Chia sẻ những tip thiết thực

Khái niệm bình đẳng và công bằng

0

Khái niệm bình đẳng và công bằng được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Kinh tế công cộng để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Bài: Khái niệm bình đẳng và công bng

Bình đẳng (equality) về thu nhập là khi tất cả mọi thành viên trong xã hội được hưởng mức thu nhập và sở hữu một lượng tài sản bằng nhau. Bình đẳng theo định nghĩa này gần như không bao giờ xảy ra trong thực tế nhưng nó là một tiêu chuẩn mang tính khách quan để dựa vào đó chúng ta đánh giá thực trạng phân phối của một quốc gia hay một xã hội. Khi mức thu nhập và sở hữu tài sản của các cá nhân có sự khác biệt, ta nói rằng xã hội tồn tại sự bất bình đẳng.

Khác với bình đẳng, khái niệm công bằng (equity) không chỉ quan tâm đến tương quan giữa thu nhập của các cá nhân mà còn quan tâm tới các đặc điểm riêng biệt của từng cá nhân, có thể bao gồm hoàn cảnh, khả năng, nỗ lực và mức sẵn sàng chịu rủi ro. Tuy nhiên, các cá nhân có thể có quan điểm khác nhau về các tiêu chí được đưa ra nhằm so sánh. Hiện nay, công bằng thường được đề cập dưới hai góc độ chính: kinh tế học và phát triển.

Dưới góc độ kinh tế học, công bằng được tiếp cận theo hai cách là công bằng ngang và công bằng dọc. Công bằng ngang đạt được khi những cá nhân có tình trạng ban đầu như nhau (về hoàn cảnh gia đình, tôn giáo, dân tộc, v.v) được đối xử như nhau. Công bằng dọc là sự đối xử khác nhau giữa những cá nhân có tình trạng ban đầu khác nhau nhằm khắc phục những khác biệt đó. Ta lấy ví dụ về dịch vụ y tế, một người nghèo và một người giàu có cùng một tình trạng bệnh tật cần được điều trị như nhau về thuốc men hay phác đồ nhằm đảm bảo công bằng ngang. Tuy nhiên, trong khi người giàu có thể phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, người nghèo có thể được giảm hoặc miễn chi phí theo các chương trình của Chính phủ. Điều này thể hiện khái niệm công bằng dọc. Tóm lại, công bằng ngang hoặc dọc đều hướng tới đến sự đối xử bình đẳng đối với các cá nhân. Nhờ đó, thu nhập và thành công của các cá nhân đạt được nhờ vào năng lực và nỗ lực chứ không phải do các yếu tố định trước như giới tính, chủng tộc, hoàn cảnh gia đình, v.v

Dưới góc độ phát triển, công bằng được nhìn nhận dựa trên cơ sở năng lực của mỗi đối tượng và quan hệ tương tác dài hạn giữa các đối tượng vì mục tiêu là sự phát triển nhanh và bền vững của cả cộng đồng. Cụ thể hơn, công bằng dưới góc độ phát triển bao gồm ba nguyên tắc liên quan mật thiết đến nhau: (1) Phân bổ nguồn lực theo hiệu quả kinh tế (2) Phân phối kết quả sản xuất theo năng suất lao động (3) Phúc lợi đảm bảo cơ hội phát triển cho các cá nhân. Ở nguyên tắc thứ nhất, công bằng phải đảm bảo phân bổ nguồn lực sản xuất dựa trên hiệu quả và khả năng của các đơn vị sản xuất. Sự dư thừa nguồn lực gây ra tình trạng giảm năng suất lao động dựa trên quy luật năng suất cận biên giảm dần. Trong khi đó, thiếu hụt nguồn lực gây lãng phí tiềm năng và kìm hãm sự phát triển. Ta lấy ví dụ, nếu phân chia cho một người nông dân ba thửa ruộng trong khi anh ta chỉ có đủ thời gian và khả năng để sản xuất hai thửa ruộng, chất lượng và năng suất lúa bình quân mỗi thửa sẽ giảm. Ngược lại, nếu chỉ được phân một thửa ruộng, một nửa thời gian lao động của anh ta sẽ bị lãng phí. Sự phân bố hợp lý nguồn lực sản xuất giúp mỗi đơn vị nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất và hiệu quả sử dụng nguồn lực của toàn xã hội được tối đa hoá. Ở nguyên tắc thứ hai, các cá nhân phải được đền đáp xứng đáng với đóng góp họ bỏ ra cho xã hội, bao gồm lao động sống và lao động quá khứ. Mức đền đáp thấp hơn hoặc cao hơn đều có khả năng triệt tiêu nỗ lực phấn đấu và khả năng sáng tạo của các cá nhân, qua đó kìm hãm sự phát triển. Mặt khác, do tổng sản lượng lao động là không đổi, sự trội lên (hay thiệt thòi) cho người này là sự thiệt thòi (trội lên) cho người khác. Do đó, sự công bằng trong phân phối kết quả sản xuất là rất quan trọng việc cực đại hoá năng suất lao động của mỗi cá nhân nói riêng và toàn xã hội nói chung. Nếu hai nguyên tắc đầu của công bằng phát triển hướng tới toàn thể các cá nhân trong xã hội thì nguyên tắc thứ ba tập trung vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Nghèo đói, bệnh tật, thiên tai và các yếu tố rủi ro khác làm cho một bộ phận dân chúng không phát huy được sức lao động của mình. Phúc lợi xã hội cho những người này sẽ giúp những thành phần dễ tổn thương được tiếp cận với các điều kiện tối thiểu nhất như giáo dục, y tế, qua đó tránh được tình trạng bần cùng hoá và giúp họ có khả năng nắm bắt các cơ hội phát triển.

Như vậy, ta có thể thấy hai khái niệm bình đẳng và công bằng khá tương đồng và bao hàm lẫn nhau. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, công bằng và bình đẳng lại có sự khác nhau cơ bản. Lấy ví dụ hai cá nhân được tạo điều kiện tiếp xúc với những cơ hội như nhau tuy nhiên một người thông minh, sáng tạo và nỗ lực hơn. Khi đó việc anh ta có thu nhập cao hơn sẽ là một kết cục thu nhập công bằng nhưng không bình đẳng. Dựa vào khái niệm công bằng phát triển, ta có thể nhận thấy phân phối thu nhập công bằng nên là một chỉ số được theo dõi nhằm hướng tới phát triển bền vững. Sự bình đẳng chỉ nên được dừng lại ở mức cơ hội phát triển.

Như đã đề cập ở trên, công bằng thu nhập là một khái niệm mang tính chủ quan và khó đo đạc. Do đó, dựa vào mối quan hệ tương đồng trong đa số trường hợp giữa bình đẳng và công bằng, chúng ta sẽ sử dụng sự bình đẳng hoặc bất bình đẳng như một đại diện hoặc một tín hiệu thể hiện sự công bằng hoặc bất công trong thu nhập.

—————————————

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Khái niệm bình đẳng và công bằng về tương quan giữa thu nhập của các cá nhân mà còn quan tâm tới các đặc điểm riêng biệt của từng cá nhân, có thể bao gồm hoàn cảnh, khả năng, nỗ lực và mức sẵn sàng chịu rủi ro….

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn bài Khái niệm bình đẳng và công bằng. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng – Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Leave a comment