Chia sẻ những tip thiết thực

Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Cảm nhận và phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân để thấy tác phẩm chính là quan niệm về cái đẹp, về giá trị chân thiện mĩ giữa cuộc đời. Bước ra từ tác phẩm Chữ người tử tù, Huấn cao – nhân vật mà Nguyễn Tuân đã gửi gắm biết bao quan niệm sâu sắc, đã tạc vào lòng người một hình tượng không thể quên và mãi vang vọng đến mai sau.

Mở bài: Viết “Chữ người tử tù”, đặc biệt thông qua việc xây dựng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã thể hiện sự ca ngợi, trân trọng của mình đối với những con người vẫn giữ được thiên lương cao đẹp dù rơi vào trong hoàn cảnh khốn cùng, nghiệt ngã. Đây có thể nói là nhân vật đại diện cho lý tưởng, hoài bão ước mơ cũng như nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Hình tượng nhân vật Huấn Cao mang một vẻ đẹp hào hoa, một lý tưởng cao đẹp…

Những nét chính về nhà văn Nguyễn Tuân 

Để tìm hiểu về Chữ người tử tù, giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm cũng như phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao, người đọc cần nắm được những nét chính về tác giả cũng như tác phẩm. 

Tóm tắt đôi nét về Nguyễn Tuân 

Nguyễn Tuân, sinh năm 1910 và mất năm 1987, ông có xuất thân trong một gia đình nhà Nho vào thời buổi nền Hán học suy tàn ở Hà Nội. Tuổi thơ của ông được tạo nên bởi những tháng ngày đi theo gia đình sinh sống ở nhiều tỉnh miền Trung. Nguyễn Tuân được tạo điều kiện học tập đến cuối bậc thành chung (bậc học này ngày xưa tương đương với cấp trung học cơ sở hiện nay) ở Nam Định. 

Sau đó, ông bắt đầu bén duyên với công việc viết văn, làm báo ở Hà Nội. Cũng như vô số những nhà văn, nhà thơ yêu nước muốn đóng góp sức mình vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Nguyễn Tuân đã dùng ngòi bút của mình để phục vụ cho hai cuộc kháng chiến của dân tộc, nhiệt huyết dành cho nghiệp viết trở nên dồi dào hơn cả kể từ thời điểm cách mạng tháng Tám thành công. 

Chất lượng của những tác phẩm đã giúp tác giả xây dựng được uy tín trên văn đàn. Thế nên, từ năm 1948 – 1958, Nguyễn Tuân được giao đảm nhiệm chức Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam. Trong những tác phẩm của mình, Nguyễn Tuân đã cố gắng thúc đẩy thể tùy bút, bút kí văn học phát triển đến trình độ nghệ thuật cao. 

Bên cạnh đó, ông còn thể hiện tài năng về việc vận dụng rất phong phú và linh hoạt vốn ngôn ngữ văn học dân tộc. Những thành tựu trong sáng tác còn giúp nhà văn được vinh danh ở giải thưởng rất danh giá của nước ta, đó là Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ông cũng là một trong số ít những nhà văn, nhà thơ được nhận giải thưởng cao quý này ở đợt trao đầu tiên vào năm 1996.

Tên tuổi Nguyễn Tuân được ghi dấu qua rất nhiều những tác phẩm tiêu biểu. Có thể kể đến một số sáng tác đã để lại ấn tượng trong lòng người đọc như: “Một chuyến đi” (1938), “Vang bóng một thời” (1940), “Thiếu quê hương” (1940), “Chiếc lư đồng mắt cua” (1941)… Nguyễn Tuân đã có cơ hội thử sức mình ở nhiều thể loại : thơ, bút kí, truyện ngắn hiện thực trào phúng và đến cuối cùng ông đã nhận ra sở trường của mình là tùy bút và dành tâm huyết để thể hiện thành công nhất có thể ở thể loại này.

Giới thiệu tác phẩm Chữ người tử từ 

Truyện ngắn “Chữ người tử tù” được trích từ tập truyện “Vang bóng một thời” (1940). Ban đầu, truyện có tên là “Dòng chữ cuối cùng”, in năm 1938 trên tạp chí Tao Đàn và sau đó được tuyển chọn in trong tập “Vang bóng một thời” và đổi tên thành “Chữ người tử tù”. Viết trong giai đoạn trước cách mạng tháng Tám và “Vang bóng một thời” chính là tập truyện mang đặc trưng cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. 

Truyện được xây dựng với một tình huống đặc biệt. Đó là cuộc gặp gỡ trong hoàn cảnh đầy éo le giữa hai con người: một là người tử tù Huấn Cao có biệt tài viết chữ đẹp và khí phách hiên ngang, còn người kia là viên quản ngục nhưng lại có tấm lòng trân trọng nghệ thuật và đề cao cái đẹp. 

Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao, ta thấy cũng bởi chính vì tấm lòng đáng quý đó của viên quản ngục mà ông đã đồng ý cho chữ như mong muốn của ông. Vậy là trong buồng giam chật hẹp, dơ bẩn, cảnh cho chữ đã diễn ra và tạo nên trong lòng viên quản ngục một sự xúc động thấm thía. Đây cũng là cảnh kết thúc của truyện.

Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù 

Hình tượng nhân vật Huấn Cao hiện lên là con người vô cùng tài hoa nghệ sĩ, là người anh hùng có khí phách hiên ngang bất khuất, đồng thời cũng là con người có thiên lương trong sáng…

Hình tượng nhân vật Huấn Cao là con người tài hoa nghệ sĩ

Hình tượng nhân vật Huấn Cao được Nguyễn Tuân tạo dựng trong hoàn cảnh của một người anh hùng thất thế. Ông đảm nhiệm vai trò là một người thủ lĩnh lãnh đạo đội quân bị cho là “phản nghịch” vì đã chống lại triều đình. Ông bị buộc tội và bị kết án tử, sau đó ông phải chịu cảnh giam cầm và chờ ngày thi hành phán quyết. Trong hoàn cảnh ngục tù ấy, Huấn Cao đã tỏ rõ chất tài hoa nghệ sĩ của mình.

Theo lời của viên quan coi ngục, trong cuộc đối thoại với thầy thơ lại, khi nhận được tin sẽ quản một tù nhân có tên là Huấn Cao, viên quan đã nhận ra ngay đó là người mà “vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”. Và sau khi nghe viên quản ngục nói về tài bẻ khóa và vượt ngục của Huấn Cao, thầy thơ lại cũng thắng thắn cho rằng Huấn Cao đúng là người “văn võ đều có tài”

Thầy thơ còn bày tỏ niềm tiếc nuối rất đỗi chân thành: “giả thử tôi là đao phủ, phải chém những người như vậy, tôi nghĩ mà thấy tiêng tiếc”. Có thể thấy, ngay từ khi nghe danh, cả viên quan coi ngục và thầy thơ lại đều đã thể hiện sự trân trọng với tài năng Huấn Cao vì lẽ thường, những người cai quản ngục tù như họ sẽ suy xét đến tội lỗi, án phạt của tù nhân thay vì công nhận và bận tâm đến tài năng của người đó. 

Chính sự coi trọng này đã khiến người giữ ngục rất cẩn trọng khi giam giữ Huấn Cao, thậm chí còn dặn ngục tốt “quét dọn lại cái buồng trong cùng”. Cách đối xử của ông với Huấn Cao rõ ràng rất khác với những tù nhân thông thường và trong tác phẩm, đã có lúc Nguyễn Tuân đã nói lên cái sở nguyện của viên quan coi ngục là “một ngày kia được treo ở nhà riêng mình đôi câu đối do ông Huấn Cao viết”

Ông còn hết lời ngợi ca: “Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm”“có được chữ ông Huấn làm treo là có một báu vật trên đời”. Khi sở nguyện của viên quan coi ngục được Huấn Cao chấp thuận, trong cảnh Huấn Cao cho chữ, cách ông “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng” còn thầy thơ lại thì “run run bưng chậu mực” đã làm toát lên thái độ trân trọng cái đẹp của họ và cho thấy sự công nhận của họ đối với chất tài hoa nghệ sĩ của Huấn Cao.

hình tượng nhân vật huấn cao trong tác phẩm chữ người tử tù
Hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù

Phân tích nhân vật Huấn Cao là con người có khí phách hiên ngang, bất khuất

Không chỉ là một người tài hoa nghệ sĩ, Huấn Cao còn là hiện thân của một con người có khí phách hiên ngang, bất khuất và không chịu khuất phục trước uy quyền. Khí phách ấy đã được thể hiện qua sự gan góc của con người Huấn Cao trong vai trò là người đứng đầu cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình phong kiến thối nát. 

Tuy nhiên bước vào nhà giam với trọng tội phản nghịch và bị kết án tử hình, người tử tù ấy vẫn giữ thái độ bình thản và ung dung. Chẳng những không tỏ ra một chút sợ sệt nào khi phải bước vào cửa ngục, ông còn thản nhiên nói với các bạn đồng chí: “Rệp cắn tôi, đỏ cả cổ lên rồi. Phải dỗ gông đi”

Khi phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao, ta thấy trước lời giễu cợt của tên lính khi hắn cho là Huấn Cao và những người tù khác đang tập làm trò và dọa nạt rằng: “đứng dậy không ông lại phết cho mấy hèo bây giờ”, Huấn Cao không hề e ngại mà còn tỏ thái độ cao ngạo và xem thường. Thái độ đó đã được thể hiện trong chi tiết: “Huấn Cao, lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”.

Huấn Cao cũng không hề dè chừng trước viên quản ngục khi rõ ràng trong hoàn cảnh chốn ngục tù, viên quản ngục là người đứng ở vị thế cao hơn. Khi ngục quan bày tỏ thiện ý, Huấn Cao “vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, và coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm”. Đến khi trực tiếp gặp ngục quan, dù ngục quan chỉ muốn dặn dò ông giữ kín chuyện được biệt đãi và cần gì thì cứ nói rõ để lo chu toàn hơn.

Ông đã thẳng thừng tỏ ý khinh bạc, miệt thị: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây.” Biểu hiện đó rất phù hợp với một con người có tính cách “chọc trời quấy nước” như Huấn Cao bởi đến cảnh chết chém, ông còn không sợ thì uy quyền của viên quản ngục, ông cũng chẳng màng.

Phút thi hành án cận kề, tính cách hiên ngang nơi Huấn Cao vẫn không hề suy chuyển. Trong khi ngày mai đã lãnh án, trong khi “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” nhưng ông vẫn bình thản “dậm tô nét chữ” và còn chân thành giáo huấn ngục quan. Rõ ràng, đó là khí phách không thể lẫn vào đâu của một trang anh hùng mạnh mẽ và có tinh thần sắt đá, vững vàng chứ không hề nao núng trước án tử mà mình đang mang.

Hình tượng nhân vật Huấn Cao với thiên lương trong sáng

Khi cảm nhận hình tượng nhân vật Huấn Cao , ta nhận thấy nổi bật hơn cả ở con người tử tù ấy là một thiên lương trong sáng. Ông không bao giờ vì tiền bạc hay uy quyền mà cho chữ, mà bán rẻ giá trị của mình, ông chỉ cho chữ những người tri kỉ. Điều đó đã được ông nói rất rõ ràng, rành mạch: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình đi viết câu đối bao giờ” hay “Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta mà thôi”

Thế nên, khi cảm nhận được tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” và sở thích cao quý của thầy Quản, Huấn Cao đã nhận về mình sự thiếu sót: “Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Không chỉ có ý thức rất cao trong việc giữ gìn, quý trọng thiên lương, phẩm chất của mình, Huấn Cao còn ân cần khuyến thiện viên quản ngục với những lời rất chân tình: 

“Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”

Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao, người đọc cũng nhận thấy ông rất cảm kích việc viên quản ngục trân trọng nghệ thuật viết chữ, có lẽ Huấn Cao nghĩ rằng phải là một con người có sẵn sự nhạy cảm trong tâm hồn thì mới rung động trước cái đẹp như vậy. Do đó, Huấn Cao mong viên quản ngục tìm được một môi trường phù hợp để gìn giữ nét đẹp đó của mình: 

“Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện cho chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi”

Cảnh cho chữ với những lời nói của Huấn Cao là cảnh có ý nghĩa vô cùng sâu sắc vì Huấn Cao không chỉ tặng chữ, để lại cái đẹp về nghệ thuật cho đời mà còn trao truyền lí tưởng và khuyến khích sự lương thiện của con người. Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao thì mới thấy đó thật là đáng trân trọng và cần được nêu gương muôn đời.

Nhận xét tác phẩm khi phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao

Thông qua “Chữ người tử tù”, nổi bật lên là hình tượng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã gửi gắm những quan niệm về cái đẹp, đồng thời cũng khẳng định sức mạnh và sự bất tử của cái đẹp ấy dù có ở trong hoàn cảnh tối tăm, nghiệt ngã. Tất cả những quan niệm đó của nhà văn đã được chuyển tải thành công chính là nhờ vào tài năng của tác giả trong việc xây dựng nhân vật Huấn Cao đầy tâm huyết. Cùng với đó, cách tạo dựng tình huống truyện độc đáo, vận dụng khéo léo thủ pháp đối lập tương phản và cách sử dụng ngôn ngữ mang sắc thái cổ kính tạo được không khí cổ xưa đã mang lại sức hấp dẫn và ấn tượng cho người đọc khi được tiếp cận tác phẩm này.

“… văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức” (Vũ Ngọc Phan). Có thể thấy, khi tìm hiểu hình tượng nhân vật Huấn Cao cũng như phân tích tác phẩm Chữ người tử tù, ta nhận ra một người anh hùng có thiên lương trong sáng, một tài năng khí phách mang trọn vẹn cả cái tâm và cái tài. Qua từng nét bút phác họa của Nguyễn Tuân, hình tượng nhân vật Huấn Cao hiện lên vô cùng oai phong và đĩnh đạc với những phẩm chất đáng quý. 

Kết bài: Tóm lại, với “Chữ người tử tù” và nhất là thông qua cách xây dựng hình tượng Huấn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của khí phách, tài hoa và thiên lương của một đấng anh hùng. Đồng thời, nhân vật này cũng chính là phương tiện giúp tác giả chuyển tải quan điểm thẩm mĩ tiến bộ, đó là: tài và tâm, cái đẹp và cái thiện lúc nào cũng cần được song hành để tạo nên ý nghĩa cho cuộc đời.

Dàn ý phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm

Để giúp các bạn có thể nắm được cách triển khai nội dung trong chủ đề hình tượng nhân vật Huấn Cao, dưới đây Tip.edu.vn sẽ giúp bạn lập dàn ý phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao. 

Mở bài phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao 

  • Đề cập đến tác giả Nguyễn Tuân cùng tác phẩm nổi tiếng Chữ người tử tù. 
  • Giới thiệu hình tượng nhân vật Huấn Cao trở thành quan niệm, phong cách sáng tác của nhà văn. 

Thân bài phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao 

  • Nêu những khái quát chung về tác phẩm Chữ người tử tù: xuất xứ, chủ đề, hoàn cảnh nhân vật…
  • Huấn Cao là nhân vật vô cùng tài hoa và nghệ sĩ.
  • Hình tượng nhân vật Huấn Cao hiện lên là người có khí phách anh hùng. 
  • Hình tượng Huấn Cao trong Chữ người tử tù là người có thiên lương trong sáng. 

Kết bài phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao 

  • Trình bày những đánh giá và đóng góp về hình tượng nhân vật Huấn Cao: Tác giả đã bộc lộ quan niệm tiến bộ về cái đẹp, cụ thể như: Cái đẹp là bất diệt, cái tài đi đôi với cái tâm, cái đẹp và cái thiện không thể tách rời nhau…
  • Mở rộng vấn đề và cho thấy tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
  • Nhà văn đã cho thấy sự trân trọng với những giá trị tinh thần của dân tộc. Điều này cũng thể hiện tình yêu nước sâu đậm của tác giả. 
  • Nêu một số suy nghĩ của bản thân về hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù.

Như vậy, thành công trong tác phẩm “Chữ người tử tù” là việc xây dựng hình tượng nhân vật Huấn Cao – một con người tài hoa nghệ sĩ, lại có khí phách anh hùng cùng với thiên lương trong sáng. Ý nghĩa của tác phẩm cũng chính là sự chiến thắng của cái tài, cái đẹp, cái tâm trước cái phàm tục, dơ bẩn của xã hội. Đó còn là sự chiến thắng của khí phách ngang tàng đối với thói quen nô lệ, từ đó cũng cho thấy lý tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Tuân. Hy vọng qua chủ đề cảm nhận và phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao đã mang đến cho bạn kiến thức hữu ích. Chúc bạn luôn học tốt!. 

Xem thêm: 

  • Ánh sáng và bóng tối trong Chữ người tử tù và Hai đứa trẻ
  • Phân tích nhân vật viên quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù
  • Phân tích cảnh cho chữ của Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tử

Xem thêm nhiều bài viết hay về Hỏi Đáp Văn Học

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post