Chia sẻ những tip thiết thực

Phân tích luận đề chính nghĩa trong đoạn đầu Bình Ngô đại cáo

0
Để hiểu được tư tưởng chính nghĩa của Nguyễn Trãi, chúng ta hãy cùng tìm hiểu bài viết Phân tích luận đề chính nghĩa trong đoạn đầu Bình Ngô đại cáo hôm nay. Bài viết sẽ cho chúng ta hiểu rõ khái niệm nhân nghĩa, tư tưởng mà Nguyễn Trãi khẳng định cũng như những tội ác của quân Minh khi xâm lược đất nước Đại Việt ta.

Đề bài: Phân tích luận đề chính nghĩa trong đoạn đầu Bình Ngô đại cáo

Mục lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

phan tich luan de chinh nghia trong doan dau binh ngo dai cao

Phân tích luận đề chính nghĩa trong đoạn đầu Bình Ngô đại cáo

I. Dàn ý Phân tích luận đề chính nghĩa trong đoạn đầu Bình Ngô đại cáo (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Nguyễn Trãi là một danh nhân văn hoá, nhà quân sự, nhà thơ tài năng.
– Tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” của ông được coi là bản tuyên ngôn độc lập.
– Đoạn đầu của tác phẩm là luận đề chính nghĩa mà Nguyễn Trãi muốn truyền đạt.

2. Thân bài:

a. Hoàn cảnh sáng tác:

– Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lệnh cho Nguyễn Trãi viết để công bố với toàn dân.
– Được viết và công bố vào tháng Chạp năm 1428.

b. Luận đề chính nghĩa:

– Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi (2 câu đầu):
+ “Nhân nghĩa”: mối quan hệ tốt đẹp giữa con người trên cơ sở đạo lí và tình thương, là truyền thống của Nho giáo, lời dạy của thánh hiền.
+ “Nhân nghĩa” trong tư tưởng của Nguyễn Trãi: tức là phải “yên dân”, dẹp loạn, đánh tan quân thù – “trừ bạo” để nhân dân hưởng no ấm, hạnh phúc.
+ Tư tưởng này đã theo Nguyễn Trãi suốt cuộc đời.

– Chân lí về sự tồn tại độc lập của đất nước Đại Việt (8 câu tiếp):
+ Khẳng định sự độc lập trên mọi phương diện như: lãnh thổ, văn hiến, phong tục, hiền tài,…
+ Đại Việt ta có nền văn hiến lâu đời, có chủ quyền lãnh thổ riêng, phong tục khác với phương Bắc.
+ Tác giả liệt kê các triều đại Việt Nam đối sánh với các triều đại Trung Quốc: cho thấy vị thế của Đại Việt trong chiều dài lịch sử.
+ Từ “xưng đế”: Đại Việt cũng có “đế” chứ không phải “vương”: vị thế của Đại Việt cũng sánh ngang với Trung Quốc.
+ “Hào kiệt”: anh hùng của đất nước ta đời nào cũng có: lời răn đe của Nguyễn Trãi dành cho quân thù.
+ Tác giả sử dụng một loạt những từ ngữ mang tính hiển nhiên “từ trước”, “đã lâu”, “bao đời” nhằm khẳng định chân lí tồn tại của Đại Việt.

– Kết cục thảm bại của quân thù khi xâm phạm chủ quyền Đại Việt (6 câu cuối):
+ Nêu ra một loạt những thảm bại của quân đội phương Bắc trước Đại Việt trong suốt chiều dài lịch sử: từ Lưu Cung thời Ngô Quyền, Triệu Tiết thời Lý Thường Kiệt,…
+ Mỗi câu thơ lại tăng dần cấp độ: khẳng định sự oanh liệt của quân và dân ta, sự thất bại nặng nề của quân giặc cũng như thể hiện sự căm ghét đối với quân thù.
+ Giọng điệu uy nghiêm, mạnh mẽ thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

c. Giá trị nội dung và nghệ thuật:

– Nội dung:
+ Thể hiện tư tưởng chính nghĩa của Nguyễn Trãi.
+ Khẳng định chân lí về độc lập chủ quyền của Đại Việt.
+ Kết cục thảm bại của quân thù khi xâm lược Đại Việt.
+ Cả tác phẩm là lời tố cáo tội ác kẻ thù cũng như ca ngợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

– Nghệ thuật:
+ Giọng văn chính luận pha lẫn với cảm hứng trữ tình.
+ Lời văn hào hùng, đanh thép.
+ Luận cứ chắc chắn, sắc bén.

3. Kết bài:

– Tư tưởng chính nghĩa của Nguyễn Trãi là một tư tưởng đúng đắn, sâu sắc.

II. Bài văn mẫu Phân tích luận đề chính nghĩa trong đoạn đầu Bình Ngô đại cáo (Chuẩn)

Nguyễn Trãi là một danh nhân văn hóa lỗi lạc, nhà quân sự tài ba và là một nhà thơ thiên phú với những tác phẩm để đời. Trong đó tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” của ông được coi như một bản tuyên ngôn độc lập của nước ta. Đoạn đầu tiên của “Bình Ngô đại cáo” được Nguyễn Trãi viết trong niềm tự hào, tự tôn dân tộc, vừa thể hiện những tư tưởng, những luận để chính nghĩa mà ông muốn truyền đạt tới nhân dân cũng vừa là lời răn đe kẻ thù xâm lược phương Bắc.

“Bình Ngô đại cáo” là tác phẩm chính luận hết sức xuất sắc và tài tình của Nguyễn Trãi. Bài thơ được viết năm 1428, sau khi quân ta đại thắng, tiêu diệt 15 vạn quân xâm lược phương Bắc. Nguyễn Trãi đã thừa lệnh của vua Lê Thái Tổ soạn ra bài cáo này để công bố với toàn thể quốc gia về việc dẹp yên được quân Minh xâm lược. Bài cáo này của Nguyễn Trãi mang những đặc trưng cơ bản của thể cáo cũng như mang những nét sáng tạo riêng của nhà thơ. Nó là áng “thiên cổ hùng văn” tố cáo mạnh mẽ tội ác của quân xâm lược đồng thời hết lời ca ngợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành độc lập về tay dân tộc ta. Trong đoạn đầu của tác phẩm, ta có thể thấy ở đó là những luận đề chính nghĩa mà Nguyễn Trãi nêu ra bao gồm: tư tưởng nhân nghĩa, chân lí về sự tồn tại độc lập của nước Đại Việt ta cũng như kết cục thảm bại của quân thù xâm lược Đại Việt.

Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Trãi đã ngay lập tức khẳng định tư tưởng nhân nghĩa nung nấu trong lòng ông, là một chân lí muôn đời, là nền tảng và tiền đề lí luận cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.”

“Nhân nghĩa” được hiểu là mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người được tạo lập trên cơ sở đạo lí và tình yêu thương. Đây là một tư tưởng truyền thống của Nho giáo và được thánh hiền dạy bảo từ xa xưa: “Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu”. Nguyễn Trãi đã vận dụng lời lẽ của thánh hiền để làm chỗ dựa cho tư tưởng của mình. Đặt tư tưởng ấy trong hoàn cảnh khi nước ta đang bị giặc Minh giày xéo thì “nhân nghĩa” tức là “yên dân”, tức là thương dân, mong muốn cho con dân được hưởng thái bình, no ấm. Vậy mà triều Minh đem quân xâm lược nước ta, đó là một điều trái với đạo nghĩa thông thường, là một điều bao ngược. Vậy nên để đem được “nhân nghĩa” tới với nhân dân thì phải trừng trị, phải đánh đuổi lũ giặc Minh bạo tàn, trừ hại cho dân, đúng với câu nói của Khổng Tử rằng: “Đánh kẻ có tội, cứu vớt nhân dân là thánh nhân làm việc đại nghĩa”. Tư tưởng nhân nghĩa này của ông đã đi theo ông, trở thành mục tiêu suốt đời của Nguyễn Trãi.

Không chỉ nêu ra tư tưởng nhân nghĩa, Nguyễn Trãi còn khẳng định chân lí về sự tồn tại độc lập của nước Đại Việt ta, rằng:

“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương,
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có.”

Nếu như trước kia, Lý Thường Kiệt cũng đã khẳng định chân lí độc lập của dân tộc bằng bài thơ “Nam quốc sơn hà” thì nay, Nguyễn Trãi lại một lần nữa khẳng định chân lí độc lập muôn đời của đất nước ta. Ông đã nêu ra các phương diện khẳng định chủ quyền của một quốc gia như: nền văn hiến, lãnh thổ, phong tục, nhà nước, nhân tài,… Và tất cả các phương diện đó đều đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử dân tộc Đại Việt, thấm đẫm văn hoá cũng như những dấu ấn riêng của đất nước ta. Không chỉ là “bờ cõi” đã được chia sẵn, rõ ràng mà còn là những khác biệt về “phong tục”, “văn hiến” cũng không thể hoà lẫn. Có thể lịch sử hình thành của Đại Việt không có chiều dài như phương Bắc, thế nhưng sánh cùng với “Hán, Đường, Tống, Nguyên” thì Đại Việt cũng không hề kém cạnh với các triều đại “Triệu, Đinh, Lí, Trần”. Đời nào, triều nào thì Đại Việt và Trung Hoa cũng luôn tồn tại song song, cũng có những anh hùng hào kiệt lưu danh muôn thuở. Nguyễn Trãi đã liệt kê một loạt các triều đại của nước ta song song với các triều đại của Trung Quốc để nhấn mạnh vị thế của Đại Việt cũng không hề yếu hơn so với đất nước phương bắc rộng lớn. Đất nước ta ngay từ khi khai quốc đã tự trị, có nền độc lập chủ quyền không thể chối bỏ. Mỗi nước đều có “đế” – hoàng đế của riêng mình chứ Đại Việt không phải “vương”, không phải là chư hầu của “thiên triều” phương Bắc. Hơn thế, nhân tài “hào kiệt” – anh hùng của đất nước ta cũng không hề thiếu – “đời nào cũng có”. Bởi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, có nhân tài thì ắt hẳn quốc gia ấy sẽ vững mạnh, lâu bền! Đó cũng là lời răn đe cho bất cứ kẻ nào có tham vọng xâm chiếm Đại Việt. Trong lời khẳng định chân lí về sự tồn tại độc lập của Đại Việt, để tăng tính thuyết phục, ông cũng luôn sử dụng những từ ngữ mang tính hiển nhiên như “từ trước”, “đã lâu”, “đã chia”, “cũng có”, “bao đời”,… xuyên suốt cả đoạn thơ dài.

Chân lí về sự tồn tại độc lập có chủ quyền của dân tộc ta đã được minh chứng qua lịch sử, thể hiện qua kết cục thảm bại của quân thù khi xâm lược Đại Việt. Lời răn đe của Nguyễn Trãi càng trở nên mạnh mẽ hơn khi ông nêu ra một loạt những chiến bại trong lịch sử mà quân đội phương Bắc đã gặp khi cố gắng xâm chiếm chủ quyền Đại Việt:

“Vậy nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong,
Cửa Hàm tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét,
Chứng cớ còn ghi.”

Đoạn thơ này đã cho chúng ta thấy được những chiến công oanh liệt của quân và dân ta suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc. Từ “Lưu Cung” và con trai là Hoằng Tháo thảm bại dưới tay Ngô Quyền khi đem quân hòng xâm lược nước ta, đến “Triệu Tiết” bị Lý Thường Kiệt đánh cho tan tác,… rồi Toa Đô bị bắt sống ở cửa Hàm Tử, Ô Mã bị giết tươi tại sông Bạch Đằng. Lời văn mạnh mẽ, uy nghiêm, dẫn chứng xác đáng, rõ ràng, hào hùng thể hiện một niềm tự hào, tự tôn mãnh liệt. Càng những câu về cuối, người ta càng thấy được những chiến công oanh liệt của nhân dân Đại Việt ta, sự thảm bại nặng nề của quân đội phương Bắc cùng với sự xem thường, căm ghét đối với quân xâm lược. Tất cả chúng chỉ có một kết thúc là sự thảm bại dưới tay dân tộc ta.

Đoạn đầu của “Đại cáo Bình Ngô” không chỉ khẳng định tư tưởng nhân nghĩa của nguyễn Trãi, nêu lên chân lí của sự tồn tại độc lập của đất nước Đại Việt mà còn là kết cục thảm bại của kẻ thù xâm lược trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta. Cả tác phẩm là lời tố cáo đanh thép tội ác của quân xâm lăng cũng như ca ngợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nó xứng đáng trở thành bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc ta từ những năm 1428, là áng “thiên cổ hùng văn” còn mãi những giá trị sâu sắc cho muôn đời sau. Về mặt nghệ thuật, Nguyễn Trãi đã kết hợp cả yếu tố chính luận cũng như cảm hứng trữ tình sâu sắc. Những luận cứ được đưa ra chắc chắn, lập luận sắc bén, lời văn đanh thép, hùng hồn đã góp phần thể hiện rõ luận đề chính nghĩa.

Đoạn đầu của “Bình Ngô đại cáo” đã cho chúng ta thấy được luận đề nhân nghĩa – tư tưởng mà Nguyễn Trãi theo đuổi cả đời. Nó cũng chứng minh được tài năng thơ ca chính luận của ông – một danh nhân văn hoá thế giới. Đoạn thơ cũng mang lại nguồn cảm hứng bất tận về độc lập, chủ quyền dân tộc tới các thế hệ sau.

——————HẾT——————–

https://tip.edu.vn/phan-tich-luan-de-chinh-nghia-trong-doan-dau-binh-ngo-dai-cao-69158n
“Bình Ngô đại cáo” được coi như một áng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc ta. Vậy hãy cùng tìm hiểu về tác phẩm thông qua các bài viết như: Thuyết minh Bình Ngô đại cáo, Phân tích hình tượng của chủ tướng Lê Lợi trong Đại cáo Bình Ngô, Phân tích tinh thần yêu nước trong Bình Ngô đại cáo, Phân tích nghệ thuật lập luận trong bản Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi.

Xem thêm nhiều bài viết hay về Hỏi Đáp Văn Học

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post
Leave a comment