Chia sẻ những tip thiết thực

Khái niệm và đặc điểm của chu kì kinh tế

VnDoc xin trân trọng giới thiệu bài Khái niệm và đặc điểm của chu kì kinh tế được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Kinh tế công cộng để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Bài: Khái niệm và đặc điểm của chu kì kinh tế

  • 1. Khái niệm chu kì kinh tế
  • 2. Các đặc điểm của chu kì kinh tế

1. Khái niệm chu kì kinh tế

Mỗi thị trường hàng hóa hay tiền tệ đều có xu hướng vận động theo chu kì thời gian. Sự trùng lặp và cộng hưởng các chu kì nhỏ của các thị trường thành phần sẽ tạo ra chu kì kinh tế. Trong mỗi chu kì kinh tế, tổng sản lượng quốc dân, kim ngạch thương mại và các hoạt động thị trường sẽ dao động xung quanh xu hướng tăng trưởng chung trong dài hạn. Ví dụ, theo hình 7.1, tổng sản lượng quốc dân GDP (tính theo hiện thời) từ 1990 tới nay của Việt Nam có xu hướng chung là tăng với tốc độ trung bình khoảng 7% một năm (theo Ngân hàng thế giới). Tuy nhiên, hình 7.2 cho thấy rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là không đồng đều. Có những giai đoạn kinh tế tăng trưởng mạnh với tốc độ đạt trên mức trung bình như giai đoạn 1992-1997 hay 2005-2007 mà đỉnh cao là năm 1995 với tốc độ 9.5%. Cùng với đó là những giai đoạn tăng trưởng rất hạn chế, đạt dưới mức trung bình như giai đoạn 1998-2000 hay 2008-2013 mà tồi tệ nhất là tốc độ 4.8% vào năm 1999.

2. Các đặc điểm của chu kì kinh tế

Chu kì kinh tế gồm có 2 giai đoạn chính xen kẽ nhau

Số liệu lịch sử và lí thuyết của các nhà kinh tế vĩ mô cho thấy rằng, chu kì kinh tế gồm có hai giai đoạn chính: hưng thịnh (mà đỉnh cao là bùng nổ kinh tế) và suy thoái (mà điểm “đáy” là khủng hoảng kinh tế). Khi nền kinh tế hưng thịnh, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, sản lượng đạt cao so với tiềm năng. Sản xuất và tiêu dùng được mở rộng dẫn tới mức độ toàn dụng lao động và các nguồn lực khác đều cao. Khi nền kinh tế tăng trưởng quá “nóng”, hay bùng nổ kinh tế, giá cả hàng hóa thường tăng nhanh hơn dẫn tới tỉ lệ lạm phát cao. Do đó, sự hưng thịnh của nền kinh tế thường không duy trì được quá lâu. Dần dần nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại. Đến một lúc nào đó, trạng thái xuống dốc của nền kinh tế biểu lộ rõ rệt ở sự suy thoái. Sản lượng thực tế càng ngày càng thấp so với mức sản lượng tiềm năng. Khi nền kinh tế tăng trưởng chậm hoặc không tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng. Nhiều nhà máy phải đóng cửa hay chỉ sản xuất cầm chừng khi mà doanh nghiệp không đầu tư. Không chỉ lao động mà các nguồn lực khác của nền kinh tế cũng không được sử dụng hết công suất. Trong bối cảnh đó, thu nhập người dân bị giảm sút. Trên thị trường, hàng hóa bị đình đốn, khó tiêu thụ do sức mua giảm mạnh. Vì thế, giá cả hàng hóa thường hạ hoặc khó tăng: tỷ lệ lạm phát chung của nền kinh tế lúc này thường thấp.

Khi nền kinh tế suy thoái đến giai đoạn trầm trọng nhất của nó (khủng hoảng kinh tế), dần dần sự suy thoái sẽ chậm lại, và nền kinh tế sẽ lại bước vào giai đoạn phục hồi. Khi dự trữ máy móc, thiết bị của nền kinh tế xuống thấp một mức nào đó, người ta lại buộc phải gia tăng đầu tư để phục hồi, thay thế những máy móc, thiết bị cũ đã bị hư hỏng. Theo đà đó và cùng với những xung lực khác, nền kinh tế dần dần lấy lại được đà tăng trưởng. Sản lượng thực tế tăng dần đuổi theo và vượt mức sản lượng tiềm năng. Cứ thế, nền kinh tế lại dần đạt được thời kỳ hưng thịnh mới, trước khi dần dần lại rơi vào một thời kỳ suy thoái mới. Nói cách khác, hai giai đoạn hưng thịnh và suy thoái trong một chu kì kinh tế thường diễn ra xen kẽ nhau. Ví dụ, nền kinh tế Việt Nam trải qua giai đoạn 1992-1997 hưng thịnh và phát triển bùng nổ. Tiếp theo đó là giai đoạn suy thoái và khủng hoảng 1998-2002. Từ năm 2003 đến năm 2007, nền kinh tế cho thấy dấu hiệu của sự phục hồi và phát triển trở lại trước khi bắt đầu suy thoái trong những năm trở lại đây.

Chu kì kinh tế là hệ quả tất yếu nền kinh tế thị trường

Tính tất yếu của chu kì kinh tế xuất phát từ việc nguyên nhân gây ra các biến động trong nền kinh tế không chỉ là các yếu tố ngoại sinh mà còn là các yếu tố nội sinh do đặc điểm của cơ chế thị trường. Các nhân tố ngoại sinh bao gồm các nhân tố bên ngoài nền kinh tế như thiên tai, bệnh dịch, chiến tranh, xu hướng di cư, các nguồn tài nguyên mới, phát minh khoa học công nghệ mới, v..v. Ví dụ, thiên tai như động đất, sóng thần, lũ lụt hay chiến tranh có thể gây các tác động tiêu cực như phá huỷ cơ sở vật chất, gây đình đốn sản xuất, tăng nguy cơ thất nghiệp và giảm sút tiêu dùng của người dân từ đó dẫn tới suy thoái kinh tế. Ở một thái cực khác, việc tìm ra nguồn tài nguyên hay các phát minh mới sẽ ảnh hưởng tích cực lên nền kinh tế thông qua tăng năng suất sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, tăng mức độ toàn dụng lao động và tư liệu sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân và làm hưng thịnh nền kinh tế.

Nói về ảnh hưởng của các nhân tố nội sinh bên trong tới sự biến động của nền kinh tế, có rất nhiều quan điểm khác nhau. M.Friedman, thông qua lí thuyết tiền tệ, cho rằng các chính sách thắt chặt hay mở rộng tín dụng có tác động đáng kể tới chu kì kinh tế. Trong khi đó, Kalecki và Tufte cho rằng các yếu tố chính trị gây ra khi các chính trị gia theo đuổi mục tiêu mới chính là các nhân tố nội sinh gây ra chu kì kinh tế. Cuối cùng, Lucas và Barro theo đuổi quan điểm rằng nguyên nhân chính của chu kì kinh tế là do nhận thức yếu kém và không đầy đủ của người dân về sự vận động của thị trường, từ đó làm sai lệch mức cầu lao động.

Chu kì kinh tế có tính quốc tế

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và sự phát triển bùng nổ của thương mại quốc tế hiện nay, không một nền kinh tế nào có thể đứng ngoài nền kinh tế toàn cầu. Điều này xảy ra do sự tự do luân chuyển của tư liệu sản xuất, khoa học công nghệ hay cả dòng lao động giữa các nền kinh tế nhờ các cơ chế hợp tác và thương mại tự do. Do đó, nền kinh tế suy thoái hay hưng thịnh hoàn toàn có thể tạo nên phản ứng dây chuyền. Việt Nam là một ví dụ khá sinh động cho luận điểm này. Hai thời kì suy thoái lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong vòng 25 năm trở lại đây 1998-2002 hay 2008-nay đều trùng khớp với các cuộc khủng hoảng kinh tế lớn của khu vực và thế giới: khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 bắt nguồn từ Thái Lan và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 mà nguồn gốc là từ Hoa Kỳ.

Chu kì kinh tế có tính ngẫu nhiên khó đoán

Tính chất này hoàn toàn không hề mâu thuẫn với tính “chu kì” của nền kinh tế. Tính chất ngẫu nhiên khó đoán ở đây không nói về sự xoay vòng giữa hưng thịnh và suy thoái mà nói về các đặc điểm như độ lớn của sự biến động hay thời gian của mỗi giai đoạn. Một nền kinh tế hoàn toàn có thể có khoảng thời gian suy thoái kéo dài và không có khả năng thoát ra nếu không có các biện pháp can thiệp hợp lí. Mặt khác, mức độ suy thoái nhẹ là gần như không thể suy đoán trước. Đây là thách thức cho các nhà hoạch định chính sách vĩ mô.

—————————————

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Khái niệm và đặc điểm của chu kì kinh tế về chu kì kinh tế xuất phát từ việc nguyên nhân gây ra các biến động trong nền kinh tế không chỉ là các yếu tố ngoại sinh mà còn là các yếu tố nội sinh do đặc điểm của cơ chế thị trường….

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Khái niệm và đặc điểm của chu kì kinh tế. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng – Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post