếp thể hiện những mệnh lệnh, những ý kiến, những suy nghĩ của nhà vua và được ban bố rộng rãi cho quần thần và dân chúng. Nhưng nó cũng mang trong mình ngôn ngữ hành chính vừa mang ngôn ngữ như đối thoại với nhân dân.

Quan sát bài chiếu, bài chiếu được hiểu có thể chia làm 3 đoạn rõ:Đoạn 1(2 câu đầu): Nêu bật được ý nghĩa của Việc chọn lựa kinh đô địa thế thích hợp đóng vai trò quan trọng giúp cho sự phồn vinh của các triều đại trong quá khứ. Đoạn 2(câu tiếp theo); Phản ánh sự sai lầm trong cách vị trí lập kinh đô của nhà Đinh, thực tế là kinh đô cũ không còn thích hợp với sự mở mang phát triển của đất nước cho nên cần thiết phải dời đô. Đoạn 3(4 câu ): nêu bật được vai trò kinh đô Thăng Long xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá mang tầm vóc quốc gia.

Xứng đáng việc chọn kinh đô củng cố cho sự phát triển thịnh vượng của muôn đời.Mỗi văn bản, tác giả để tăng độ thuyết phục, chính xác, áp dụng phương pháp lập luận sắc bén chính là cách mà Lý Công Uẩn sử dụng để thể hiện ý tứ sâu xắc, tầm nhìn thời đại của mình trong việc muốn dời kinh đô của mình, còn nêu một số dẫn chứng trong lịch sử cổ kim để củng cố lí lẽ ấy nội dung ấy được nêu rõ ràng ở đoạn Việc dời đô là việc không hề dễ dàng, trước tâm trạng rối bời của nhiều người với quyết định của ông.

Ông đã nhấn mạnh được đó là việc làm thường xuyên của các triều đại cổ Trung quốc tạo nên được những sự thành công to lớn trong cách trị vị của họ, cho nhân dân, đất nước họ. “nhà Thương đến đời Bàn Canh”, ”nhà Chu đến đời Thành Vương” được tác giả gọi với sự tôn kính “vua thời Tam Đại” lần lượt họ đều phải dời đô rất nhiều lần, tác giả đặt câu hỏi mở cho nhân dân của mình về cách suy nghĩ trong việc dời đô đấy có phải là sự ngông nghênh tự tiện, không suy nghĩ trước những quyết định của mình.

Đó mở ra nhiều điều chúng ta nên suy ngầm, họ là những bậc anh minh, luôn mong mỏi đất nước phồn thịnh, ổn định nên việc chọn vùng đất đặt kinh đô để tiện cho việc trị vì dân tộc, hỏi thăm ý dân. Được lòng dân, thuận ý trời mới đưa ra quyết định khó khăn, và nó lại mang đến được nhiều sự thay đổi tích cực cho đất nước, vậy không việc gì họ không làm việc ấy.

Việc dời đô, có thể thấy nó không có gì là bất thường, mang tính tất yếu thể hiện những ý tứ sâu sắc, tầm nhìn thời đại mong mỏi của cả vua và dân, đất trời, mong cho đất nước thay đổi phồn thịnh như đất nước của các vị vua kia.

Sự suy nghĩ, óc phán đoán, phán xét tài ba của mình, ông đã đề cập những nhận xét có tính phê phán đến thời nhà Đinh rất sai lầm, khiến nhà vua rất buồn, đất nước, nhân dân cũng héo hon, triều đại phát triển không được hưng thịnh, thời thế nhanh suy.

Nếu như ông nhận định, việc dời đô không thể coi thường ý trời, tự quyết định theo ý người, không noi theo gương các triều đại cổ kim mà sửa đổi, thì mãi mãi đất nước không thể phát triển trên vùng đất hẹp, địa thế vạn vật không nhân hòa, anh linh đã được chứng minh bằng những căn cứ trong lịch sử mãi mãi hai nhà Đinh vẫn chỉ ở trong vòng củng cố mà không có sự phản kháng, lực lượng tàn dần. Nên khi nhà Lý lên ngôi, thấy được điều quý giá đó, thực tế kinh đô cũ không còn thích hợp với sự mở mang phát triển của đất nước cho nên cần thiết phải dời đô.

Còn việc chọn kinh đô là quyết định càng khó khăn hơn nữa cho vị vua anh minh, nhưng thật may mắn vị vua ấy đã hiểu được, có suy nghĩ về địa lý sâu rộng, nên quyết định sau đây của ông đã coi như là một sự thay đổi ngoạn mục cho bộ mặt hưng thịnh của nước nhà, niềm tự hào của cả dân tộc.

Đoạn 3 gợi nhắc đên chúng ta điều đó, vẫn lối chứng minh sắc sảo, việc chọn kinh thành Đại La của ông đã thực sự thu phục được lòng người nghe theo, làm theo, dựa vào thuyết phong thủy cổ xưa mà suy đoán được thế đất tốt cho việc phát triển và chứng minh lợi thế và vẻ đẹp muôn mặt của thành Đại La về địa lí, văn hóa, đầu mối giao lưu, điều kiện sống của dân cư và sự phong phú, tốt tươi của cảnh vật.

Ông đã nhận ra nơi đây là đất tốt, đất lành, đây sẽ là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời,bằng chứng theo lịch sử là thời gian sau đó, Thăng Long vẫn là kinh đô của các triều Trần, nhà Hậu Lê, nhà Mạc, Lê Trung Hưng và đang là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nó nằm ở vị trí trung tâm của đất nước.,thế rồng cuộn hổ ngồi rõ ràng núi có sông có, địa thế cao, bốn hướng nam, bắc, đông, tây.

Đây cũng là đầu mối giao lưu chính trị, văn hóa và kinh tế của cả nước nơi đây đủ điều kiện tối ưu để trở thành kinh đô mới của Đại Việt. Và sự phân tích đúng đắn ấy cũng là tâm sự sử gia Ngô Thì Sĩ trong Đại Việt sử ký tiền biên sau này nghiên cứu về kinh thành thăng long đã viết như sau: “Núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông nước, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiếm, rộng mà dài, có thể là nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền toàn bộ hình thể Đại Việt không nơi nào hơn được nơi này”.

Câu hỏi tu từ tiếp sau đó thể hiện thái độ tôn trọng của người đứng đầu đất nước đối với triều đình phong kiến đương thời “ Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?” trước khi ra bất kì quyết định nào ông cũng chú tâm đến ý kiến của công chúng để thống nhất và ra quyết đinh, thấy được ở đây sự đoàn kết đồng lòng quân dân, và một lần nữa củng cố chắc chắn quyết định này của mình.

“Chiếu dời đô” là một bài văn nghị luận giàu sức thuyết phục bởi có sự kết hợp giữa lý và tình. lời văn tạo nên sự đồng cảm sâu sắc giữa mệnh lệnh của vua với thần dân. Dời đô từ vùng núi Hoa Lư ra vùng đồng bằng đất rộng để chứng tỏ triều đình nhà Lý đủ sức chấm dứt nạn phong kiến cát cứ, thế và lực của dân tộc Đại Việt đủ sức sánh ngang hàng phương Bắc.

Qua đó, có thể thấy được khát vọng mãnh liệt của tổ tiên về một nước Đại Việt độc lập, thống nhất, hùng cường và tư thế hiên ngang của một quốc gia tự chủ đang trên đà phát triển lớn mạnh. Để rồi khi nhắc đến tác phẩm này sau hàng ngàn thế hệ, vẫn là sự quyết định đúng đắn của bậc anh nhân đầy thấm thía.

Bài văn phân tích Chiếu dời đô số 4

Lí Công Uẩn quê ở Kinh Bắc, là võ tướng có tài của Lê Bại Hành, từng giữ chức Tả thân vệ Điện tiền chỉhuy sứ. Ông là người tài trí,, đức độ, kín đáo, nhiều hi vọng. Năm 1009, Lê Ngọa Triều chết, Lí Công uẩn được giới tăng lữ và triều thần tôn lên làm vua, lấy hiệu là Lí Thái Tổ và gây dựng nên nhà Lí tồn tại hơn 200 năm. Năm 1010, Lí Thái Tổ viết “Chiếu dời đô” để dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La. Sau khi dời về Đại La, ông đổi tên địa điểm này thành Thăng Long, kinh đô của nước Đại Việt, chính là Hà Nội ngày nay.

Chiếu dời đô của Lí Công uẩn là văn kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn. Chính văn bản này đã góp phần khai sinh ra kinh đô của nước ta trong quá khứ và hiện nay.

Phần đầu của Chiếu dời đô nói lên mục đích sâu xa, tầm quan trọng của việc dời đô. Đó là để đóng đô nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên theo mệnh trời, dưới theo ý dân. Nói một cách khác, việc dời đô là một việc lớn, vừa hợp mệnh trời, vừa hợp lòng dân, là để xây dựng đất nước cường thịnh, đem lại hạnh phúc cho muôn dân.

Việc dời đô không còn là chuyện xưa nay hiếm, nó đã được thực hiện bởi các vị vua trước đó ở Trung Hoa. Tác giả đã nêu lên những dẫn chứng cụ thể để thuyết phục mọi người. Chuyện các vị vua Trung Hoa dời đô để xây dựng đất nước phồn thịnh, chuyện các vị vua Việt Nam thời Đinh – Lê đóng đô ở Hoa Lư làm cho triều đại không vững bền, nhân dân đói kém… Lí Công uẩn đau xót khi chứng kiến vận số ngắn ngủi của nhà Đinh, nhà Lê và cảm thấy việc dời đô là một việc làm cấp thiết.

Phần mở đầu của Chiếu dời đô có lí lẽ sắc bén, dẫn chứng cụ thể, giàu sức thuyết phục. Tác giả đã lồng cảm xúc vào bài chiếu, tạo nên những ấn tượng đẹp: Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi.

Tác giả đã chỉ ra được những điểm thuận lợi của kinh đô mới so với kinh đô cũ. Đại La không có gì xa lạ đối với mỗi người dân Việt lúc đó, nó được Cao Biền đời nhà Đường xây dựng vào thế kỉ thứ IX. Những điểm mạnh của kinh đô đã được Lí Công Uẩn chỉ rõ trong bài chiếu.

Vị trí của nó ở vào nơi trung tâm của trời đất … đã đúng ngôi nam bắc đông tây. Địa thế của Đại La rất đẹp, rất hùng vĩ, là thế rồng cuộn hổ ngồi, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi, địa thế rộng mà bằng phẳng; đất đai cao mà thoáng. Rõ ràng đây là một vùng đất lí tưởng thích hợp cho việc đóng đô và quần tụ cư dân. Nó không bị ngập lụt mà muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi.

Tóm lại, Đại La là thắng địa, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước. Đại La xứng đáng là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

Phần thứ hai của Chiếu dời đô cho thấy tầm nhìn chiến lược của vị vua mở đầu triều Lí, một cái nhìn toàn diện, sâu sắc và chính xác về tất cả các mặt. Điều này hoàn toàn không phải là một ý kiến chủ quan mà chính là khả năng nhìn nhận và tính toán một cách chính xác, quyết đoán. Sau một nghìn năm, Thăng Long xưa nay là Hà Nội đã trở thành kinh đô của hầu hết các triều đại trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Đây chính là cống hiến vĩ đại của Lí Công Uẩn cho lịch sử Việt Nam như câu nói của ông lúc dời đô: mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu.

Về mặt văn chương, phần thứ hai của Chiếu dời đô rất đặc sắc. Cách viết hàm súc, giàu hình ảnh và biểu cảm. Vế đối trong các câu rất chuẩn và đạt hiệu quả cao về mặt nghệ thuật.

Phần cuối của bài Chiếu là lời bày tỏ của nhà vua trước quần thần về ý định dời đô, điều này cho thấy nhà vua rất công minh, đức độ trong việc trị nước: “Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?”

Việc dời đô của Lí Công uẩn là một kì tích, kì công đối với đất nước. Sau một ngàn năm, Thăng Long – Hà Nội đã trở thành kinh đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; là trung tâm kinh tế, quốc phòng, văn hóa lớn của cả nước.

Chiếu dời đô là áng văn xuôi cổ độc đáo, đặc sắc của tổ tiên để lại. Ngôn từ trang trọng đúng như khẩu khí của bậc đế vương. Nó là kết tinh vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ Việt Nam. Nó khơi dậy trong nhân dân ta lòng tự hào và ý chí tự cường mạnh mẽ.

Bài văn phân tích Chiếu dời đô số 5

Lý Công Uẩn là một võ tướng tài ba, đức độ. Khi Lê Ngọa Triều chết, Lý Công Uẩn được triều thần tôn lên làm vua và lấy hiệu là Lý Thái Tổ gây dựng lên nhà Lý tồn tại hơn 200 năm. Khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long, Hà Nội) vào năm 1010 và viết “Chiếu dời đô”. Đây là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn.

Phần đầu của chiếu dời đô chính là mục đích và tầm quan trọng của việc dời đô. Tác giả đã nêu Lên những cơ sở để làm tiền đề cho việc dời đô. Như chúng ta đã biết thì từ cổ chí kim việc dời đô là việc thường xuyên của các nhà vua với mục đích là tìm ra chỗ hợp phong thủy, góp phần làm cho đất nước hưng thịnh.

Ở trong tác phẩm, Lý Công Uẩn đã đưa ra dẫn chứng của những vị vua bên Trung Quốc trước đó. Trước kia nhà Thương đến vua Bàn Canh đã có tới năm lần rời đô. Rồi thời nhà Chu đến thời vua Thành Vương cũng có tới ba lần dời đô. Còn khẳng định rằng việc chuyển dời mà phải xem xét chứ đâu phải tự ý chuyển dời được.

Dời đô vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm trời đất, mưu toan việc lớn để tính kế muôn đời cho con cháu mình. Trên thì tuân theo mệnh trời, dưới thì theo ý dân và nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Chính điều đó khiến cho vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Bằng những dẫn chứng trên Lý Công Uẩn đã lấy những bằng chứng đó để làm tiền đề, để mở đầu cho bản chiếu dời đô. Mục đích của việc rời đô là để việc mưu sinh thêm thuận lợi, bộ máy hành chính được đặt ở trung tâm của đất nước để dễ bề vận hành quản lý.

Qua những lý lẽ trên có thể thấy việc thay đổi kinh đô của nhà Lý là hoàn toàn hợp lý, là một điều tất yếu khách quan. Quyết định dời đô là từ thực tế khách quan đồng thời thể hiện ý chí mãnh liệt của nhà vua và dân tộc ta lúc bấy giờ khi muốn xây dựng một Đại Việt hùng mạnh.

Phần thứ hai tác giả phân tích thực tế để cho mọi người thấy được kinh đô cũ không còn thích hợp để mở mang đất nước nữa. Thậm chí còn không ngần ngại việc phê phán những triều đại cũ ở nước ta. Tiêu biểu đó là nhà Đinh, Lê khi khinh thường mệnh trời, đón đô yên ở đây khiến cho vận nước ngắn ngủi.

Rút ra kết luận nếu trái với quy luật vận động thì sẽ không có kết quả tốt được. Tuy nhiên cũng nêu ra sự thật ở giai đoạn đó hai triều chưa đủ mạnh, chưa đủ sức chống chọi lại với kẻ thù luôn lăm le muốn xâm lược nước ta. Đồng thời càng chưa thể dời đô ra chỗ bằng phẳng mà vẫn phải dựa vào địa thế hiểm trở của Hoa Lư để có thể tồn tại, chống thù trong, giặc ngoài. Phải đến thời nhà Lý khi đất nước ta đang trên đà mở mang, phát triển. Bấy giờ kinh đô Hoa Lư không còn phù hợp nữa nên việc dời đô là tất yếu.

Ngoài việc chứng minh Hoa Lư không còn thích hợp để tiếp tục đóng đô thì Lý Công Uẩn còn đưa ra những minh chứng về những điểm phù hợp, thuận tiện của thành Đại La. Đầu tiên là về vị trí, đây không chỉ là kinh đô cũ của Cao Vương mà còn là nơi trung tâm của trời đất, lại được thế “rồng cuộn hổ ngồi”.

Về địa thế thì thế nhìn sông tựa núi, địa thế đất vừa rộng, vừa bằng phẳng lại vừa cao, thoáng mát. Có thể thấy đây là một nơi có địa thế tốt cả về mặt địa lý, về cả văn hóa, giao lưu kinh tế – văn hóa. Nếu dân cư tập trung về đây sẽ phát triển được tiềm lực kinh tế, không phải chịu cảnh ngập lụt khốn khổ.

Vị trí mở ra bốn hướng nam, bắc, đông, tây thuận lợi cho việc phát triển lâu dài của đất nước. Đồng thời đây là đầu mối giao lưu chính trị, văn hóa và kinh tế của cả nước. Khi xem xét toàn diện thêm cả về mặt phong thủy thì đây là nơi hoàn toàn thích hợp, địa điểm tối ưu nhất để trở thành kinh đô mới của Đại Việt. Có thể nói vua đã có sự tìm hiểu kỹ càng và nắm rõ được thực lực cũng như khát vọng xây dựng đất nước hùng mạnh hơn.

“Chiếu dời đô” (Thiên đô chiếu) chính là áng văn xuôi cổ độc đáo và đặc sắc. Tác phẩm đã thể hiện khí phách anh hùng dám đương đầu với thử thách và vững tin vào khả năng của mình của Lý Công Uẩn. Chính ông đã đặt nền móng cho sự phát triển hưng thịnh và lâu dài của đất nước.

Bài văn phân tích Chiếu dời đô số 6

Lý Thái Tổ tên húy là Lý Công Uẩn (974 – 1028), là vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Hậu Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì 20 năm, từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028. Ông sinh năm 974, là người ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Năm 1010, Lý Công Uẩn quyết định dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (sau đổi thành Thăng Long – Hà Nội ngày nay), đổi tên từ nước Đại Cồ Việt thành Đại Việt, bắt đầu một thời kì phát triển mới của dân tộc. Nhân dịp này, Lý Công Uẩn đã viết Chiếu dời đô để thông báo rộng rãi quyết định dời đô của mình cho toàn thể dân chúng được biết. Đây cũng chính là tác phẩm duy nhất của ông để lại cho đời sau.

Chiếu dời đô phản ánh ý chí tự cường và khát vọng về mọt đất nước độc lập, thống nhất, lớn mạnh của dân tộc Đại Việt. Bài chiếu có sức thuyết phục mạnh mẽ vì trên thuận ý trời, dưới hợp lòng người, có sự kết hợp hài hòa giữa lý với tình.

Chiếu, hịch, cáo nói chung là những văn bản hành chính, công vụ, thường là những mệnh lệnh hoặc lời kêu gọi, thông báo từ trên ban xuống. Tác giả của nó, hoặc người ở vào tư thế phát ngôn phải là bậc vua chúa hoặc chủ tướng công bố một đường lối, chủ trương mà những thần dân hoặc tướng sĩ dưới quyền phải hết lòng thực hiện hoặc tường trình một sự kiện lịch sử nổi bật để mọi người cùng nghe.

Chiếu thường thể hiện một tư tưởng lớn lao có ảnh hưởng đến vận mệnh triều đại, đất nước. Chiếu dời đô cũng mang đầy đủ những đặc điểm trên, nhưng bên cạnh đó, nó cũng có những nét riêng. Đó chính là tính chất mệnh lệnh kết hợp hài hòa với tính chất tâm tình. Ngôn ngữ bài chiếu vừa là ngôn ngữ hành chính vừa là ngôn ngữ đối thoại.

“Chiếu là lời của vua ban bố hiệu lệnh cho thần dân” (Dương Quảng Hàm), thuộc văn xuôi cổ, câu văn có vế đối, ngôn từ trang nghiêm, trang trọng. “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn là một văn kiện mang ý nghĩa lịch sử to lớn. Văn bản chữ Hán chỉ có 214 chữ, bản dịch của Nguyễn Đức Vân dài 360 chữ.

Mở đầu bài chiếu, Lý Công Uẩn nói về việc dời đô của các vua nhà Thương, nhà Chu trong sử sách Trung Quốc: “Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng đã ba lần dời đô”.

Tác giả suy luận “Phải đâu các vua thời Tam đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời?” sau đó nêu rõ mục đích của việc dời đô ấy là “Chỉ muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi”, và khẳng định kết quả của những cuộc dời đô ấy là “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”.

Việc viện dẫn sử sách Trung Quốc với những số liệu cụ thể và suy luận chặt chẽ đã tạo ra một tiền đề vững chắc cho việc dời đô của Lý Thái Tổ: trong lịch sử đã từng có chuyện dời đô và nhiều cuộc dời đô đã đem lại kết quả tốt đẹp; như vậy, việc lý Thái Tổ dời đô là bình thường và hợp với quy luật.

Việc viện dẫn ấy thể hiện một đặc điểm tâm lý chi phối hành động của con người thời trung đại: dựa theo mệnh trời và noi gương tiền nhân. Người xưa thường hiểu mệnh trời là cái tất yếu mà tạo hóa đã định, việc gì thuận theo mệnh trời thì thành công (theo cách hiểu hiện đại mệnh trời chính là quy luật khách quan).

Người xưa quan niệm thời gian tuần hoàn nên rất coi trọng quá khứ, lấy quá khứ làm chuẩn mực, làm khuôn mẫu để noi theo, nên thường noi theo gương người đi trước. Quan niệm ấy dẫn đến việc sính dùng điển tích, điển cố trong sáng tác văn chương. Đoạn đầu của bài chiếu, với vai trò là viện dẫn các chứng nhân đã làm tiền đề để tác giả chứng minh cho việc dời đô là một quy luật hợp lý ở đoạn dưới.

Sau khi nêu tiền đề, Lý Thái Tổ tiếp tục soi sáng, chứng minh tính đúng đắn của việc dời đô bằng cách dẫn chứng thực tế từ hai triều đại Đinh , Lê; tác giả phê phán “hai nhà Đinh Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây”.

Việc không noi theo mệnh trời, không học theo cái đúng của người xưa đã đưa đến hậu quả “triều đại không được lâu bền, số phận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tốn, muôn vật không được thích nghi”. Lí lẽ như thế là rất chặt chẽ, lại kết hợp với tình cảm chân thành nên càng giàu sức thuyết phục: “Trẫm đau xót về việc đó, không thể không dời đổi”.

Tuy nhiên, bằng quan điểm của người thời nay, chúng ta cần xem xét, đánh giá thật công bằng về vai trò lịch sử hai triều đại Đinh, Lê. Thực ra, vào giai đoạn đó, cả thế và lực của triều đình chưa đủ mạnh để có thể dời đô ra vùng đồng bằng trống trải nên vẫn phải dựa vào địa thế hiểm trở của rừng núi Hoa Lư để chống thù trong, giặc ngoài. Nhưng đến thời Lý, trên đà mở mang phát triển của đất nước thì việc đóng đô ở Hoa Lư đã không còn phù hợp nữa.

Sau khi khẳng định việc dời đô là không thể không làm, tác giả khẳng định thành Đại La là nơi tốt nhất chọn làm kinh đô. Ông khẳng định, thành Đại La là thánh địa của đất Việt, là nơi tốt nhất để định đô, bằng cách chỉ ra một cách toàn diện những lợi thế của nó. Đại La không có gì xa lạ, là “Kinh đô cũ của Cao Vương”. Cao Vương là Cao Biền, đại quan của nhà Đường, từng làm Đô hộ sứ Giao Châu từ 864-875; năm 866, Cao Biền đã xây thành Đại La, thuộc Hà Nội ngày nay.

Đại La rất thuận tiện: về vị trí địa lí là “ở vào nơi trung tâm trời đất… đã đúng ngôi nam bắc đông tây; về địa thế, rất đẹp, rất hùng vĩ: “được cái thế rồng cuộn hổ ngồi”, “lại tiện hướng nhìn sông dựa núi”, “địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng”; là một vùng đất cư trú lí tưởng cho dân cư, không “ngập lụt”, “muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi”.

Nói tóm lại, Đại La là “thắng địa”, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, “chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước”. Đại La xứng đáng là “Kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Bằng nhhững dẫn chứng trên, chứng tỏ rằng Đại La là nơi thích hợp nhất để dời đô.

Khát vọng dời đô của Lý Thái Tổ từ vùng núi Hoa Lư ra Đại La – vùng đồng bằng đất rộng chứng tỏ triều đình nhà Lý đã đủ mạnh, đủ sức để chấm dứt nạn cát cứ phong kiến, thế lực của dân tộc Đại Việt đủ sức sánh vai ngang hàng với Trung Hoa. Định đô ở Thăng Long là thực hiện nguyện vọng của nhân dân thu giang sơn về một mối của Lý Thái Tổ. Như vậy, nguyện vọng của nhà vua thống nhất với nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với yêu cầu của thời đại.

Kết thúc bài chiếu, nhà vua không dùng giọng mệnh lệnh của bậc vua chúa mà dùng giọng đối thoại nhẹ nhàng như một lời tâm tình: “Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?”. Giọng đối thoại ấy tạo nên sự đồng cảm giữa nhà vua với thần dân. Triều Lý hùng mạnh là vì có những vị quân thần thấu hiểu lòng dân đến thế.

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post