Chia sẻ những tip thiết thực

Tư tưởng Đất nước của nhân dân trong Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

Đất nước vốn là một trong những đề tài được khai thác tối đa trong văn học nghệ thuật. Tư tưởng đất nước của nhân dân là một sự khám phá mới mẻ, tinh tế, bình dị nhưng cũng vô cùng sâu sắc của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Ta từng bắt gặp đất nước hiện lên qua màu xanh “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy, trong dòng người cuồn cuộn trên “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh hay  “Những người đi tới biển“ của Thanh Thảo. Đất nước đó cũng đã rung lên mạnh mẽ khi “Tuổi trẻ không yên”, những tà “áo trắng” đã “xuống đường” trong “Mặt đường khát vọng”. Trong bản Trường ca chín chương sôi sục nhiệt huyết của tuổi trẻ trước vận mệnh của dân tộc, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã dành hẳn một chương để nói về đất nước. Cùng cảm nhận và phân tích tư tưởng Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại qua bài viết dưới đây của Tip.edu.vn

Đôi nét về Nguyễn Khoa Điềm và tác phẩm Đất nước

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông hấp dẫn người đọc bởi sự kết hợp giữa những xúc cảm nồng nàn và chất suy tư sâu lắng của người trí thức vì đất nước, vì con người. “Đất Nước” trích trong chương 5 trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm đã góp phần làm phong phú hơn, tươi mới hơn tư tưởng ấy bằng tiếng nói riêng và cách thể hiện độc đáo. Tư tưởng đất nước của nhân dân, của ca dao thần thoại chính là mạch nguồn xuyên suốt tác phẩm


Giải thích quan niệm về đất nước theo dòng lịch sử

Đất nước vốn là hình tượng trữ tình rất đẹp trong thi ca xưa nay. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn văn học tương ứng với mỗi thời kỳ lịch sử lại mang tư tưởng riêng với lấp lánh màu sắc thẩm mỹ riêng. Thời trung đại, người ta vốn cho rằng quan niệm đất nước gắn liền với công lao của các triều đại và cũng do các triều đại kế tiếp nhau để gây dựng lên. Thơ văn yêu nước những năm đầu thế kỉ XX tư tưởng về đất nước đã có một bước tiến mới qua tiếng nói của người chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu: “Dân là dân nước, nước là nước dân”. Nhưng dẫu sao, tư tưởng đó vẫn mang dấu ấn của tư tưởng tư sản. Đến thơ ca Việt Nam thời kì 1945-1975 thì tư tưởng đất nước nhân dân được thế hệ các nhà thơ chiến sĩ nhìn nhận một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn trong mối quan hệ riêng – chung, tôi – ta. Ở đó có sự hòa quyện và tỏa sáng của tình yêu đất nước và tình yêu đôi lứa. Tư tưởng đất nước của nhân dân đã được các nhà thơ thể hiện đặc sắc và thành công:

“Ôi đất nước những người áo vải

Đã đứng lên thành những anh hùng”

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Ở thời hiện đại, khi người ta nhìn thấy rõ sức mạnh to lớn của nhân dân, thì mới cho rằng đất nước vốn là của nhân dân. Điều này cũng đã được các nhà văn Việt Nam ý thức sâu sắc hơn hết khi dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại.

Tư tưởng Đất nước của nhân dân, Đất nước của ca dao thần thoại đã được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện một cách nhuần nhuyễn trong tác phẩm của mình bằng chất liệu phù hợp: chất liệu văn hóa dân gian. Có thể thấy, viết về tư tưởng Đất nước của nhân dân thì không có chất liệu nào phù hợp với là văn hóa dân gian. Do vậy, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã khai thác một cách phong phú và đa dạng vốn văn hóa dân gian giàu có của đất nước ta để tạo nên tác phẩm này.

Cả bài thơ như được sáng tạo nên từ những gì quen thuộc nhất của nền văn hóa dân gian lâu đời của người dân Việt Nam. Hàng loạt những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca, hàng loạt những truyện cổ, những phong tục tập quán, những địa phương trên khắp núi sống nước ta đã được huy động và gửi gắm trong bài thơ này. Những chất liệu này đã được nhào nặn bằng một cảm xúc rất mới qua một tâm hồn đa cảm khiến cho những câu thơ vừa mang vẻ đẹp hiện đại lại thấm đẫm chất liệu dân gian truyền thống.

Được viết trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ xâm lược, bài thơ đất nước của Nguyễn Khoa Điềm dường như là một sự nhận thức lại về một vấn đề đã trở nên quen thuộc: vấn đề đất nước. Đất nước được hình thành như thế nào? Đất nước của ai, đất nước trong đời sống hàng ngày hiện lên ra sao? Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nghiền ngẫm để trả lời những câu hỏi ấy. Vì thế mà ông đã có những khám phá vừa dung dị đời thường lại vô cùng sâu sắc và tinh tế. Đó là sự khám phá trên những bình diện như bề rộng không gian, chiều dài lịch sử và bề rộng văn hóa.

tư tưởng đất nước của nhân dân trong tác phẩm đất nước của nguyễn khoa điềm
Tư tưởng đất nước của nhân dân trong tác phẩm Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

Chứng minh tư tưởng đất nước của nhân dân trong tác phẩm

Tư tưởng đất nước của nhân dân qua bề rộng không gian địa lí

Tác giả đã suy tư về “Đất Nước” qua độ rộng của không gian địa lý để khẳng định đất nước của nhân dân. Theo cảm nhận của nhà thơ thì “Đất nước” là không gian vô cùng gần gũi thân thương, là một cõi đầy thơ mộng và ngọt ngào gắn với bao kỉ niệm của tình yêu lứa đôi. Tư tưởng đất nước của nhân dân cũng vì thế mà bắt nguồn từ những tình cảm bình dị đời thường:

“Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất nước là nơi ta hò hẹn

Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”

Đoạn thơ đã được viết bằng lối tư duy vừa giàu chất trữ tình thơ ca, lại mang tính huyền thoại thấm đượm dư vị triết học. Khi nó riêng về từng chủ thể thì Đất nước cũng tách riêng thành hai chữ. Nhưng khi ta hò hẹn thì đất nước lại thành một thể thống nhất. Như vậy, Đất và Nước hòa hợp cùng với tình yêu và trong tình yêu của con người. Khi em nhớ anh thì cả đất nước cũng sống trong nỗi nhớ thầm. Đây là những vần thơ đẹp mà trong đó tình yêu đôi lứa đã gắn kết và hòa hợp làm một với tình yêu đất nước.

Đất nước là không gian sinh tồn của cộng đồng người Việt qua các thế hệ được tạo lập từ thuở sơ khai với truyền thuyết:

“Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”

Đất nước trở thành sự sống máu thịt vô cùng thiêng liêng đối với mỗi người tuy chỉ có một phần nhưng đó là linh hồn là sự sống của Đất Nước. Cho nên xây dựng bảo vệ và hi sinh vì Đất Nước là vai trò trách nhiệm cao cả của chúng ta bởi Đất Nước này là Đất Nước của nhân dân. Tác giả đã có cái nhìn thật mới mẻ về vẻ đẹp của Đất Nước, Tổ Quốc gắn với những con người bình dị vô danh.

Tư tưởng đất nước của nhân dân qua chiều dài lịch sử

“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha”

Đoạn trích có cái nhìn rất sâu về bốn nghìn năm trong quá trình dựng xây Đất Nước. Tuy nhiên, đó không phải là thời gian lịch sử xác định mà là thứ tác giả ảo diệu mơ hồ “ngày xửa, ngày xưa” gắn với sự trường tồn của Đất Nước cũng như là sức sống mãnh liệt của nhân dân. Nguyễn Khoa Điềm khẳng định lại sự oanh liệt của các triều đại như Nguyễn Trãi đã từng viết “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập…”. Ta bỗng nhớ đến những vần thơ của Chế Lan Viên

“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,

Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc

Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng…”

Cứ thế, tư tưởng đất nước của nhân dân còn là hình ảnh về đất nước lớn lên trong tình yêu, trong phạm vi đôi lứa lẫn cộng đồng. Tư duy của Nguyễn Khoa Điềm cứ mở rộng mãi để bao quát sự sinh thành và mở mang của đất nước.

“Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc

Nước là nơi con cá ngư ông mong nước biển khơi.

Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ

Đất là nơi chim về

Nước là nơi rồng ở

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”

Song song với quá trình hình thành đất và nước để tạo thành địa bàn cư trú của người Việt suốt mấy nghìn năm qua là sự sinh sôi của các địa danh. Đằng sau mỗi tên đất, tên rừng, tên sông là mỗi một cuộc đời, mỗi một kì tích, một huyền thoại. Nhà thơ đã dựng lên cả diện mạo non sông chỉ qua những câu thơ bình dị với sự xuất hiện của những địa danh nổi bật. Mỗi địa danh ấy đều làm rung động trong tâm linh của con người: Đó là hình ảnh về núi bút non nghiên, hòn trống mái, vọng phu, đó là vịnh Hạ Long, bà đen, bà Điểm….Mỗi địa danh đều là cuộc đời. Mỗi cuộc đời lại như hóa thân thành sông núi. Điều đó đã cho thấy chính nhân dân đã gây dựng, đã mở mang và gìn giữ đất nước này.

Tư tưởng đất nước của nhân dân không chỉ là một đất nước cần có lãnh thổ, mà còn phải có bề dày lịch sử. Theo dòng lịch sử, nhà thơ đã ghi lại những chiến công, những tên tuổi hiển hách vang dội. Họ là những con người lớn lên từ đất nước, cầm tay ngọn đuốc sự sống của dân tộc Việt.

“Nhưng em biết không

Có biết bao người con gái con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra đất nước”

Cứ như thế, sự sống của đất nước được duy trì, được gìn giữ và phát triển bởi vô số những con người vô danh. Tư tưởng đất nước của nhân dân trong chiều dài lịch sử còn được thể hiện ở những câu thơ bình dị:

“Họ truyền lửa qua mỗi nhà từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói….”

Từ những phát hiện ấy, nhà thơ đã đi tới một nhận thức khái quát sâu xa:

“Ôi đất nước bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”.

Tư tưởng Đất nước của nhân dân qua bề sâu văn hóa dân tộc

Cũng như trên các bình diện trên, ở đây khi điểm về bề sâu văn hóa của dân tộc, nhà thơ đã không nhắc đến những công trình nổi tiếng như chùa Một Cột, chùa Bút Tháp, cũng không nhắc đến những công trình điêu khắc như tượng các vị la hán chùa Tây Phương như trong các tác phẩm truyện Kiều, Chinh phụ ngâm…Đó đều là những công trình tiêu biểu cho nền văn hóa Việt Nam. Bởi đây chính là những kiệt tác hữu danh của non sông đất nước.

Trong tác phẩm, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại quan tâm đến văn hóa vô hình, thứ văn hoa bình dị quen thuộc. Tư tưởng đất nước của nhân dân được khám phá từ những câu chuyện cổ tích, từ một câu ca dao nơi thôn quê. Đất nước từ cái kèo, cái cột, từ dư vị khó quên của gừng cay muối mặn mộc mạc.

Tư tưởng đất nước của nhân dân còn được nhà thơ khám phá từ hạt gạo đã nuôi sống biết bao thế hệ, từ những dãi dầu mưa năng, từ hình ảnh búi tóc sau đầu… Như vậy, tư tưởng đất nước của nhân dân không phải ở đâu xa xôi mà là ở quanh ta, ngay trong những gì đơn sơ thân thuộc nhất.

Trong những vần thơ sâu sắc ẩy nổi bật lên là chất triết lý trong giọng điệu mộc mạc “Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”. Câu thơ dường như là một sự phi lý? Bởi đất nước là khái niệm thiêng liêng lớn lao lại nằm trong miếng trầu ấy? Chúng ta cùng nhà thơ đi tìm sự khởi thủy của một đất nước, là việc ngược dòng thời gian trở về với ngọn nguồn xa xưa. Cái sự phi logic kia chỉ là hình thức của câu thơ bởi tác giả đã mượn sự phi lý để chứa đựng một điều hợp lý. Đó là đất nước dù lớn lao đến đâu cũng đều bắt đầu từ những điều nhỏ nhoi. Thì ra, mỗi miếng trầu kia đều mang nó một phần đất nước. Vì thế, cái hiện diện của hôm nay, của bây giờ, đằng sau nó chứa đựng cả một chiều dài lịch sử.

Những câu thơ là sự phát hiện bất ngờ khiến người đọc không khỏi ngỡ ngàng về tư tưởng đất nước của nhân dân. Đó không chỉ là sản phẩm của một tư duy sắc sảo mà còn là kết quả từ tình yêu đất nước sâu nặng của nhà thơ. Nếu không có sự trân trọng với những gì mà tổ tiên đã chắt chiu suốt mấy nghìn năm qua thì tác giả không thể có được những câu thơ làm rung động trái tim người Việt như vậy.

Xem thêm >>> Cảm nhận 9 câu đầu bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm 

Nhận xét về tư tưởng đất nước của nhân dân trong bài thơ

Toàn bộ bài thơ được biết bằng hình thức một cuộc tâm tình. Đó là hình ảnh về đôi trai gái hẹn hò tâm sự, nhưng khi riêng tư nhất thì họ lại nói về đất nước. Đất nước đã trở thành mối quan tâm của mỗi người, của mỗi đôi lứa, nhất là trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ khi nước ta trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Như vậy, nhà thơ đã biến một vấn đề chính trị thành một câu chuyện tâm tình. Có lẽ cũng bởi vì thế mà tính truyền cảm của bài thơ đã trở nên mạnh mẽ hơn.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm với tư tưởng đất nước của nhân dân đã phát huy bằng tư duy độc đáo. Đó là lối tư duy nghiêng về suy ngẫm, thâm trầm và sâu lắng. Mỗi một lời thơ như kết tinh bao suy tư của tác giả, khiến người đọc cũng cần suy ngẫm cùng mới có thể thấu hiểu được những tư tưởng giản dị mà hàm súc ấy.

Chính nhờ sự suy tư thâm trầm ấy tư tưởng đất nước của nhân dân mà nhà thơ đã phát hiện ra:

“Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần đất nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm.

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất nước vẹn tròn, to lớn”.

Những phát hiện dung dị, chân phương mà đầy sâu sắc của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong tư tưởng đất nước của nhân dân khiến ta nhớ đến những vần thơ của Thanh Thảo:

“Và như thế nhân dân thường ít nói

Như mẹ tôi lặng lẽ suốt đời

Và như thế nhân dân cao vời vợi

Hơn cả những ngôi sao cô độc giữa đời…”

(Thanh Thảo – Những người đi tới biển)

Như vậy, tư tưởng đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại đã được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện một cách bình dị, sâu sắc mà đầy chất triết lý trong tác phẩm. Với thi liệu dân gian đậm đà chất thơ, được kết hợp với những suy nghĩ giàu chất trí tuệ sẽ khiến cho Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm sẽ mãi lưu dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc như một bài ca không bao giờ quên. Và tác giả cũng đã góp phần làm phong phú hơn tư tưởng đất nước của nhân dân trong thơ ca thời kỳ chống Mỹ.

Xem thêm >>> Phân tích 9 câu đầu bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

Xem thêm nhiều bài viết hay về Hỏi Đáp Văn Học

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post