Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh [HAY NHẤT]
Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh để thấy ý thơ tiêu biểu cho tinh thần hiên ngang, luôn cất cao ý chí về phía trước. Đồng thời, khi phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, ta cũng thấy hình ảnh về những người tù dù bị tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng hướng về đất nước nhân dân. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Tip.edu.vn tìm hiểu và phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn.
Mở bài: Nói về ý chí, khí phách của những người anh hùng ý thức được trách nhiệm của bản thân với non sông đất nước, văn học Việt Nam đã có biết bao những áng văn, lời thơ. Góp vào chủ đề ấy trong kho tàng văn học nước nhà, bằng tác phẩm “Đập đá ở Côn Lôn”, Phan Châu Trinh đã giúp độc giả có được cảm nhận về những vẻ đẹp cao quý của người chí sĩ yêu nước. Đó là vẻ đẹp của tinh thần hiên ngang và thái độ xem thường những thử thách, gian nguy, hi sinh tất cả vì sự nghiệp cứu nước. Những vẻ đẹp ấy được toát lên trên phông nền của hoàn cảnh tù đày và với công việc lao động khổ sai. Hoàn cảnh ngục tù ấy chỉ có thể làm cho khí phách của bậc trượng phu trở nên lẫm liệt, uy nghi hơn.
Sơ nét về Phan Châu Trinh cùng tác phẩm
Trước khi tìm hiểu và phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, người đọc cần nắm rõ đôi nét về tác giả cũng như tác phẩm trên.
Giới thiệu về Phan Châu Trinh
Phan Châu Trinh (sinh năm 1872 – mất năm 1926) là người con của làng Tây Lộc, huyện Hà Đông thuộc tỉnh Quảng Nam. Ông là người học rộng, tài cao, đỗ Phó bảng vào năm 1901 và được bổ dụng làm quan. Tuy nhiên sau đó ông lại từ bỏ để dành tâm huyết theo đuổi lí tưởng cao đẹp của mình: bắt đầu cống hiến cho sự nghiệp cứu nước.
Quyết định đó được đưa ra vì ông đã sớm tiếp nhận và giác ngộ được những tư tưởng tốt đẹp của nền cách mạng dân chủ, Phan Châu Trinh luôn nung nấu quyết tâm có thể đánh đổ sự lạc hậu, nhiễu nhương của chế độ phong kiến, phấn đấu cải cách đổi mới để mong cho đất nước được giàu mạnh, nhân dân được ấm no. Phan Châu Trinh chính là một đại diện tiêu biểu cho lực lượng yêu nước tiến bộ, có tư tưởng dân chủ sớm nhất, sâu sắc nhất và nhất quán vào những năm đầu thế kỉ XX.
Để hiện thực hóa lí tưởng đó của mình, Phan Châu Trinh đã có những hoạt động sôi nổi và phong phú ở cả trong và ngoài nước. Khi có có hội đến Pháp và Nhật, Phan Châu Trinh càng nỗ lực và cố gắng hơn nữa vì ông cho là nếu có những hoạt động tích cực và hiệu quả ở những nơi đó thì sẽ mang tiềm năng rất lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Không chỉ là một nhà nhiệt thành cách mạng, Phan Châu Trinh còn nổi tiếng là người giỏi biện luận và có tài văn chương. Đặc biệt, ông đã dùng chính những sáng tác của mình để thể hiện tinh thần yêu nước và tư tưởng dân chủ mà ông nhận thức được. Nhờ vậy, những sáng tác chính luận và những tác phẩm thơ ca của Phan Châu Trinh đã góp phần làm thức tỉnh nhân tâm và làm dấy lên phong trào yêu nước trong ba mươi năm đầu của thế kỉ XX.
Các tác phẩm gắn liền với tên tuổi Phan Châu Trinh có thể kể đến là “Tây Hồ thi tập”, “Tỉnh quốc hồn ca”, “Xăng-tê thi tập”, “Giai nhân kì ngộ”,… Những sáng tác của Phan Châu Trinh đều có điểm chung là mang một giọng điệu đanh thép, hùng hồn nhưng cũng rất trữ tình, tha thiết.
Tìm hiểu bài thơ Đập đá ở Côn Lôn
Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh cần tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. “Đập đá ở Côn Lôn” là bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Tác phẩm ra đời trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, đó là trong khoảng thời gian ông bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo vào tháng 4 năm 1908. Nguyên nhân của sự việc trên là do Pháp đã khép Phan Châu Trinh vào tội xúi giục nhân dân nổi loạn trong phong trào chống thuế ở Trung Kì.
Sống những tháng ngày ở Côn Đảo và phải lao động khổ sai cùng với các tù nhân khác đã khiến cho Phan Châu Trinh có thể viết nên những dòng thơ để bày tỏ ý chí và khí phách của những con người mưu đồ nghiệp lớn dù phải sống trong nghịch cảnh, khó khăn.
Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh
Chân dung người chiến sĩ hiện lên qua tư thế đầy ngạo nghễ, qua ý chí vững bền kiên định, qua tinh thần không ngại gian khó khi phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn.
Tư thế ngạo nghễ của người tù ở Côn Lôn
Hai câu thơ mở đầu tác phẩm của Phan Châu Trinh đã giúp ông thể hiện được tư thế của người tù ở Côn Lôn đầy ngạo nghễ:
“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.”
Hình ảnh người làm trai xuất hiện giữa đất Côn Lôn mà tác giả nhắc tới đã nói lên quan niệm nhân sinh truyền thống về cái “chí làm trai” của con người. Khi phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh, ta thấy đó là một quan niệm đúng đắn trong cái nhìn của người xưa khi muốn khẳng định tầm quan trọng của những khát khao, lí tưởng đối với con người khi sống giữa đất trời nhân thế, đặc biệt là người nam nhi.
Quan niệm đó đã từng được Nguyễn Công Trứ đề cập trong thơ ông: “Chí làm trai Nam, Bắc, Tây, Đông – Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể” hay Phan Bội Châu cũng đã lên tiếng: “Đã sinh làm trai thì cũng phải khác đời”. Trong câu thơ của Phan Châu Trinh, tác giả cũng sử dụng quan niệm trên để nêu cao tinh thần của người trai đầu đội trời, chân đạp đất khi “đứng giữa đất Côn Lôn”.
Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, ta cũng nhận thấy rất rõ, mặc dù phải sinh sống trong những tháng ngày bị hành hạ, tra tấn nhưng ta khó có thể tìm thấy trong câu thơ sự kiệt sức, uể oải mà chỉ thấy ngời lên tinh thần “lừng lẫy” và chí ý sắt thép đến độ có thể làm cho“lở núi non”.
Sức mạnh phi thường của người chí sĩ yêu nước
Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh, ta thấy những câu thơ tiếp theo càng làm cho tầm vóc “lừng lẫy” của người chí sĩ thêm nổi bật hơn cả vì đã làm toát lên ở họ một sức mạnh phi thường:
“Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn”
Sự phi thường đó được thể hiện trong từng động tác của người tù khi “xách búa”, “ra tay” mà “đánh tan năm bảy đống”, “đập bể mấy trăm hòn”. Ý thơ nói lên cảnh lao động hết sức khắc nghiệt, cần lao của người chiến sĩ nhưng chính những khổ cực mà họ trải qua lại làm bật lên ở họ hình ảnh đầy ngạo nghễ và hiên ngang của người chí sĩ.
Cách họ làm việc qua những động từ mạnh như “đánh tan”, “đập bể” đã cho thấy sự chủ động, quyết liệt trong hành động chứ không còn là những công việc mang tính bị cưỡng ép, đốc thúc của người tù. Câu thơ có sử dụng bút pháp khoa trương và mang mục đích thể hiện sự lay trời chuyển đất trong lí tưởng của con người dốc lòng vì sự nghiệp lớn lao mà xem thường những gian nan khó nhọc.
Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn đã cho thấy chính mục đích đó đã mang lại sự thành công trong việc khắc họa bức tượng đài uy nghi, vững chãi của tấm lòng yêu nước sắt son và ý chí cách mạng kiên cường. Có thể thấy, thông qua lớp nghĩa tả thực về công việc khai thác, đập đá khổ sai, nặng nề của người tù Côn Đảo trong hoàn cảnh nắng, gió và đòn roi, tác giả đã làm cho vẻ đẹp lớn lao về tinh thần và khí chất của người chiến sĩ được tỏa sáng. Chính giọng thơ đanh thép, hùng hồn đã tô đậm vẻ đẹp hùng tráng của người chí sĩ đứng giữa biển rộng non cao trong tư thế hiên ngang, sừng sững.
Chí khí vững bền qua gian khó của người tù
“Tháng ngày bao quản thân sành sỏi
Mưa nắng càng bền dạ sắt son”
Trong câu thơ thứ năm và thứ sáu này, tác giả đã trực tiếp bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình về những gian khổ, thử thách. Những gian khổ, thử thách đằng đẵng của biết bao “tháng ngày” cộng thêm sự khắc nghiệt của “mưa nắng” được đặt trong sự tương quan với sức vóc bền bỉ “thân sành sỏi” và ý chí bất khuất “dạ sắt son” đã tạo nên nghệ thuật đối lập trong câu thơ.
Chỉ với cặp từ “tháng ngày”, “mưa nắng” thôi mà bao nhiêu nhọc nhằn, đắng cay mà những người chiến sĩ phải nếm trải như hiển hiện mồn một trên trang viết. Ấy vậy mà những đau khổ, đày ải ấy chỉ là cái nền để làm hiện diện nơi họ những vẻ đẹp lớn lao. Chính nghệ thuật đối lập trong việc sử dụng từ làm bật lên ý thức kiên cường nơi người chiến sĩ: dù lao động khổ sai trong điều kiện khó khăn về thời tiết, dù bị hành hạ không biết đến tháng ngày nào mới có thể được tự do nhưng tinh thần kiên trung và tấm lòng son sắt với lí tưởng đã theo đuổi thì luôn bất biến, vững bền.
Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, ta nhận thấy gian lao, mệt mỏi, họ có “bao quản” hay nề hà. Đối với người cách mạng chân chính, gian lao và mệt mỏi ấy không còn là thử thách mà đã trở thành điều kiện tôi rèn ý chí để họ “càng bền” lòng theo đuổi lí tưởng của mình. Đây cũng chính là lời dặn lòng đầy quyết tâm của người ấp ủ sự nghiệp lớn.
Tinh thần lạc quan, dũng khí hiên ngang sắt đá
Tất cả những vẻ đẹp về ý chí, sự quyết tâm và lòng yêu nước của người chí sĩ dường như đã ngời sáng rực rỡ qua những câu thơ nói trên. Đến những dòng thơ cuối thì dũng khí hiên ngang sắt đá và tinh thần lạc quan cách mạng nơi họ lại được khẳng định một cách mạnh mẽ:
“Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể việc con con!”
Câu thơ nêu lên thái độ xem thường những gian nan khó nhọc mà người chiến sĩ phải đối mặt ở Côn Lôn khi xem đó chỉ là những “việc con con”. Với cương vị là “những kẻ vá trời” đầy hoài bão, nhiệt huyết thì việc có những lúc “lỡ bước” hay phải vượt qua những mệt mỏi, thử thách vốn là điều tất yếu để có thể đến với thành công, thắng lợi. Giọng thơ trong những câu cuối khi chuyển tải những nội dung ấy bỗng trở nên cương quyết, rắn rỏi để rồi càng tô đậm sự ngang tàng, lẫm liệt của hình tượng người anh hùng cách mạng.
Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, người đọc nhận thấy khi đã chọn con đường cách mạng để theo đuổi suốt đời, có lẽ bản thân người chiến sĩ có thể đã hình dung trước được những gian nan, thử thách mà họ phải đương đầu. Thế nên nếu mỗi lần khó khăn, mệt mỏi, họ lại yếu lòng, gục ngã thì tất nhiên sẽ không đủ sức bền để chinh phục được con đường đầy chông gai, thách thức này.
Vì vậy, không phải ai khác, chính bản thân họ phải tự vực dậy tinh thần của mình dù gặp phải bất cứ chuyện gì. Và trong hoàn cảnh bắt bớ, tù đày, chèn ép, tra tấn, lòng tin vững chắc về lí tưởng lấp biển dời non, sự nghiệp cứu nước mà mình đã “dấn thân” chính là điểm tựa để người chiến sĩ có thể vượt lên trên tất cả và hi sinh vì nó.
Đánh giá tác phẩm khi phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn
Về nội dung, bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” đã thể hiện vẻ đẹp hào hùng, tư thế hiên ngang trong hình tượng nhà nho yêu nước, đồng thời cũng là nhà cách mạng trong những năm đầu của thế kỉ XX. Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn, ta thấy với phong thái ung dung, thái độ coi thường gian khó và hiểm nguy, ý thức vượt lên hoàn cảnh lao tù cùng với niềm lạc quan tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của sự nghiệp cứu nước, nhân vật trữ tình đã trở thành một người anh hùng đầy khẩu khí, nghĩa khí và chí khí.
Xét về nghệ thuật, nhà thơ đã xây dựng thành công hình tượng người anh hùng cách mạng với rất nhiều những phẩm chất, vẻ đẹp đáng quý. Hình tượng người anh hùng mang vẻ đẹp lẫm liệt, ngang tàng đó lại được tạo dựng thông qua bút pháp lãng mạn, giọng điệu hào hùng và trên phông nền của hoàn cảnh lao động khổ sai nên đã tạo được những ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.
Kết bài: Tóm lại, chỉ với tám câu thơ, Phan Châu Trinh đã tái hiện trước mắt người đọc bức chân dung tuyệt đẹp của một người chiến sĩ nguyện sống và phấn đấu vì lí tưởng cao cả. Vì lí tưởng, vì nghiệp lớn, họ đã chấp nhận hi sinh tình riêng và quan trọng hơn là khi phải đối diện với cảnh tù đày, gian nguy, họ vẫn luôn trong tư thế ngẩng cao đầu và luôn vững tin vào sự nghiệp cứu nước mà bản thân đã chọn.
Dàn ý phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh
Khái quát hóa chủ đề phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn sẽ giúp bạn nắm được cụ thể về nội dung trong bài viết trên.
Mở bài phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn
- Sơ lược về tác giả Phan Châu Trinh cùng với tác phẩm Đập đá ở Côn Lôn.
- Giới thiệu hình tượng về người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ.
Thân bài phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn
- Chỉ ra bố cục và thể loại của bài thơ Đập đá ở Côn Lôn.
- Hình ảnh người tù ngang tàng đầy khí phách trong tác phẩm.
- Khấu khí rắn rỏi, tư thế sừng sững hiên ngang.
- Khát vọng được hành động một cách mãnh liệt.
- Hình tượng đẹp đẽ đầy hùng tráng của người chí sĩ trong tù.
- Ý chí chiến đấu kiến cường đầy sắt son của người tù cách mạng.
- Những người tù với sức chịu đựng dẻo dai đầy bền bỉ.
- Tinh thần cộng sản kiên cường trung kiên, không sờn lòng đổi chí.
- Những người tù luôn tự hào và kiêu hãnh dù cho hoàn cảnh khốn khó trong tù.
Kết bài phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn
- Nhận xét về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
- Khái quát lại ý nghĩa của tác phẩm cũng như hình tượng người chiến sĩ cách mạng.
- Mở rộng vấn đề, liên hệ đến những tác phẩm cùng chủ đề.
Như vậy, với ngòi bút phóng khoáng và giọng điệu thơ đầy hào hùng, Phan Châu Trinh đã khắc họa một cách thành công về hình tượng người chiến sĩ cách mạng luôn bền lòng, luôn trung kiên với ý chí quật cường để vượt mọi gông cùm gian khổ nơi tù đầy.
Có thể thấy, tâm hồn cũng như khí phách của người tù cộng sản đã kết tinh thành những áng thơ đẹp sống mãi cùng thời gian.
Trên đây là những tổng hợp và phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn. Tip.edu.vn hy vọng đã mang đến cho bạn những kiến thức hữu ích về chủ đề cảm nhận và phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn. Chúc bạn luôn học tốt!
Xem thêm >>> Chiếc lá cuối cùng O’henry: Tóm tắt, Phân tích và Soạn bài
Xem thêm >>> Phân tích cái ngông trong bài thơ Muốn làm thằng cuội
Xem thêm >>> Soạn bài Hai cây phong và Phân tích đoạn trích cùng tên
Xem thêm >>> Phân tích nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao
Xem thêm >>> Phân tích nhân vật chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ
Xem thêm nhiều bài viết hay về Hỏi Đáp Văn Học
▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.