Chia sẻ những tip thiết thực

Phân tích Chiếu dời đô của Lí Công Uẩn

Chiếu dời đô là văn kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, thể hiện tầm nhìn sáng suốt của Lí Công Uẩn. Bài Phân tích Chiếu dời đô dưới đây các em không chỉ thấy được sự anh minh, sáng suốt của Lí Thái Tổ mà còn cảm nhận được ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Đại Việt đang trên đà phát triển.

Đề bài: Phân tích Chiếu dời đô của Lí Công Uẩn

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
  1. Mở bài
  2. Thân bài
  3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

phan tich chieu doi do cua li cong uan

Bài văn Phân tích bài Chiếu dời đô của Lí Công Uẩn
 

I. Dàn ý Phân tích Chiếu dời đô của Lí Công Uẩn (Chuẩn)

1. Mở bài

Sơ lược tác giả, tác phẩm.

2. Thân bài

a. Khái niệm chiếu (tham khảo sách giáo khoa).

b. Cơ sở, lý lẽ của việc dời đô:
– Nhận định rằng việc dời đô từ cổ chí kim luôn là việc cần thiết và thường xảy ra ở nhiều triều đại:
+ Nhà Thương cũng từng 5 lần dời đô.
+ Nhà Chu cũng có 3 lần dời đô.
– Mục đích của việc dời đô là vì nhân dân, vì vận nước nên “muốn đóng đô ở trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu”, và đặc biệt việc dời đô vốn dĩ phải “trên vâng mệnh trời, dưới thuận ý dân”.
– Lợi ích khi dời đô đó là “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”.
– Dẫn ra ví dụ về hai nhà Đinh, Lê “theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời”, cứ mãi đóng đô ở một chỗ, khiến cho “triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tốn, muôn vật không được thích nghi”.
=> Việc dời đô về kinh thành Đại La trở thành một việc đúng đắn, chính nghĩa, bộc lộ tài năng, tầm nhìn xa trông rộng của nhà vua, cũng như tấm lòng thấu hiểu, lo lắng cho nhân dân. Đồng thời dời đô trong thời điểm này là một việc làm thiết yếu, hợp với thiên mệnh, thể hiện tinh thần độc lập, tự cường, sự lớn mạnh của Đại Việt.

c. Lý do dời đô về Đại La:
– Lịch sử: Đại La đã từng là nơi mà Cao Vương, tức Cao Biền, một viên quan nhà Đường từng làm Đô hộ sứ Giao Châu (nước ta xưa) lựa chọn làm kinh đô.
– Địa lý: Đại La lại là nơi “trung tâm trời đất”, “địa thế rộng mà bằng”, “đất đai cao và thoáng” vô cùng thuận lợi cho nhân dân an cư lạc nghiệp, cũng là nơi thích hợp phát triển cả về kinh tế, chính trị và văn hóa.
– Phong thủy: Kinh thành Đại La là nơi có “thế rồng cuộn, hổ ngồi”, “đúng ngôi nam bắc đông tây”, “tiện hướng nhìn sông dựa núi”, => nơi có địa thế đẹp, nhận đủ mọi sự ưu ái của trời đất, là chỗ đắc địa muôn nơi mới có một, chính là lựa chọn chính xác nhất để làm kinh đô Đế vương muôn đời.
– Lợi ích đối với nhân dân: Không phải lo cảnh ngập lụt, dẫn tới việc canh nông thuận lợi, cây cối tốt tươi, vô cùng có ích cho việc phát triển kinh tế đất nước.
– Đối với việc giao thương, vì Đại La là nơi “trung tâm trời đất”, “là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước”, chắc chắn giao thông thuận lợi, dời đô về đây việc quản lý đất nước và ngoại giao, buôn bán cũng trở nên thuận tiện hơn.

d. Tuyên bố dời đô:
– “Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?”, câu hỏi này vừa có ý nghĩa là một mệnh lệnh, vừa mang tính chất tâm tình.
=> Thể hiện tấm lòng đức độ, anh minh của Lý Thái Tổ, dù là bậc cửu ngũ chí tôn nhưng vẫn hết lòng trân trọng ý kiến của quần thần, cũng là của nhân dân, đặt nhân dân lên làm gốc để tiến hành các quyết định.
– Cách đặt câu hỏi cuối bài đã làm cho bài chiếu trở nên khách quan, thấu tình đạt lý, giữ vững nguyên tắc trên vâng mệnh trời, dưới thuận ý dân, dễ dàng đi sâu vào lòng người đọc, người nghe.

3. Kết bài

Nêu nhận xét.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích Chiếu dời đô của Lí Công Uẩn (Chuẩn)

Lý Công Uẩn (974-1028), hay còn gọi là Lý Thái Tổ – vị vua đầu tiên của triều Lý. Quê gốc ở châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là tỉnh Bắc Ninh). Ông là người thông minh, tài năng, lại có chí lớn khi còn làm quan dưới triều Lê từng lập được nhiều chiến công, khi lên ngôi vua lại trở thành vị vua anh minh, sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng. Trong suốt thời gian trị vì việc dời đô về Đại La là một trong những sự kiện tiêu biểu thể hiện tài năng và đức độ của Lý Công Uẩn. Chiếu dời đô viết năm 1010, là bài chiếu được đích thân Lý Thái Tổ viết nhằm công bố rộng rãi quyết định dời đô đến toàn thể nhân dân, với những lý lẽ và dẫn chứng thuyết phục, phản ánh khát vọng của nhân dân về một dân tộc được độc lập thống nhất và Tổ quốc đang trên đà lớn mạnh.

Chiếu là thể văn do vua dùng để ban bố mệnh lệnh, được viết bằng văn vần, văn biền ngẫu hoặc văn xuôi, được ban bố và đón nhận một cách trang trọng. Một số bài chiếu thể hiện những tư tưởng chính trị lớn lao, có ảnh hưởng đến vận mệnh của cả một triều đại, đất nước. Chiếu dời đô chính là một trong số đó

Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn là một tác phẩm được viết theo thể chiếu dưới dạng văn biền ngẫu, nhưng mang bố cục của một bài văn nghị luận mẫu mực điển hình, được xem là áng văn chính luận đặc sắc trong nền văn học trung đại Việt Nam. Trong phần đầu của tác phẩm Lý Công Uẩn tập trung đi vào phân tích những lý do, cơ sở của việc dời đô từ Hoa Lư về kinh thành Đại La với những lý lẽ vô cùng sắc bén và thuyết phục. Ông nhận định rằng việc dời đô từ cổ chí kim luôn là việc cần thiết và thường xảy ra ở nhiều triều đại, đồng thời đưa ra dẫn chứng trong lịch sử của Trung Quốc cổ đại rằng nhà Thương cũng từng 5 lần dời đô, nhà Chu cũng có 3 lần dời đô. Sau đó tác giả khéo léo chỉ ra mục đích của việc dời đô không phải là theo ý thích của bậc vua chúa, mà tất thảy cũng vì nhân dân, vì vận nước nên “muốn đóng đô ở trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu”, và đặc biệt việc dời đô vốn dĩ phải “trên vâng mệnh trời, dưới thuận ý dân”, chứ không phải thích là dời được. Để củng cố cho nhận định của mình về việc dời đô, Lý Công Uẩn tiếp tục đưa ra những lợi ích khi dời đô đó là “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”. Đồng thời cũng dẫn ra ví dụ về hai nhà Đinh, Lê “theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời”, cứ mãi đóng đô ở một chỗ, khiến cho “triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tốn, muôn vật không được thích nghi”. Kết quả đáng tiếc này khiến cho nhà vua trăm bề đau xót, từ đó dẫn đến quyết định dời đô vì không muốn lặp lại vết xe đổ của những triều đại đi trước. Từ đó có thể nhận định việc dời đô về kinh thành Đại La trở thành một việc đúng đắn, chính nghĩa, bộc lộ tài năng, tầm nhìn xa trông rộng của nhà vua, cũng như tấm lòng thấu hiểu, lo lắng cho nhân dân. Đồng thời dời đô trong thời điểm này là một việc làm thiết yếu, hợp với thiên mệnh, thể hiện tinh thần độc lập, tự cường, sự lớn mạnh của Đại Việt. Sự phối hợp rất nhịp nhàng, tinh tế giữa cái lý và cái tình của tác giả, làm cho bài chiếu trở nên thuyết phục và linh hoạt chứ không hề khô khan cứng nhắc.

Sau khi đưa ra cơ sở, cũng như những lý do chính đáng của việc dời đô thông qua việc soi chiếu lịch sử triều đại của cả Trung Quốc và Đại Việt. Nhà vua tiếp tục khẳng định sự đúng đắn của việc dời đô từ Hoa Lư về Đại La bằng việc chỉ ra những lợi thế của kinh thành Đại La so với Hoa Lư về các phương diện lịch sử, địa lý, phong thủy, giao thương, dân cư, thiên nhiên. Về phương diện lịch sử đi ngược về khoảng thời gian hơn 100 năm về trước Lý Công Uẩn chỉ ra Đại La đã từng là nơi mà Cao Vương, tức Cao Biền, một viên quan nhà Đường từng làm Đô hộ sứ Giao Châu (nước ta xưa) lựa chọn làm kinh đô. Chứng tỏ rằng nơi đây phải có những đặc điểm nổi trội hẳn so với những nơi khác để trở thành nơi đặt cơ quan đầu não cai trị của Cao Vương. Xét về phương diện địa lý, Đại La lại là nơi “trung tâm trời đất”, “địa thế rộng mà bằng”, “đất đai cao và thoáng” vô cùng thuận lợi cho nhân dân an cư lạc nghiệp, cũng là nơi thích hợp phát triển cả về kinh tế, chính trị và văn hóa. Xét về phương diện phong thủy kinh thành Hoa Lư là nơi có “thế rồng cuộn, hổ ngồi”, “đúng ngôi nam bắc đông tây”, “tiện hướng nhìn sông dựa núi”, tất cả đều chỉ ra đây là một nơi có địa thế đẹp, nhận đủ mọi sự ưu ái của trời đất, là chỗ đắc địa muôn nơi mới có một, chính là lựa chọn chính xác nhất để làm kinh đô Đế vương muôn đời. Bên cạnh đó xét về lợi ích của nhân dân thì chính nhờ vào những ưu điểm địa hình thế nên nhân dân không phải lo cảnh ngập lụt, dẫn tới việc canh nông thuận lợi, cây cối tốt tươi, vô cùng có ích cho việc phát triển kinh tế đất nước. Đối với việc giao thương, vì Đại La là nơi “trung tâm trời đất”, “là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước”, thế nên chắc chắn giao thông thuận lợi, dời đô về đây việc quản lý đất nước và ngoại giao, buôn bán cũng trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Một lý do nữa mà Lý Công Uẩn quyết định dời đô thì Hoa Lư về Đại La là bởi, xét tình hình hiện tại đất nước đã bước vào nền độc lập, tự chủ gần 100 năm, trước kia vì Đại Việt còn non yếu, lại luôn phải chịu sự xâm lược từ phương Bắc. Vậy nên đóng đô ở Hoa Lư, nơi có địa hình hiểm trở, núi non bao bọc, trở thành một trận tuyến vững chắc giúp ta chống lại kẻ thù bằng lối đánh du kích, lấy ít địch nhiều. Tuy nhiên đến thời Lý Thái Tổ, đất nước ngày càng phát triển, quân đội hùng mạnh việc đóng đô ở Hoa Lư không còn thích hợp nữa, dời đô về Đại La chính là sự khẳng định cho ý chí độc lập tự cường của dân tộc, quân dân Đại Việt ta ngày nay đã lớn mạnh sẵn sàng chống lại mọi sự xâm lược mà không cần phải dựa vào địa hình núi non hiểm trở như trước kia nữa.

Kết lại bài chiếu nhà vua đã viết “Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?”, câu hỏi này vừa có ý nghĩa là một mệnh lệnh, bởi vốn dĩ nhà vua đang ban chiếu dời đô, nhưng đồng thời nó cũng mang tính chất tâm tình khi nhà vua có ý muốn hỏi quần thần về ý định của mình. Điều đó thể hiện tấm lòng đức độ, anh minh của Lý Thái Tổ, dù là bậc cửu ngũ chí tôn nhưng vẫn hết lòng trân trọng ý kiến của quần thần, cũng là của nhân dân, đặt nhân dân lên làm gốc để tiến hành các quyết định. Đồng thời cũng bộc lộ mong muốn của Lý Thái Tổ về một đất nước vua tôi đồng lòng, đạt được sự thống nhất, thuận tình trong nhân dân. Có thể nói rằng cách đặt câu hỏi cuối bài đã làm cho bài chiếu trở nên khách quan, thấu tình đạt lý, giữ vững nguyên tắc trên vâng mệnh trời, dưới thuận ý dân, dễ dàng đi sâu vào lòng người đọc, người nghe.

Chiếu dời đô là một áng văn chính luận đặc sắc phản ánh khát vọng của nhân dân ta về một đất nước độc lập thống nhất, nhân dân có ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết một lòng, đồng thời cũng thể hiện sự anh minh, sáng suốt, tài năng và đức độ của Lý Công Uẩn trong quá trình trị vì đất nước giai đoạn đầu nhà Lý mới được thành lập. Tác phẩm thành công không chỉ nằm ở việc chứa giá trị nội dung sâu sắc mà còn nằm ở nghệ thuật lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo, dẫn chứng tiêu biểu giàu sức thuyết phục, lối viết kết hợp hài hòa giữa cái lý và tình.

—————–HẾT——————-

https://tip.edu.vn/phan-tich-chieu-doi-do-cua-li-cong-uan-56122n
Chiếu dời đô là văn kiện lịch sử quan trọng đối với nền chính trị, lịch sử của Việt Nam. Để hiểu được tầm nhìn xa trông rộng của Lí Công Uẩn trong việc dời đô, bên cạnh bài Phân tích Chiếu dời đô của Lí Công Uẩn, các em có thể tham khảo thêm: Soạn bài Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu), Suy nghĩ về tình cảm yêu nước thương dân được thể hiện trong Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Phân tích và nêu cảm nghĩ của em về bài Chiếu dời đô, Giá trị nhân văn trong Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn.

Xem thêm nhiều bài viết hay về Hỏi Đáp Văn Học

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post