Chia sẻ những tip thiết thực

Bộ đề đọc hiểu thi vào lớp 10 môn Văn năm 2021

Bộ đề đọc hiểu thi vào lớp 10 môn Văn năm 2021 do tip.edu.vn biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 9 luyện thêm đề môn Ngữ văn vào lớp 10 có đáp án.

Đề đọc hiểu Ngữ Văn 9 thi vào 10

  • Đề đọc hiểu văn bản số 1
  • Đề đọc hiểu văn bản số 2
  • Đề đọc hiểu văn bản số 3
  • Đề đọc hiểu văn bản số 4
  • Đề đọc hiểu văn bản số 5
  • Đề đọc hiểu văn bản số 6
  • Đề đọc hiểu văn bản số 7
  • Đề đọc hiểu văn bản số 8
  • Đề đọc hiểu văn bản số 9
  • Đề đọc hiểu văn bản số 10
  • Đề đọc hiểu văn bản số 11
  • Đề đọc hiểu văn bản số 12

Bộ đề đọc hiểu thi vào lớp 10 môn Văn năm 2021 bao gồm 12 đề đọc hiểu văn bản chọn lọc có đáp án với các câu hỏi giúp các em ôn luyện phần ngữ pháp Tiếng Việt của mình được hiệu quả.

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 9.

Bản quyền tài liệu thuộc về tip.edu.vn.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.

Đề đọc hiểu văn bản số 1

Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi:

Hành trang lên đường

Có một hòa thượng muốn đi học tập ở nơi xa. Sư thầy hỏi:

– Khi nào con đi?

– Tuần sau con sẽ đi. Đường xa, con đã nhờ người đan vài đôi giày cỏ, sau khi lấy giày con sẽ lên đường.

Sự thầy trầm ngâm một lát rồi nói:

– Nếu không thì thế này, ta sẽ nhờ các tín chúng quyên tặng giày cho con.

Không biết sư thầy đã nói với biết bao nhiêu người nhưng ngày hôm đó, có đến vài chục người đem giày đến tặng, chất đầy cả một góc căn phòng thiền. Sáng hôm sau, lại có người mang một chiếc ô đến tặng cho hòa thượng. Hòa thượng hỏi:

– Tại sao tín chủ lại tặng ô?

– Sư thầy nói rằng hòa thượng chuẩn bị đi xa, trên đường có thể sẽ gặp mưa lớn, sư thầy nói với tôi liệu tôi có thể tặng hòa thượng một chiếc ô?

Thế nhưng hôm đó, không chỉ có người đó mang ô đến tặng. Đến buổi tối, trong phòng thiền đã chất khoảng 50 chiếc ô các loại. Giờ học buổi tối kết thúc, sư thầy bước vào phòng thiền của hòa thượng:

– Giày cỏ và ô đã đủ chưa?

– Đủ rồi ạ! – Hòa thượng chỉ vào đống ô và giày cỏ chất cao như ngọn núi nhỏ trong góc phòng. – Nhiều quá rồi thầy ạ, con không thể mang tất cả đi được.

Sư thầy nói:

– Vậy sao được. Trời có lúc mưa lúc nắng, có ai tiên liệu được con sẽ phải đi bao xa, phải dầm bao nhiêu lần mưa gió. Nhỡ đâu giày cỏ đi rách hết cả, ô cũng mất, lúc đó con phải làm sao?

Ngừng một lát, ông lại tiếp tục:

– Trên đường đi, chắc chắn con sẽ gặp không ít sông suối, mai ta sẽ có lời nhờ tín chúng quyên thuyền, con hãy mang theo…

Đến lúc này, vị hòa thượng mới hiểu ra ý đồ của sư phụ. Hòa thượng quỳ rạp xuống đất, nói:

– Đệ tử sẽ xuất phát ngay bây giờ và sẽ không mang theo bất cứ thứ gì ạ.

Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính của câu chuyện.

Câu 2: Em thích nhất chi tiết nào trong câu chuyện? Vì sao?

Câu 3: Em hiểu thế nào về những hành động của sư thầy?

Câu 4: Câu chuyện giúp em nhận ra điều gì?

Đáp án Đề đọc hiểu văn bản số 1

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính của câu chuyện: tự sự

Câu 2:

Học sinh chọn ra những chi tiết tiêu biểu để cảm nhận: chi tiết chú tiểu được tặng giày, tặng ô; chi tiết sư thầy kêu gọi quyên góp đồ tặng chú tiểu; chi tiết chú tiểu vội vã lên đường. Giải thích tại sao lại chọn chi tiết đó.

Câu 3:

Hành động của sư thầy không chỉ giúp chú tiểu quyên góp được món đồ mình muốn mà đó còn là bài học sư thầy dạy cho chú tiểu: Khi làm bất cứ việc gì, điều quan trọng không phải là những vật ngoài thân đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hay chưa mà là ta đã đủ quyết tâm hay chưa.

Câu 4:

Câu chuyện mang đến cho chúng ta bài học: Những vật ngoài thân không quyết định đến thành công của chúng ta. Hãy mang trái tim của mình lên đường, mục tiêu dù ở xa bao nhiêu đi chăng nữa nhưng đường ở ngay dưới chân mình, hãy cứ đi rồi sẽ đến.

Đề đọc hiểu văn bản số 2

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Mẹ và Quả

Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng.

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.

Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?

(Nguyễn Khoa Điềm)

Câu 1 (0,5đ): Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?

Câu 2 (0,75đ): Bài thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Nêu tác dụng.

Câu 3 (0,75đ): Hình ảnh “Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?” gợi cho em suy nghĩ gì?

Câu 4 (1đ): Nêu suy nghĩ của em về bài thơ trên.

Đáp án Đề đọc hiểu văn bản số 2

Câu 1 (0,5đ): Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là biểu cảm.

Câu 2 (0,75đ):

Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích:

Ẩn dụ: “những mùa quả mẹ trồng”: ẩn dụ cho việc mẹ sinh ra, nuôi nấng, chăm sóc những đứa con thơ gian nan, vất vả nhưng mẹ luôn cố gắng đầy tâm huyết.

So sánh: “Những mùa quả lặn rồi lại mọc/ Như mặt trời, khi như mặt trăng.” Cứ hết mùa quả này mẹ lại trồng mùa quả khác cũng giống như vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại của mặt trời và mặt trăng; liên tưởng này giúp bạn đọc dễ dàng hình dung ra những công lao to lớn của mẹ.

Câu 3 (0,75đ):

Hình ảnh “Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?” gợi suy nghĩ: Sẽ là một nỗi sợ nếu phải rời xa vòng tay mẹ khi chưa đủ trưởng thành để đối diện với phong ba bão táp ngoài kia; sẽ không còn bến đỗ bình yên chúng ta có thể quay về sau những mệt mỏi.

Câu 4 (1đ):

Bài thơ “Mẹ và quả” đã gợi cho em nhiều ấn tượng sâu sắc: những đứa con giống như những loại quả mẹ vun trồng, một lòng chăm sóc chờ ngày đơm hoa kết trái nhận quả ngọt. Mẹ đã bỏ bao công sức, tâm huyết, tình yêu thương chỉ mong các con nên người. Bài thơ không chỉ nói về công lao to lớn của mẹ mà còn thể hiện sự biết ơn, tình yêu thương, trân trọng mà người con dành cho mẹ.

Đề đọc hiểu văn bản số 3

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Thân em thời trắng phận em tròn,
Bảy nổi ba chìm mấy nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son.

Câu 1 (0,5đ): Tác giả của bài thơ trên là ai?

Câu 2 (0,75đ): Nêu nội dung chính của bài thơ.

Câu 3 (0,75đ): Chỉ ra 01 biện pháp nghệ thuật nổi bật và nêu tác dụng.

Câu 4 (1đ): Qua bài thơ trên, anh/chị hiểu thêm điều gì về người phụ nữ trong xã hội cũ.

Đáp án Đề đọc hiểu văn bản số 3

Câu 1 (0,5đ):

Tác giả của bài thơ: Hồ Xuân Hương

Câu 2 (0,75đ):

Nội dung chính của bài thơ: nói về thân phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ không được lựa chọn hạnh phúc cho mình và phải nghe theo số phận đồng thời thể hiện tấm lòng thủy chung son sắt của họ.

Câu 3 (0,75đ):

Biện pháp nghệ thuật: vận dụng thành ngữ Bảy nổi ba chìm.

Tác dụng: Nói lên số phận long đong, lận đận, bất hạnh của người phụ nữ.

Câu 4 (1đ):

Người phụ nữ trong xã hội cũ chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi. Họ là người có tấm lòng thủy chung son sắt tuy nhiên lại không được lựa chọn, không được sống cuộc đời theo ý mình mà phải nghe theo sự sắp đặt của người khác để rồi rơi vào bi kịch.

Đề đọc hiểu văn bản số 4

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu

Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau – rạn vỡ

(Thuyền và biển – Xuân Quỳnh)

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,5đ): Nêu đối tượng được nhà thơ nhắc đến trong hai khổ thơ trên.

Câu 3 (1đ): Chỉ ra biện pháp nghệ thuật tiêu biểu của đoạn thơ và nêu tác dụng.

Câu 4 (1đ): Tác giả đã gửi gắm những tình cảm gì vào hai khổ thơ trên?

Đáp án Đề đọc hiểu văn bản số 4

Câu 1 (0,5đ):

Đoạn thơ được viết theo thể thơ năm chữ.

Câu 2 (0,5đ):

Đối tượng được tác giả nhắc đến là thuyền và biển. Qua hình ảnh ẩn dụ này để nói về người con trai và con gái trong tình yêu nhớ nhung những ngày xa cách.

Câu 3 (0,75đ):

Biện pháp nghệ thuật: ẩn dụ (hình ảnh thuyền và biển chỉ người con trai và con gái trong tình yêu) và điệp cấu trúc: “Chỉ có… mới…” và “ Những ngày không gặp nhau…”

Tác dụng: kín đáo thể hiện tình cảm, nỗi nhớ dành cho người yêu; làm cho bài thơ thêm giàu chất nhạc, chất trữ tình hơn.

Câu 4 (1đ):

Tình cảm tác giả gửi gắm vào hai khổ thơ: nỗi nhớ dạt dào và tình yêu thương vô bờ bến dành cho người yêu.

Đề đọc hiểu văn bản số 5

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Chúng ta nhận rõ cái kì diệu của văn nghệ khi chúng ta nghĩ đến những người rất đông, không phải ở trốn trong một cơ quan bí mật, không phải bị giam trong một nhà pha, mà bị chung thân trong cuộc đời u tối, vất vả không mở được mắt. Những người đàn bà nha quê lam lũ ngày trước, suốt đời đầu tắt mặt tối, sống tối tăm, vậy mà biến đổi khác hẳn, khi họ ru con hoặc hát ghẹo nhau bằng một câu ca dao, khi họ chen nhau say mê xem một buổi chèo. Câu ca dao tự bao giờ truyền lại đã gieo vào bóng tối những cuộc đời cực nhọc ấy một ánh sáng, lay động những tình cảm, ý nghĩ khác thường. Và ánh đèn buổi chèo, những nhân vật ra trò, những lời nói, những câu hát làm cho những con người ấy trong một buổi được cười hả dạ hay rỏ giấu một giọt nước mắt. Văn nghệ đã làm cho tâm hồn họ thực được sống. Lời gửi của văn nghệ là sự sống.”

(Tiếng nói của văn nghệ – Nguyễn Đình Thi)

Câu 1 (0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (0,5đ): Đối tượng được tác giả nêu ra trong đoạn trích là gì?

Câu 3 (0,75đ): Sự kì diệu của văn nghệ được tác giả thể hiện như thế nào?

Câu 4 (1,25đ): Qua đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào về tầm quan trọng của văn nghệ?

Đáp án Đề đọc hiểu văn bản số 5

Câu 1 (0,5đ):

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận.

Câu 2 (0,5đ):

Đối tượng: người phụ nữ và văn nghệ.

Câu 3 (0,75đ):

Sự kì diệu của văn nghệ được tác giả thể hiện: văn nghệ đánh thức tâm hồn cằn cỗi của con người.

Câu 4 (1,25đ):

Tầm quan trọng của văn nghệ: văn nghệ nuôi dưỡng tâm hồn, làm cho tâm hồn của con người tràn đầy sức sống hơn, chạm đến trái tim và giúp con người trở nên tốt đẹp hơn.

Đề đọc hiểu văn bản số 6

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ

Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh”

(Lưu Quang Vũ – Tiếng Việt)

Câu 1 (0,5đ): Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,75đ): Chỉ ra và phân tích biện pháp nghệ thuật được sử dụng chủ yếu trong văn bản.

Câu 3 (0,75đ): Văn bản thể hiện thái độ, tình cảm gì của tác giả đối với tiếng Việt?

Đáp án Đề đọc hiểu văn bản số 6

Câu 1 (0,5đ):

Văn bản được viết theo thể thơ tám chữ.

Câu 2 (0,75đ):

Biện pháp nghệ thuật được sử dụng chủ yếu: so sánh (tiếng Việt như đất cày, như lụa; Óng tre ngà và mềm mại như tơ; tiếng nói nghe như tiếng hát, như gió nước).

Tác dụng: miêu tả và nhấn mạnh vẻ đẹp của tiếng Việt.

Câu 3 (0,75đ):

Thái độ, tình cảm của tác giả đối với tiếng Việt: lòng yêu mến, thái độ trân trọng đối với vẻ đẹp và sự giàu có, phong phú của tiếng Việt.

Đề đọc hiểu văn bản số 7

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn.”

Câu 1 (0,25đ): Nêu câu chủ đề của văn bản.

Câu 2 (0,75đ): Từ đoạn văn trên, em hãy kể ra những “giá trị có sẵn tốt đẹp” của bản thân mình.

Câu 3 (1đ): Đoạn văn giúp em nhận ra điều gì?

Đáp án Đề đọc hiểu văn bản số 7

Câu 1 (0,5đ):

Câu chủ đề của đoạn văn: Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn.

Câu 2 (1đ):

Học sinh hình thành đoạn văn dựa vào các gợi ý sau:

Giá trị có sẵn tốt đẹp của em là gì?

Em đã thể hiện giá trị đó như thế nào?

Em cầm làm gì để hoàn thiện bản thân mình hơn?

Câu 3 (1,5đ):

Bài học rút ra sau đoạn văn:

Mỗi con người đều có những giá trị tốt đẹp riêng, hãy biết trân trọng giá trị đó.

Sớm nhận ra những yếu điểm của mình và có biện pháp khắc phục chúng để hoàn thiện bản thân hơn.

Có ý thức rèn luyện lối sống lành mạnh, tốt đẹp.

Đề đọc hiểu văn bản số 8

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Trong cuộc đời bình yên tựa nghìn xưa
Gần gũi nhất vẫn là cây lúa
Trưa nắng khát ước về vườn quả
Lúc xa nhà nhớ một dáng mây
Một dòng sông, ngọn núi, rừng cây
Một làn khói, một mùi hương trong gió…

Có mấy ai nhớ về ngọn cỏ
Mọc vô tình trên lối ta đi
Dẫu nhỏ nhoi không đáng nhớ làm chi
Không nghĩ đến nhưng mà vẫn có.

(trích Cỏ dại – Vĩnh Linh)

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,5đ): Tác giả đã kể ra những sự vật gần gũi, thân quen nào?

Câu 3 (1đ): Trong những sự vật ở quê nhà gần gũi mà tác giả kể trên, theo em tác giả gửi gắm tình cảm vào sự vật nào nhiều nhất? Vì sao?

Đáp án Đề đọc hiểu văn bản số 8

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2 (0,5đ):

Những sự vật được tác giả nhắc đến: cây lúa, vườn quả, dáng mây, dòng sông, ngọn núi, rừng cây, làn khói, mùi hương trong gió, ngọn cỏ.

Câu 3 (1đ):

Tác giả gửi gắm tình cảm nhiều nhất vào ngọn cỏ dại vì nó từ lâu đã âm thầm trở thành biểu tượng của quê nhà nhờ sức sống dẻo dai, mãnh liệt.

Đề đọc hiểu văn bản số 9

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Tôi là con gái Hà nội. Nói một cách kiệm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như cái đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”. Xa đến đâu mặc kệ, nhưng tôi thích ngắm tôi trong gương. Nó dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng.

Không hiểu sao các anh pháo thủ và lái xe lại hay hỏi thăm tôi. Hỏi thăm hoặc viết những thư dài gửi đường dây, làm như ở cách nhau hàng nghìn cây số, mặc dù có thể chào nhau hàng ngày. Tôi không săn sóc, vồn vã. Khi bọn bạn gái tôi xúm nhau lại đối đáp với một anh bộ đội nói giỏi nào đấy, tôi thường đứng ra xa, khoanh hai tay trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt. Nhưng chẳng qua tôi điệu thế thôi. Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.”

Câu 1 (0,5đ): Đoạn trích trên trích từ tác phẩm nào? Nêu tên tác giả.

Câu 2 (0,5đ): Nhân vật trong đoạn trích được miêu tả là người thế nào?

Câu 3 (1đ): Câu nói cuối của đoạn trích gợi lên cho em suy nghĩ gì?

Đáp án Đề đọc hiểu văn bản số 9

Câu 1 (0,5đ):

Đoạn trích trên trích từ truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của tác giả Lê Minh Khuê.

Câu 2 (0,5đ):

Nhân vật trong đoạn trích được miêu tả là một cô gái khá, hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như cái đài hoa loa kèn và có cái nhìn xa xăm.

Câu 3 (1đ):

Câu nói cuối gợi suy nghĩ: Những con người dũng cảm, yêu nước, sẵn sàng chiến đấu chống kẻ thù là những con người đẹp đẽ nhất không gì sánh bằng.

Đề đọc hiểu văn bản số 10

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

(Tương tư – Nguyễn Bính)

Câu 1 (0,25đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,75đ): Biện pháp nghệ thuật nổi bật trong đoạn thơ là gì? Nêu tác dụng.

Câu 3 (1đ): Qua đoạn thơ, em nêu cảm nhận của mình về tình yêu đôi lứa ngày xưa?

Đáp án Đề đọc hiểu văn bản số 10

Câu 1 (0,25đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ lục bát.

Câu 2 (0,75đ):

Biện pháp nghệ thuật nổi bật: ẩn dụ (cau, giầu, thôn Đoài, thôn Đông để chỉ người con trai và con gái trong tình yêu) và câu hỏi tu từ (Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?).

Tác dụng: nhấn mạnh nỗi nhớ và tình cảm tha thiết dành cho người thương đồng thời làm cho những câu thơ giàu hình ảnh hơn, hấp dẫn người đọc.

Câu 3 (1đ):

– Cảm nhận về tình yêu đôi lứa ngày xưa:

Họ luôn hướng về người yêu, hướng về nhau.

Nỗi nhớ được thể hiện thầm kín vô cùng đáng yêu.

Đề đọc hiểu văn bản số 11

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Có thói quen tốt và có thói quen xấu. Luôn dậy sớm, luôn đúng hẹn, giữ lời hứa, luôn đọc sách,… là thói quen tốt.

Hút thuốc lá, hay cáu giận, mất trật tự là thói quen xấu. Có người biết phân biệt tốt và xấu, nhưng vì đã hình thành thói quen nên rất khó bỏ, khó sửa. […]

Tạo được thói quen tốt là rất khó. Nhưng nhiễm thói quen xấu thì dễ. Cho nên mỗi người, mỗi gia đình hãy tự xem lại mình để tạo nên nếp sống đẹp, văn minh cho xã hội?

(Theo Băng Sơn, Giao tiếp đời thường)

Câu 1 (0,25đ): Theo tác giả, thế nào là thói quen tốt? Thế nào là thói quen xấu?

Câu 2 (0,75đ): Đoạn trích sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng.

Câu 3 (1đ): Để rèn luyện thói quen tốt bản thân em cần làm những gì?

Đáp án Đề đọc hiểu văn bản số 11

Câu 1 (0,25đ):

Thói quen tốt là: Luôn dậy sớm, luôn đúng hẹn, giữ lời hứa, luôn đọc sách,…

Thói quen xấu là: Hút thuốc lá, hay cáu giận, mất trật tự,…

Câu 2 (0,75đ):

Biện pháp tu từ: liệt kê (liệt kê những thói quen tốt và thói quen xấu).

Tác dụng: làm cho người đọc dễ dàng hình dung ra và hiểu biết hơn về khái niệm của thói quen tốt và thói quen xấu.

Câu 3 (1đ):

Học sinh tự trả lời: nêu ra những hành động giúp bản thân rèn luyện được thói quen tốt.

Đề đọc hiểu văn bản số 12

Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi:

Miền Trung

“(…) Miền Trung
Câu ví dặm nằm nghiêng
Trên nắng và dưới cát
Đến câu hát cũng hai lần sàng lại
Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm

Miền Trung
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất nghèo mùng tơi không kịp rớt
Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai giao mà trắng mặt người

Miền Trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Em gắng về
Đừng để mẹ già mong.”

(Hoàng Trần Cương)

Câu 1: Bài thơ được viết theo thể thơ gì?

Câu 2: Nêu nội dung chính của đoạn thơ.

Câu 3: Hình ảnh: “Miền Trung/ Eo đất này thắt đáy lưng ong/ Cho tình người đọng mật” để lại cho em suy nghĩ gì?

Câu 4: Đoạn thơ mang thông điệp gì?

Đáp án Đề đọc hiểu văn bản số 12

Câu 1:

Bài thơ được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2:

Đoạn thơ miêu tả chân thực những nỗi vất vả, khó nhọc mà người dân miền Trung phải sống, phải đối mặt hằng ngày; đồng thời cũng thể hiện tình cảm yêu mến của tác giả đối với mảnh đất nghèo này.

Câu 3:

Hình ảnh: “Miền Trung/ Eo đất này thắt đáy lưng ong/ Cho tình người đọng mật” đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc. Mảnh đất miền Trung tuy phải chịu nhiều thiên tai, bão lũ khiến cuộc sống của con người nơi đây vất vả, cơ cực. Tuy nhiên, họ là những con người dạt dào tình cảm, trân thành, giản dị, đó là những điều vô cùng đáng quý.

Câu 4:

Đoạn thơ miêu tả chân thực khó khăn trong cuộc sống của đông bào miền Trung đồng thời mang ý nghĩa, thông điệp sâu sa: con người dù sống ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào dù khó khăn về vật chất nhưng hãy giàu về tình cảm yêu thương, có như vậy xã hội mới ngày càng tốt lên được.

—————————

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

  • Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020
  • Đề thi minh họa vào lớp 10 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Yên Bái năm học 2020 – 2021
  • Tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn phần thơ và truyện
  • 10 đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ ôn thi vào lớp 10

Trên đây tip.edu.vn đã giới thiệu tới các em Bộ đề đọc hiểu thi vào lớp 10 môn Văn năm 2021. Để có kết quả cao hơn trong học tập, tip.edu.vn xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Đề thi vào lớp 10 môn Toán, Đề thi vào lớp 10 môn Tiếng Anh, Thông tin Tuyển sinh vào lớp 10, Đề thi vào lớp 10 môn Vật lý mà tip.edu.vn tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post