Chia sẻ những tip thiết thực

Khu vực công cộng trong nền kinh tế hỗn hợp

Chúng tôi xin giới thiệu bài Khu vực công cộng trong nền kinh tế hỗn hợp được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Kinh tế công cộng để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Bài: Khu vực công cộng trong nền kinh tế hỗn hợp

  • Thất bại của Chính phủ trong mô hình nền kinh tế hỗn hợp
  • Chức năng của Khu vực công cộng trong việc khắc phục thất bại thị trường

Cơ chế và động lực của thị trường là cạnh tranh tự do. Tuy nhiên, thị trường không phải lúc nào cũng chắc chắn dẫn tới sự cạnh tranh tự do vì bản thân thị trường luôn tồn tại những khuyết tật nhất định. Nhiều vấn đề phát sinh từ cơ chế thị trường mà thị trường không giải quyết được với hệ quả là hạn chế hoặc thủ tiêu cạnh tranh tự do như: độc quyền, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng, thất nghiệp, sự phân phối bất bình đẳng… Do đó, cần có sự can thiệp của Chính phủ (Nhà nước) để khắc phục các khuyết tật của thị trường. Ngay bản thân A. Smith, mặc dù rất đề cao vai trò điều tiết của thị trường, cũng phải thừa nhận rằng Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo môi trường hòa bình, bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do hoạt động và cạnh tranh kinh tế chính đáng của các chủ thể.

Chịu tác động bởi một số thành công của mô hình Nhà nước thuộc khối Xã hội Chủ nghĩa, J.M. Keynes đưa vai trò can thiệp của Chính phủ lên tầm mức mới và có phần coi nhẹ vai trò của cơ chế thị trường trong lý thuyết của mình. Trong chu trình kinh tế của Keynes, ông dành sự chú trọng rất lớn đối với vai trò điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Thực chất là Nhà nước bằng những lực lượng của mình có trong tay, tác động vào những đại lượng khả biến độc lập, tiền tệ và lãi suất để làm thay đổi tổng cầu, đến lượt nó sẽ làm thay đổi tổng việc làm và tổng sản phẩm, tổng thu nhập.

Keynes cho rằng, trước hết Nhà nước tác động vào tỷ lệ phân chia giữa tiêu dùng và tiết kiệm bằng chính sách thuế. Thuế thực chất là lấy vào tiết kiệm để hình thành ngân sách Nhà nước. Thuế và tăng thuế đều làm cho tiết kiệm giảm. Còn việc chi tiêu ngân sách cũng sẽ làm thay đổi tỷ lệ giữa tiêu dùng và đầu tư, thay đổi tổng cầu. Như vậy, chính sách tài khóa có tác động mạnh mẽ trong việc điều tiết tổng cầu. Chính sách tiền tệ (tiền tệ và lãi suất) cũng tác động đến việc phân chia tỷ lệ giữa tiêu dùng và tiết kiệm. Khi lạm phát thực chất đã làm giảm tiết kiệm vì cùng một số tiền tiết kiệm nhưng mua được ít hàng hơn, phần tiết kiệm ít đi đã làm gia tăng tiêu dùng. Lãi suất có tác động mạnh đến việc biến tiết kiệm thành đầu tư và kích thích đầu tư để gia tăng tổng cầu. Với các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, Nhà nước có thể chủ động tác động làm thay đổi tổng cầu, chủ động điều tiết tổng việc làm, chủ động trong việc ổn định và tăng trưởng kinh tế hay Nhà nước chủ động điều tiết kinh tế vĩ mô.

Đến P. A. Samuelson, các nguyên lý và cơ sở khoa học của mô hình kinh tế hỗn hợp mới được làm rõ bởi những nghiên cứu và minh chứng thuyết phục. Samuelson là người sáng lập trường phái kinh tế học vĩ mô tổng hợp, kết hợp kinh tế học vĩ mô cổ điển với kinh tế học Keynes. Ông đã góp phần to lớn để xây dựng và thúc đẩy sự hoàn thiện của mô hình nền kinh tế hỗn hợp trong nửa cuối của Thế kỷ

Trong kinh tế học phúc lợi, ông đã góp phần đưa ra lý luận Điều kiện Lindahl-Bowen-Samuelson (tiêu chí để xác định xem một hành động của một chủ thể kinh tế có làm tăng phúc lợi hay không), góp phần đưa ra hàm xác suất trong phúc lợi xã hội (hay hàm phúc lợi xã hội Bergson-Samuelson). Ông có đóng góp vào lý thuyết quyết định sự phân bổ tối ưu nguồn lực trong điều kiện tồn tại cả hàng hóa công lẫn hàng hóa tư nhân.

Theo Samuelson, cơ chế thị trường là một hình thức tổ chức kinh tế, trong đó cá nhân người tiêu dùng và các nhà kinh doanh tác động lẫn nhau qua thị trường để xác định ba vấn đề trung tâm của tổ chức kinh tế (sản xuất gì? cho ai? bao nhiêu?). Cơ chế thị trường là cơ chế tinh vi, phối hợp một cách không tự giác mọi người, mọi hoạt động và mọi doanh nghiệp thông qua hệ thống giá cả thị trường. Cơ chế này không phải là sự hỗn độn mà là một trật tự kinh tế, là phương tiện giao tiếp để tập hợp tri thức và hành động của hàng triệu cá nhân khác nhau. Không có bộ não trung tâm, cơ chế thị trường vẫn giải được những bài toán mà máy tính lớn nhất ngày nay không thể giải nổi (vấn đề sản xuất- phân phối).

Tuy nhiên, Samuelson cho rằng “điều hành một nền kinh tế mà không có Chính phủ thì cũng như định vỗ tay bằng một bàn tay”. Dựa vào cơ chế thị trường có nghĩa là dựa vào bộ máy tự hoạt động của cung cầu, giá cả với môi trường cạnh tranh, lợi nhuận và các quy luật vận hành khách quan. Nhưng kinh tế thị trường vẫn có những khuyết tật nội tại mà tự nó không thể giải quyết được. Vì vậy, Nhà nước phải can thiệp vào kinh tế thông qua việc thiết lập pháp luật, xác định chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, tác động vào việc phân bố tài nguyên, tác động vào việc phân bố thu nhập. Qua đó đảm bảo hiệu quả, công bằng và ổn định trong phát triển kinh tế. Nhà nước phải can thiệp vào kinh tế để ngăn chặn khủng hoảng, thất nghiệp, tạo việc làm đầy đủ, nhưng đồng thời phải giữ trong khuôn khổ khôn ngoan của cạnh tranh.

Thất bại của Chính phủ trong mô hình nền kinh tế hỗn hợp

Mặc dù mô hình nền kinh tế hỗn hợp được ghi nhận là hợp lý và hiệu quả nhất với tư cách là thành tựu của trí tuệ nhân loại đạt được tới thời điểm mở đầu của Thế kỷ XXI sau biết bao thăng trầm và trả giá cho những nhận thức cực đoan, thì những bất ổn tiếp tục diễn ra trong các nền kinh tế theo mô hình hỗn hợp lại là các chủ đề để các nhà kinh tế tiếp tục theo đuổi nghiên cứu. Tuy thất bại của thị trường được thừa nhận là cơ sở cho sự can thiệp của Chính phủ, nhưng khiếm khuyết của Chính phủ đã bộc lộ trong quá trình can thiệp và những khiếm khuyết này được gọi chung là thất bại của Chính phủ.

Thực tiễn hoạt động của các Chính phủ cho thấy rằng những hạn chế trong việc can thiệp của Chính phủ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân khó khắc phục nhất chính là nhược điểm nội tại của Chính phủ. Có bốn lý do chủ yếu gây ra thất bại mang tính hệ thống của Chính phủ, đó là: bộ máy hành chính quan liêu; cơ chế đại diện chính trị; vấn đề lạm quyền; và thông tin của Chính phủ bị hạn chế, bất cập. Nội dung phân tích sâu về thất bại của Chính phủ sẽ được trình bày cụ thể trong các phần sau.

Chức năng của Khu vực công cộng trong việc khắc phục thất bại thị trường

Như Rousseau đã trình bày trong “Khế ước xã hội”, Chính phủ là chủ thể có quyền lực (hay cụ thể hơn là một nhóm người chấp chính) ở tầm quốc gia, tồn tại theo nhiệm kỳ, được nhân dân trao cho các quyền lực hữu hạn theo hiến pháp, được thay đổi bởi những cuộc bầu cử quốc gia. Như vậy, có thể tóm tắt vai trò và chức năng của Chính phủ là cung cấp các dịch vụ công cần thiết cho xã hội theo Khế ước xã hội (đây là nội dung cơ bản dẫn đến cơ sở lập luận về chính khách và công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, mà bản chất là phải tôn trọng tinh thần hiến pháp). Nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận phân loại các chức năng của Chính phủ thành sáu nhóm cơ bản, gồm có:

Duy trì khuôn khổ xã hội và luật pháp. Ví dụ như xây dựng luật, tòa án; cung cấp các dịch vụ và thông tin để nền kinh tế vận hành tốt hơn; thiết lập hệ thống tiền tệ; xác định và giám sát thực hiện quyền sở hữu.

Bảo đảm sự cạnh tranh. Ví dụ như xây dựng và giám sát thi hành luật chống độc quyền, điều chỉnh các độc quyền tự nhiên.

Cung cấp các hàng hóa và dịch vụ công. Ví dụ như cung cấp các hàng hóa và dịch vụ mà thị trường không thể hoặc không sẵn sàng cung cấp (quốc phòng, đèn biển…)

Tái phân phối thu nhập. Ví dụ như đánh thuế thu nhập cao hơn đối với người giàu; bảo đảm an sinh xã hội; trợ cấp cho trẻ mồ côi, trợ cấp y tế.

Điều chỉnh các ngoại ứng. Ví dụ như đánh thuế để giảm ngoại ứng tiêu cực, như việc gây ô nhiễm môi trường; trợ cấp để khuyến khích các ngoại ứng tích cực, như việc giáo dục. Các ngoại ứng xuất hiện khi việc sản xuất hoặc tiêu thụ một hàng hóa nào đó có những chi phí hoặc lợi ích có ảnh hưởng lan tỏa tới bên thứ ba mà không chỉ dừng lại ở tác động tới người sản xuất và tiêu thụ trực tiếp hàng hóa này.

Ổn định nền kinh tế. Ví dụ như: sử dụng ngân sách Chính phủ, hoặc cung tiền nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khống chế lạm phát, giảm bớt thất nghiệp.

Cách phân loại này tương đối rành mạch và hệ thống, nhưng còn một số hạn chế: Thứ nhất, khung khổ xã hội và luật pháp là công cụ quản lý Nhà nước cơ bản, có tính xuyên suốt các chức năng khác. Điều này gây khó khăn cho việc tiếp cận, nhận diện và xếp loại các chức năng. Thứ hai, việc phân chia theo các mục nói trên nặng về giác độ nhiệm vụ và xa rời khía cạnh chức năng bản nhiên. Cũng cần lưu ý rằng cách phân loại trên đây dựa trên lập luận mang tính nền tảng rằng các thất bại của thị trường là cơ sở cho sự can thiệp của Chính phủ. Lập luận này đúng nhưng chưa đủ. Mục tiêu tối thượng của sự tồn tại và hoạt động của Chính phủ phải là tối ưu hóa phúc lợi xã hội, và nhiệm vụ của Chính phủ phải vượt lên trên vai trò khắc phục những thất bại của thị trường, bao gồm cả việc thực hiện vai trò gia trưởng tích cực, và khắc phục khuyết tật của chính bản thân Chính phủ. Nếu việc khắc phục thất bại thị trường lại nảy sinh tổn thất do thất bại của Chính phủ vì chức năng này không còn nhiều ý nghĩa. Mặt khác nếu để mâu thuẫn xã hội tích tụ đến nảy sinh xung đột thì tổn thất xã hội còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Như vậy, ý nghĩa kinh tế của sự tồn tại và hoạt động của một Chính phủ trong nền kinh tế hỗn hợp có thể diễn giải bằng một vai trò duy nhất là tối ưu hóa phúc lợi xã hội. Để phúc lợi xã hội luôn luôn hướng về tối ưu, Chính phủ có thể được phân loại các chức năng cơ bản thành ba nhóm là: (i) Giảm chi phí giao dịch xã hội phát sinh từ tình trạng vô Chính phủ; (ii) Can thiệp và khắc phục các thất bại của thị trường; (iii) Cải thiện lợi ích xã hội bằng các can thiệp mang tính gia trưởng tích cực. Trong phạm vi giáo trình này, các nội dung tiếp theo chỉ tập trung làm rõ vai trò của Chính phủ trong việc can thiệp và khắc phục các thất bại của thị trường. Nội dung (i) và (iii) được dành cho phạm vi chuyên sâu hơn.

Thất bại thị trường. Kinh tế học phúc lợi cho rằng nền kinh tế chỉ có hiệu quả Pareto trong các điều kiện nhất định, mà cơ bản là giá cả thị trường thể hiện và phản ánh đầy đủ chi phí hay lợi ích đứng trên quan điểm xã hội. Khi đó, sản lượng cân bằng thị trường đạt được chính là sản lượng hiệu quả xã hội. Trong thực tiễn, có nhiều trường hợp hoặc điều kiện mà nền kinh tế không thể đạt hiệu quả Pareto. Các nhà kinh tế gọi tình trạng ấy là “Thất bại thị trường (market failure).

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có thể là do bản chất của loại hình hàng hóa hoặc khiếm khuyết nội tại của cơ chế thị trường mà bản thân thị trường không thể tự khắc phục được. Những hạn chế hoặc khiếm khuyết này được gọi chung là những thất bại của thị trường và đó là những cơ sở để có hành động can thiệp của Chính phủ.

Ngoài khía cạnh kinh tế, thói quen tiêu dùng của một bộ phận xã hội có thể dẫn đến tác động có hại làm giảm hiệu quả phát triển xã hội. Trong trường hợp ấy, Chính phủ cũng có vai trò can thiệp, điều chỉnh. Như vậy, sự can thiệp của khu vực công cộng nói chung và Chính phủ nói riêng làm tăng hiệu quả xã hội chính là cơ sở kinh tế cho sự can thiệp của Chính phủ, hay nói cách khác chính là cơ sở lý luận về tính kinh tế cho sự tồn tại, vận hành của Chính phủ.

Nghiên cứu các môn khoa học kinh tế học cho thấy việc giải quyết các vấn đề kinh tế được giải quyết theo các qui luật khách quan của thị trường có rất nhiều ưu điểm mà bất kỳ xã hội nào cũng mong muốn. Thực tiễn phát triển kinh tế ở Việt Nam cũng cho thấy rất rõ điều đó, thị trường chính là động lực tiết kiệm chi phí cải tiến công nghệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đó là người tiêu dùng được mua nhiều hàng hóa hơn với giá rẻ hơn, chất lượng ngày một tốt hơn… Nhưng không thể khẳng định kinh tế thị trường tự điều tiết là ưu việt.

Thực tiễn cho thấy có nhiều vấn đề mà thị trường tự nó không giải quyết được: vấn đề sản xuất độc quyền, ngoại ứng, hàng hóa công, sự phân hóa trong xã hội, mất ổn định vĩ mô, hàng hóa khuyến dụng…Chính vì thế nền kinh tế thị trường không thế thiếu sự can thiệp của Chính phủ – sự can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế thị trường là mang tính tất yếu. Theo một ví dụ nổi tiếng của Samuelson thì “điều hành một nền kinh tế mà không có Chính phủ thì cũng như định vỗ tay bằng một bàn tay”.

Những mặt lợi ích bắt nguồn từ sự can thiệp của Chính phủ, khắc phục được những thất bại thị trường, phân phối lại và đảm bảo cân bằng xã hội. Trong từng nhiệm vụ ấy, tính hiệu quả phụ thuộc sự lựa chọn sử dụng biện pháp nào? mức can thiệp đến đâu? Những thiệt hại cũng bắt nguồn từ sự can thiệp, bao gồm từ việc tiêu tốn nguồn lực công, làm méo mó cân bằng thị trường, tăng tốn kém về chi phí quản lý… Hiệu quả tổng thể là ngày càng giảm thiểu mặt tổn thất và không ngừng tăng cường mặt lợi ích từ sự tồn tại và hoạt động của Chính phủ, liên quan tới khía cạnh “làm, không làm” và làm như thế nào là tốt nhất.

—————————————

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Khu vực công cộng trong nền kinh tế hỗn hợp về một hình thức tổ chức kinh tế, trong đó cá nhân người tiêu dùng và các nhà kinh doanh tác động lẫn nhau qua thị trường để xác định ba vấn đề trung tâm của tổ chức kinh tế….

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Khu vực công cộng trong nền kinh tế hỗn hợp. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng – Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post