Chia sẻ những tip thiết thực

Nghị luận về Đạo làm con

Văn mẫu lớp 11: Nghị luận về Đạo làm con dưới đây được Tip.edu.vn tổng hợp và sưu tầm xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết gồm các bài văn mẫu lớp 11 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 11 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết và tải về bài viết dưới đây nhé.

Văn mẫu: Nghị luận xã hội đạo làm con

  • Dàn ý chi tiết Nghị luận vấn đề Đạo làm con
  • Nghị luận vấn đề Đạo làm con mẫu 1
  • Nghị luận vấn đề Đạo làm con mẫu 2
  • Nghị luận vấn đề Đạo làm con mẫu 3
  • Nghị luận vấn đề Đạo làm con mẫu 4

Dàn ý chi tiết Nghị luận vấn đề Đạo làm con

1./ Mở bài

Mẹ cha hi sinh cho con mọi thứ, nhưng để con cái làm trọn đạo, đâu phải ai cũng có thể làm? Học bao nhiêu “đạo” (đạo đức), nhưng có thứ “đạo” cả đời này chúng ta vẫn học chẳng xong – ấy là đạo làm con!

2./ Thân bài

– Theo đạo lý của ông cha ta từ xưa, chữ “hiếu” hay chính là đạo làm con rất được coi trọng.

– Hiếu hay đạo làm con chính là sự tôn trọng, trân quý người sinh thành dưỡng dục ra mình và luôn luôn suy nghĩ về trách nhiệm với những đấng sinh thành.

– Đạo làm con xuất phát từ sự tự giác, tự nguyện của mỗi con người.

– Đạo làm con vừa là trách nhiệm, bổn phận nhưng cũng vừa là thứ quyền lợi cao đẹp mà con cái có được trong đời.

– Cha mẹ, ông bà có ơn dưỡng dục, sinh thành, đã trải bao mưa nắng để có được chúng ta với hình hài như ngày hôm nay; tất yếu, chúng ta phải biết ơn và phụng dưỡng lại họ.

– Để trọn đạo được là điều không dễ dàng. Nhưng chúng ta sẽ dần hoàn thiện nó từ chính những việc nhỏ nhất.

– Cho dù con cái có bận rộn bao nhiêu đi nữa thì sự quan tâm, thăm viếng, chăm nom cha mẹ cũng không thể xem nhẹ.

– Có những người con xem cha mẹ của mình là gánh nặng khi họ già yếu đi, anh em trong cùng một gia đình đùn đẩy trách nhiệm nuôi cha mẹ

3/ Kết bài: Dù đọc cả thiên kinh vạn quyển, thuộc làu làu kinh Phật nhưng với cha mẹ, người ấy không làm trọn nghĩa vụ và đạo làm con thì xem như vẫn chưa đọc gì, dù có làm “Vương tướng” mà quên đạo hiếu với mẹ cha, bạn vẫn chỉ là kẻ sống thừa trong xã hội!

Nghị luận vấn đề Đạo làm con mẫu 1

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha

Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.

Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”

Bốn câu thơ quen thuộc thật, gần gũi thật, đi đâu cũng có thể gặp, làm gì cũng có thể nghe, nhưng thấu được nó, liệu có mấy người? Tôi nhớ, có câu chuyện đứa con trưởng thành, trong lễ tốt nghiệp, xấu hổ khi mẹ nghèo đến bên. Tôi lại nhớ, mới đây, cũng lễ tốt nghiệp, bạn nữ sinh mặc áo cử nhân, chạy ra tận đồng, để được chụp ảnh cùng cha. Đời này, mẹ cha hi sinh cho con mọi thứ, nhưng để con cái làm trọn đạo, đâu phải ai cũng có thể làm? Học bao nhiêu “đạo” (đạo đức), nhưng có thứ “đạo” cả đời này chúng ta vẫn học chẳng xong – ấy là đạo làm con!

Theo đạo lý của ông cha ta từ xưa, chữ “hiếu” hay chính là đạo làm con rất được coi trọng. Theo Nho giáo, hiếu là một khái niệm đạo đức nền tảng, là cái gốc của mọi vấn đề về đạo đức. Trong xã hội phong kiến Việt Nam luôn lấy “hiếu” làm chuẩn mực trong xã hội, làm tiêu chuẩn rèn luyện và đánh giá nhân cách con người.

Nói đơn giản hơn, hiếu hay đạo làm con chính là sự tôn trọng, trân quý người sinh thành dưỡng dục ra mình và luôn luôn suy nghĩ về trách nhiệm với những đấng sinh thành. Đạo làm con xuất phát từ sự tự giác, tự nguyện của mỗi con người. Đó là sự quan tâm, chăm sóc, cầu mong cha mẹ khoẻ mạnh, sống lâu, vui vẻ. Đó cũng là những cố gắng gìn giữ, phát huy nề nếp, gia phong, là sự biết ơn ông bà tổ tiên và sự chăm sóc các thế hệ sau… Xuất phát từ tâm hiếu với cha mẹ, chúng ta có thể nhìn sâu rộng ra ngoài xã hội để biết yêu thương những người xung quanh.

Đạo làm con

Nói như vậy, đạo làm con vừa là trách nhiệm, bổn phận nhưng cũng vừa là thứ quyền lợi cao đẹp mà con cái có được trong đời. Cha mẹ, ông bà có ơn dưỡng dục, sinh thành, đã trải bao mưa nắng để có được chúng ta với hình hài như ngày hôm nay; tất yếu, chúng ta phải biết ơn và phụng dưỡng lại họ. Chẳng có nơi đâu dành cho chúng ta tình yêu thương vô điều kiện, chẳng nơi đâu sẵn sàng dang rộng vòng tay đón ta trở về, nếu đó không phải gia đình. Một nơi có ơn với ta đến vậy, hà tất gì ta lại chẳng yêu thương? Chưa lần nào tôi kìm được nước mắt khi đọc mấy dòng phỏng vấn vội của tờ báo đối với người cha đưa con đi thi đại học: “Đỗ hay trượt cũng được, không cần trở thành nhân tài, chỉ cần con sống đúng với đam mê”. Cha mẹ là vậy, là chốn tựa nương cuối cùng dù cuộc đời ngoài kia có bão giông đến chừng nào đi nữa!

Vậy, chúng ta phải làm gì để trọn đạo làm con? Thực ra, để trọn đạo được là điều không dễ dàng. Nhưng chúng ta sẽ dần hoàn thiện nó từ chính những việc nhỏ nhất. Chẳng ai biết giới hạn cuối cùng của việc thế nào là trọn đạo; chỉ biết rằng, nụ cười mẹ cha khi thấy con được điểm tốt, niềm mãn nguyện khi con biết vâng lời phải, sự tự hào khi con lớn khôn, đấy là minh chứng cho thấy con đã làm đúng đạo của mình rồi. Sinh con đã khó nhọc, nhưng nuôi con khôn lớn trưởng thành mới khó nhọc hơn gấp vạn lần. Cha mẹ sẽ hạnh phúc làm sao khi bạn mạnh khỏe, ngoan ngoãn học hành. Cha mẹ sẽ đau đớn biết bao khi nhìn nguồn sống, niềm tin của mình sa ngã? Chẳng cần làm những điều cao cả, đôi khi chỉ cần chạy đến ôm mẹ như thuở còn thơ thôi, ấy cũng đã là trọn đạo rồi.

Tôi nhớ bộ phim ngắn chào Tết năm 2017 “Xuân không màu” chắc chắn đã lấy đi nước mắt của vạn người xem. Bộ phim kể về cô con gái lấy chồng xa, Tết đến mọi nhà sum họp, chỉ có bố mẹ cô cô đơn vì không có con cháu sum vầy. Và như một điều kì diệu xảy ra, chồng và gia đình nhà chồng đã thấu cảm lòng cô, cho cô và gia đình nhỏ của cô về ăn Tết cùng bố mẹ. Cảm xúc mọi người như vỡ òa khi người cha già ôm con gái vào lòng trong đêm 30 Tết. Thực ra, đôi lúc, chỉ cần về để ba mẹ được ôm con vào lòng thế thôi, đạo làm con như thế cũng quá đủ đầy.

Có người hỏi, con cái phải thể hiện nghĩa vụ và đạo làm con như thế nào trong thời buổi họ luôn bận rộn và nhiều công việc? Vấn đề này, trong ca dao dân gian cũng đã nói đến:

Mẹ già ở túp lều tranh

Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con

Sự quan tâm đến cha mẹ là điều hết sức cần thiết. Vẫn chưa đủ. Không phải cứ ngày ngày “sớm thăm, tối viếng” mới là thực hiện đạo. Theo tôi vấn đề quan trọng nhất là ta sống như thế nào để cha mẹ nở mày nở mặt với bà con láng giềng, với cộng đồng. “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Cha mẹ dạy con cái như vậy, chứ không mong con cái phải bằng mọi cách “giàu nứt đố đổ vách” mà vạ thân vào tù tội. Mà chỉ cần con cái “nên người”. “Nên người” ở đây ta có thể hiểu là con cái lớn lên, học hành đàng hoàng, cưới vợ gả chồng, có nghề nghiệp ổn định để nuôi sống bản thân, kiếm sống lương thiện… Niềm mong mỏi ấy, tôi nghĩ, các bậc cha mẹ nào cũng hằng mong như thế. Cho dù con cái có bận rộn bao nhiêu đi nữa thì sự quan tâm, thăm viếng, chăm nom cha mẹ cũng không thể xem nhẹ. Thời buổi này các phương tiện kỹ thuật từ điện thoại, máy tính… vẫn có thể giúp con cái thể hiện sự quan tâm ấy.

Đơn giản là vậy, nhưng không phải ai cũng hiểu thấu, ai cũng làm tròn. Họ chỉ biết quan tâm đến bản thân mình, vui chơi quên ngày tháng mà không hề nghĩ đến cha mẹ đang ngày đêm lao động, đổ mồ hôi nước mắt để cho con một cuộc sống ấm êm, sung sướng. Tôi tự hỏi rằng tại sao trên cõi đời này lại còn tồn tại những đứa con bất hiếu như thế? Nỡ nào quên đi những tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý. Có phút giây bất chợt nào đó, những người con chợt nghĩ ra rằng mình vẫn còn một người mẹ, một người cha sống trên cõi đời này không? Nếu sau này cha mẹ mất đi mà có hối tiếc thì cũng đã muộn mất rồi.

Chắc các bạn đã từng đọc hay được nghe câu thơ:

“Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể

Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”

Có những người con xem cha mẹ của mình là gánh nặng khi họ già yếu đi, anh em trong cùng một gia đình đùn đẩy trách nhiệm nuôi cha mẹ hết cho người này rồi đến người khác, có một số người chọn cách đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để không mất thời gian chăm sóc…

Có người cho rằng, trong thời đại mới, xu thế coi trọng vật chất đang trở nên áp đảo đời sống tinh thần nên có những bậc làm cha mẹ coi trọng con này, ghét con kia, phân chia tài sản không đều hoặc bỏ bê con cái để tập trung kiếm tiền là nguyên nhân khiến con cái bỏ bê nghĩa vụ đối với cha mẹ già sau này. Tôi không tin như thế. Đã là con thì đứa con nào cũng do cha mẹ rứt ruột sinh con. Yêu thương như nhau cả thôi. Có thể cách biểu hiện của nhiều nhà mẹ không khéo nên con cái có thể hiểu nhầm. Mà cho dù có như thế đi nữa, con cái cũng không thể (không có quyền) bỏ bê cha mẹ.

Dù đọc cả thiên kinh vạn quyển, thuộc làu làu kinh Phật nhưng với cha mẹ, người ấy không làm trọn nghĩa vụ và đạo làm con thì xem như vẫn chưa đọc gì, dù có làm “Vương tướng” mà quên đạo hiếu với mẹ cha, bạn vẫn chỉ là kẻ sống thừa trong xã hội.

Nghị luận vấn đề Đạo làm con mẫu 2

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Câu hát cất lên từ radio khiến lòng tôi chông chênh, lâng lâng. Khóe mắt cay cay. Vô tình giọt nước mắt rơi. Đạo làm con là gì vậy? Như thế nào là đạo làm con? Tôi bất chợt nhớ lại những tháng ngày bên mẹ cha. Hơi ấm từ đôi bàn tay mẹ, niềm tin yêu đầy hi vọng từ ánh mắt cha, thật kỳ diệu biết bao. Những điều thiêng liêng ấy khiến tôi cúi đầu, nghĩ suy về những gì mình đã làm, về đạo làm con mà mình đã dành cho cha mẹ trong suốt thời gian qua.

Ai có thể định nghĩa được đạo làm con là gì không? Phải chăng là tiếng gọi thiết tha cất lên từ cái miệng nhỏ nhắn xinh xắn của một em bé khi vừa bặm bẹ tập nói hai từ “ba ba”, “ma ma”. Hay là những lời cảm ơn chân thành từ một cậu bé khi vừa được bố mẹ thưởng cho một món quà? Là một lời hỏi thăm khi con đi xa nhớ về gia đình?… Tôi cũng không biết hình dung như thế nào về đạo làm con. Chỉ biết rằng, mỗi lần làm cho cha mẹ cười vui, là tôi lại như được tiếp thêm bao sức mạnh để bước tiếp trên con đường mình đang đi.

Công lao cha mẹ thật đúng như núi Thái Sơn, như nước trong nguồn, không bao giờ cạn kiệt, cũng chẳng bao giờ bị mặt trời che lấp dù có nắng chói gay gắt đến nhường nào. Tình cha, nghĩa mẹ luôn là những điều thiêng liêng nhất, cao quý nhất. Đạo làm con nếu không cảm thấu được điều này thì thật là uổng cho bao công lao vất vả nhọc nhằn của cha mẹ. Có thể một số bạn được sinh ra trong gia đình có điều kiện. Cha mẹ không phải cặm cụi ngoài đồng ruộng, phải một nắng hai sương chân lấm tay bùn. Nhưng dù làm nghề gì đi chăng nữa cũng phải lao tâm, phải dốc hết sức mình mới có thể kiếm được đồng tiền nuôi con. Chưa kể đến có những đêm cha mẹ thay nhau thức trắng bên con vì con ốm, con sốt… Ánh mắt mẹ mong mỏi từng ngày con lớn khôn. Bàn tay cha chai sạn ngoài công trường để hàng tháng có tiền gửi về mua sữa cho con… Tất cả những gì cha mẹ làm đều vì muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Nhưng ai có thể biết rằng, đứa bé còn đang nằm trên tay mẹ kia rồi sau này sẽ trở thành người ra sao. Liệu rằng nó có thấu hiểu tình cha nghĩa mẹ mênh mông như biển trời đã dành cho nó. Vì nó mà tuổi xuân mẹ không còn. Vì nó mà đời trai trẻ của cha cũng dành hết cho công việc… Còn rất nhiều điều không thể nói hết về công ơn cha mẹ.

Thế nhưng, không phải đứa con nào cũng biết dựa vào núi Thái Sơn, biết trân trọng nước trong nguồn. Một số bạn ngày ngày đi học còn ham chơi, sức hấp dẫn của những trò điện tử vô bổ còn mạnh mẽ hơn cả lời căn dặn của cha mẹ. Thậm chí, có những bạn còn sẵn sàng bỏ cả cha mẹ chạy theo lũ bạn lao vào con đường nghiện ngập, trộm cắp… Các bạn đâu biết rằng, phía sau lưng mình, mẹ đang khóc từng đêm. Những giọt nước mắt ấy lẽ ra phải được thay thế bằng nụ cười hạnh phúc khi ngày ngày con đi học về ríu rít kể mẹ nghe những bài học thú vị ở trường. Nhưng không, về đến nhà, bạn quăng cắp sách vào một xó, chạy lên phòng, bật máy tính lên và online hoặc chơi game. Cha mẹ lại lắc đầu buồn phiền mà chẳng biết phải làm thế nào nữa. Sự bất lực trước con cái có lẽ là điều đau đớn đến xé lòng mà không một người cha người mẹ nào muốn.

Và rồi, cho đến một ngày kia, cha mẹ không còn nữa. Chẳng còn ai nhắc nhở ta lúc lầm lỡ, lúc sa cơ. Quay về nhà chỉ còn lại một bầu không khí vắng tanh, lặng im. Cũng chẳng có ai quát mắng khi không thể kìm chế được mình. Khi còn lại một mình, khi đói lòng, khi vấp ngã, khi giọt nước mắt lã chã rơi, bạn nhận ra rằng ta đã mồ côi thì đã quá muộn mất rồi.

Thế nên, các bạn ạ,

“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc

Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”

Làm một người con hư quá dễ dàng. Nhưng là một người con ngoan ngoãn cũng đâu có gì là khó khăn đâu. Chỉ cần mỗi chúng ta quyết tâm. Đặc biệt là luôn làm chủ bản thân mình, không bao giờ được sa ngã vào những thói hư tật xấu. Hãy luôn ghi nhớ hình ảnh của cha mẹ trong đầu. Nhớ lời mẹ dặn. Nhớ rằng có được ngày hôm nay là công lao bao ngày vất vả mệt nhọc của cha mẹ. Khi chưa làm được gì đền đáp công ơn trời biển ấy thì cũng đừng làm vấy bẩn lên tình cha, nghĩa mẹ, lên những gì thiêng liêng nhất, cao quý nhất.

Cha mẹ làm biết bao công việc to lớn, nhưng các bạn có biết rằng, chỉ cần một hành động nhỏ bé của con cái cũng đủ để làm bố mẹ cười vui. Đi học về, con lễ phép chào cha mẹ, vào phòng cất cặp sách rồi thay quần áo, phụ giúp mẹ nấu nướng, dọn dẹp. Tối đến tâm sự với mẹ những chuyện xảy ra ở trường ngày hôm nay… Niềm hạnh phúc đến từ ngay trong những điều đơn giản nhất, đơn sơ nhất. Hạnh phúc của cha mẹ chỉ cần vậy thôi.

Đừng bạn nào làm cho mẹ phải khóc nữa nhé. Hãy để nụ cười tô thắm lên cuộc đời mẹ. Nếu như tuổi xuân mẹ đã dành hết cho con. Vậy thì con cũng hãy dành tuổi trẻ của mình cho mẹ. Hãy nhớ, đạo làm con là từ những điều nhỏ nhất, không phải cái gì đó to lớn lắm, vĩ mô lắm. Đọc xong bài này, hãy chạy đến ôm mẹ nhé, không cần phải nói câu yêu mẹ, chỉ lặng im thôi, mẹ cũng đủ hiểu.

Nghị luận vấn đề Đạo làm con mẫu 3

Dân gian ta đã từng có câu:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Câu dân gian này không những vô cùng đúng đắn mà còn mang đến cho chúng ta nhiều bài học ý nghĩa sâu xa. Mỗi chúng ta khi được sinh ra đã mang ơn nghĩa công lao sinh thành từ cha mẹ; lớn lên mang ơn nghĩa công lao nuôi dưỡng; thành người mang ơn nghĩa công lao giáo dục. Có thể thấy, cha mẹ là những người “thợ xây” xây dựng nên mỗi chúng ta thành người. Để đền đáp những công ơn to lớn đó, mỗi người con chúng ta cần có thái độ và hành động đúng đắn. Đền ơn đáp nghĩa cha mẹ không chỉ bắt nguồn từ tấm lòng, từ suy nghĩ mà đó còn là trách nhiệm của mỗi một người con như chúng ta. Mỗi chúng ta cần cố gắng học hành tập nghiêm túc, trở thành một công dân tốt giúp ích cho đời để bố mẹ tự hào và ngẩng cao đầu. Bên cạnh đó, chúng ta có trách nhiệm hiếu thảo, biết ơn, đền đáp công ơn cha mẹ bằng lời nói, việc làm cụ thể: phụng dưỡng cha mẹ khi về già, giúp đỡ cha mẹ về tài chính;… Hành động của chúng ta đối đáp với cha mẹ nó không chỉ thể hiện tình yêu thương, sự biết ơn mà đó còn là thước đo giá trị đạo đức của con người. Mỗi chúng ta hãy hành động đẹp đẽ để xứng đáng với truyền thống quý báu của con người Việt Nam.

Nghị luận vấn đề Đạo làm con mẫu 4

“Công cha đức mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ

Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải biết thờ song thân”

Công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái là vô cùng to lớn, không sao kể xiết. Vì vậy, những người làm con khi đã khôn lớn, trưởng thành phải luôn ghi nhớ công lao trời biển ấy và báo đáp, phụng dưỡng cha mẹ. Đúng như những lời trong câu ca dao: “Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Bất kể ai cũng vậy, từ khi mới chào đời ta đã nhận được tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ và những người xung quanh. “Mang nặng đẻ đau” chín tháng mười ngày để rồi vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc khi nghe thấy tiếng khóc đầu đời của con. Còn gì vui sướng hơn khi sau bao nhiêu ngày tháng chờ đợi, thiên thần của cha mẹ đã ra đời. Và cũng từ đó, cha mẹ vất vả hơn khi phải chăm sóc con, lo cho con tất cả mọi thứ, thức trắng đêm trông nom khi con ốm. Cứ như vậy cho đến khi con “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”, thời gian trôi con lớn dần trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của cha mẹ còn cha mẹ thì vất vả hơn vì vừa phải lo cho công việc vừa phải lo cho con. Nhưng có một điều mà chắc chắn ai cũng biết đó là cho dù vất vả, nặng nhọc đến đâu chỉ cần những đứa con luôn vui tươi, khỏe mạnh thì đó đã là niềm động viên, an ủi, tiếp thêm sức mạnh cho những người làm cha, làm mẹ rồi.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Nghị luận về Đạo làm con cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài học rồi đúng không ạ? Bài viết được tổng hợp gồm có 4 mẫu bài văn nghị luận về Đạo làm cơn. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 11. Ngoài ra để giúp bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập hơn nữa, Tip.edu.vn mời các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 11 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 11 và biết cách soạn bài lớp 11 các bài Tác giả – Tác phẩm Ngữ Văn 11 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post