Chia sẻ những tip thiết thực

Đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn Văn – Đề 4

0

Đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn Văn – Đề 4 do VnDoc ra đề, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 12 trong quá trình ôn thi đại học luyện thêm đề thi thử môn Ngữ văn có đáp án.

Đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn Văn – Đề 4

  • Đề thi thử THPT môn Ngữ Văn
  • Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2022
    • Đáp án Đọc hiểu văn bản 
    • Dàn ý Nghị luận xã hội về câu nói: Luôn luôn hi vọng, không bao giờ được tuyệt vọng. Đó là bản chất của người có tâm hồn lớn
    • Dàn ý Phân tích vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của con Sông Đà

Đề thi thử THPT Quốc Gia năm 2022 môn Ngữ Văn do Đội ngũ giáo viên VnDoc biên soạn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:

  • Phần Đọc hiểu văn bản gồm 4 câu hỏi được chọn lọc bám sát chương trình học, theo đúng 4 cấp độ Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng thấp – Vận dụng cao.
  • Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội 200 chữ và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn đại học năm nay.

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 12.

Bản quyền đề thi thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hình thức sao chép nhằm mục đích thương mại.

Đề thi thử THPT môn Ngữ Văn

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Chao ôi! Trăng đẹp lắm! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa! Biết bao cực khổ và lầm than?… Không, không, Ðiền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Ðiền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Ðiền muốn tránh sự thực, nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Ðiền khổ, con Ðiền khổ, cha mẹ Ðiền khổ. Chính Ðiền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Ðiền! Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Ðiền. Ðiền chẳng cần đi đâu cả. Ðiền chẳng cần trốn tránh, Ðiền cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời…

(Trích “Giăng sáng”, Nam Cao)

Câu 1 (0,5đ): Nêu các phương thức biểu đạt của đoạn trích trên.

Câu 2 (0,75đ): Tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào trong đoạn trích? Nêu tác dụng.

Câu 3 (0,75đ): Tâm trạng của nhân vật Điền được thể hiện qua những chi tiết nào?

Câu 4 (1đ): Anh/chị rút ra được thông điệp gì thông qua đoạn trích?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Nêu suy nghĩ của anh/chị về câu nói: “Luôn luôn hi vọng, không bao giờ được tuyệt vọng. Đó là bản chất của người có tâm hồn lớn”.

Câu 2 (5đ): Phân tích vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của con Sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2022

Đáp án Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5đ):

Các phương thức biểu đạt của đoạn trích: Biểu cảm, nghị luận.

Câu 2 (0,75đ):

Trong đoạn trích trên, tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật: Điệp cấu trúc câu: “biết bao…”, Câu cảm thán

Các biện pháp nghệ thuật này giúp cho bạn đọc hình dung ra sự thống khổ, những khó khăn đến cùng cực mà Điền cũng như người thân trong gia đình và xã hội lúc bấy giờ đang phải trải qua.

Câu 3 (0,75đ):

– Tâm trạng của nhân vật Điền được thể hiện qua những chi tiết:

Khi ngắm trăng, Điền cảm nhận được vẻ đẹp của trăng, nhưng đằng sau vẻ đẹp tinh túy đó là những nỗ lo về cuộc sống gia đình mà mình đang phải gánh chịu.

Điền muốn né tránh sự thật tàn nhẫn đó, tuy nhiên không có cách nào thoát ra, buộc Điền phải chấp nhận nó.

Câu 4 (1đ):

Thông điệp của đoạn trích: Trong cuộc sống, mỗi con người sẽ có những ước mơ và hoài bão của riêng mình, khi chúng ta đam mê với điều gì đó, chúng ta sẽ thấy nó vô cùng đẹp đẽ, cao cả. Tuy nhiên, cuộc sống sẽ có những khó khăn, những nỗi lo là rào cản để chúng ta thực hiện đam mê đó. Mỗi chúng ta cần phải biết cân bằng giữa thực tại cuộc sống và giấc mơ, đam mê của mình để có thể đạt được cuộc sống ổn định, cân bằng nhất.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ):

Dàn ý Nghị luận xã hội về câu nói: Luôn luôn hi vọng, không bao giờ được tuyệt vọng. Đó là bản chất của người có tâm hồn lớn

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu nói: Luôn luôn hi vọng, không bao giờ được tuyệt vọng. Đó là bản chất của người có tâm hồn lớn.

2. Thân bài

a. Giải thích

Hi vọng là niềm tin, sự tin tưởng vào những điều tốt đẹp sẽ xảy đến, sống lạc quan, không ngừng nỗ lực trong cuộc sống và công việc để có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

b. Phân tích

Trong cuộc sống, mỗi con người ai cũng sẽ có lúc gặp phải khó khăn, gian khổ, trắc trở. Nếu chúng ta không ngừng hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn, một cuộc sống tốt đẹp hơn ở phía trước, chúng ta sẽ có động lực để cố gắng vươn lên, vượt qua khó khăn ở thực tại.

Biết hi vọng, tin tưởng, con người ta sẽ trở nên lạc quan hơn, cuộc sống sẽ vui vẻ hơn và tận hưởng được trọn vẹn vẻ đẹp cuộc sống mang lại.

Người có sự hi vọng, cố gắng vươn lên sẽ được mọi người yêu quý, ngưỡng mộ và học tập theo, từ đó truyền được nguồn cảm hứng, những thông điệp tốt đẹp đến với mọi người, tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người tuy gặp khó khăn nhưng không ngừng hi vọng và vươn lên để minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, xác thực, được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Tuy nhiên trong xã hội vẫn còn có nhiều người sống với lối sống tiêu cực, bi quan, gặp chút khó khăn là muốn bỏ cuộc giữa chừng, không phấn đấu vươn lên mà chỉ dựa dẫm vào người khác. Lại có những người sống trong ảo tưởng về cuộc sống tốt đẹp mà không cố gắng vươn lên,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích.

3. Kết bài

Khẳng định lại tầm quan trọng của hi vọng và rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Câu 2 (5đ):

Dàn ý Phân tích vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của con Sông Đà

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân và tác phẩm Người lái đò sông Đà.

2. Thân bài

Từ trên tàu bay nhìn xuống “con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo”

“Mùa xuân xanh màu ngọc bích”, khác với sông Gâm, sông Lô “màu xanh canh hến”. Mùa thu nước sông “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa”

→ Sông Đà mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng, quyến rũ và tình tứ.

Nguyễn Tuân nhìn sông Đà như một cố nhân với những cảnh quan hai bên bờ cực kì gợi cảm: lá non nhú trên những nương ngô, những con hươu “ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương” Dòng sông Đà như gợi những nỗi niềm sâu thẳm trong lịch sử đất Việt: Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như nỗi niềm cổ tích xưa.

→ Nguyễn Tuân say mê miêu tả dòng sông với tất cả sự tinh tế của cảm xúc, và bằng một tình yêu thiết tha. Lòng ngưỡng mộ, trân trọng, nâng niu tự hào về một dòng sông đã tạo nên những trang văn đẹp hiếm có.

3. Kết bài

Khẳng định lại vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của con sông Đà và giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

—————————

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn Văn – Đề 4. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Giải bài tập Lịch Sử 12, Giải bài tập Địa Lí 12, Trắc nghiệm Toán 12, Giải bài tập Tiếng Anh lớp 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.

Leave a comment