Chia sẻ những tip thiết thực

Bài văn hay Nghị luận xã hội về tình cảm gia đình – Cảm nghĩ về gia đình

0

Nghị luận về tình cảm gia đình trong cuộc sống để thấy gia đình chính là quê hương, là nơi tình yêu thương bắt đầu, là bến đỗ bình yên và cũng là nơi dựa vững chắc nhất đối với mỗi người. Tình cảm gia đình là tia sáng dẫn dắt chúng ta, là động lựa để mỗi người ngày một cố gắng. Trong nội dung bài viết dưới đây, hãy cùng Tip.edu.vn nghị luận xã hội về tình cảm gia đình trong cuộc sống. 

Gợi ý mở đề nghị luận xã hội về tình cảm gia đình 

Mở bài 1: 


“Con người có tổ có tông

Như cây có cội như sông có nguồn”

Câu ca dao ngắn gọn nhưng đã thể hiện rõ vai trò gia đình trong cuộc sống của mỗi người. Người ta có thể tung cánh bay đến nhiều phương trời xa lạ nhưng nơi cuối cùng yên bình nhất để quay về đó chính là gia đình. Không ai trong cuộc sống này có thể tách mình khỏi gia đình – điểm tựa tinh thần vững chắc ấy. Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng cao quý của con người.

Mở bài 2: Gia đình là hai từ thiêng liêng luôn nằm trong trái tim của mỗi người bởi “người ta vốn có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có duy nhất một chốn để trở về – đó chính là gia đình”. Tình cảm gia đình là món quà tinh thần vô giá giúp mỗi người có thêm sức sống và động lực vươn lên mỗi ngày. Những tình cảm gia đình là suối nguồn mát trong và ngọt lành nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người, để rồi dù đi đâu xa thì nơi mong ngóng với mỗi người chính là mái ấm gia đình. Cùng cảm nhận về gia đình và nghị luận về tình cảm gia đình qua bài viết dưới đây. 

Cảm nhận và nghị luận xã hội về tình cảm gia đình 

Trình bày suy nghĩ của em về tình cảm gia đình chính là việc tìm hiểu khái niệm, định nghĩa gia đình, tình cảm gia đình là gì hay thế nào là tình yêu gia đình. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần cảm nhận về ý nghĩa và vai trò của gia đình cũng như bài học rút ra khi tìm hiểu và cảm nhận về gia đình trong cuộc sống ngày nay. 

Khái niệm gia đình là gì? Tình cảm gia đình? Tình yêu gia đình?

Thế nào là gia đình? Gia đình theo định nghĩa khoa học chính là một cộng đồng những người sống chung, gắn bó với nhau và có quan hệ ruột thịt, bị ràng buộc bởi các mối quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân hay quan hệ nuôi dưỡng. Hiểu đơn giản thì gia đình chính là nơi mà ta đã sinh ra, nuôi ta khôn lớn và là nơi để ta trở về trước những giông tố của cuộc đời. 

Thế nào là tình cảm gia đình? Đó chính là sự giao thoa của nhiều mối quan hệ, là tình cảm cha mẹ dành cho con cái, của ông bà dành cho các con cháu, của con cái dành cho ông bà cha mẹ và của anh chị em đối với nhau…

Thế nào là tình yêu gia đình? Tình yêu gia đình là tình cảm mà mỗi người dành cho  những người thân yêu. Đó là sự gắn bó, là tình cảm gia đình bền vững mà năm tháng không thể nào xóa nhòa. 

Gia đình là cái nôi đầu tiên của cuộc đời ta. Ta sinh ra và lớn lên trong sự chở che nâng đỡ của gia đình. Gia đình chính là ngôi nhà nơi có những người thân yêu ruột thịt của chúng ta. Khái niệm gia đình không chỉ bó hẹp trong phạm mái nhà hay người ruột thịt mà khái niệm gia đình còn được mở rộng hơn. Mỗi người trong cuộc đời sẽ có cho mình nhiều gia đình. Đầu tiên không thể không nhắc đến đó là gia đình hạt nhân gồm cha mẹ và con cái, tiếp đến gia đình lớn hơn với ông bà, cô dì, chú bác, mở rộng tối đa đó còn là đại gia đình của thế giới này. 

Chúng ta có nhiều gia đình nhưng chắc chắn hai gia đình quan trọng nhất trong cuộc sống của mỗi con người chính là thứ nhất gia đình với cha mẹ con cái ông bà và thứ hai gia đình nhỏ của chúng ta khi xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Mỗi người có một tính cách riêng, một lối sống riêng, một lý tưởng riêng nhưng dưới một mái nhà sự khác biệt ấy không quan trọng mà được dung hòa lại với nhau trong gia đình. 

Tình cảm gia đình vì thế mà khắng khít gắn bó những tính cách khác nhau, những cá tính khác nhau. Sự gắn bó của các thành viên trong gia đình không phải một sớm một chiều mà là cả một quãng thời gian dài, cả một đời người. Cuộc sống bó buộc ta trong chằng chịt những mối quan hệ nhưng có lễ mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình là mối quan hệ ta tự nguyện được ràng buộc. Và ngay từ khi sinh ra, mối quan hệ đầu tiên được thiết lập trong cuộc đời mỗi người chính là mối quan hệ gia đình. 

Ta sinh ra trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, sống trong tình yêu thương, sự chở che quan tâm của cha mẹ. Đó là món quà vô giá mà thượng đế ban tặng mỗi người khi họ cất tiếng khóc chào đời. Bởi không ai có quyền lựa chọn gia đình mình khi chào đời. Tuy không có quyền lựa chọn nhưng ta có thể xây đắp gia đình cho mình. 

Mọi người trong gia đình đối xử với nhau bằng tất cả sự chân thành không lừa lọc, không toan tính. Chỉ có những thành viên trong gia đình mới có thể làm được điều đó. Ngoài kia xã hội có thể đấu đá tranh giành chỉ có gia đình là nơi bình yên nhất luôn mở cửa đón chờ ta quay về.

khái niệm gia đình là gì và nghị luận về tình cảm gia đình
Một gia đình hạnh phúc với nụ cười của các thành viên

Ý nghĩa của gia đình và cảm nghĩ về tình cảm gia đình

Gia đình chính là môi trường ta sinh thành và khôn lớn. Vì là gia đình là một trong những yếu tố quyết định việc hình thành tính cách con người. Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn. Một gia đình hạnh phúc sẽ tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc, một gia đình không vui vẻ tạo ra những đứa trẻ lãnh cảm…

Cha mẹ chính là tấm gương soi đầu tiên của đứa trẻ. Đứa trẻ mới chào đời như một tờ giấy trắng và cha mẹ là những người họa sĩ tâm hồn vẽ những đường nét, mảng màu đầu tiên vào trang giấy trắng ấy. Trẻ thơ sẽ học theo cách hành xử của cha mẹ, của các thành viên trong gia đình. Đầu tiên là thói quen sinh hoạt, đến tính cách. Và gia đình còn là nền tảng giáo dục đầu tiên. Một gia đình có văn hóa chú trọng đến giáo dục thì sẽ đào tạo ra những đứa trẻ siêng năng, ham học còn những gia đình không trọng việc học thì sẽ tạo ra những đứa trẻ không có hứng thú với việc học tập. 

Đứa trẻ còn là đại diện cho gia đình. Chúng ta không chỉ là kết tình yêu của cha mẹ mà còn là kết quả của sự giáo dục, của nếp sống gia đình. Nên nhìn vào gia đình người ta có thể đánh giá đứa trẻ và ngược lại nhìn vào đứa trẻ người ta cũng có thể đánh giá về cả gia đình ấy. Gia đình còn là cơ sở để hình thành tam quan của con người gồm nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan. Dù sau này còn có nhiều yếu tố tác động vào nhận thức của con người nhưng gia đình chính là yếu tố tác động đầu tiên. 

Nếu cha mẹ có giá trị quan đúng đắn sẽ phần nào định hướng được suy nghĩ, niềm tin của con nhưng nếu cha mẹ có giá trị quan tương đối lệch lạc như trọng nam khinh nữ thì điều đó sẽ vô tình làm lệch đi thế giới quan của con khi nào không hay biết. Nếu người lớn có thể dễ dàng và nhanh chóng điều chỉnh suy nghĩ tư tưởng của mình thì trẻ thơ lại không. 

Niềm tin ở trẻ được hình thành từ những người có sức tác động lớn đến cuộc đời như cha, mẹ và môi trường xã hội trẻ tiếp xúc thường xuyên. Niềm tin ấy, nhận thức ấy ở trẻ rất khó để thay đổi. Nếu cha mẹ không sớm nhận ra và tác động kịp thời thì có thể niềm tin ấy sẽ méo mó đến quan niệm sống sau này. Bên cạnh đó, gia đình còn là nơi nâng đỡ chắp cánh ước mơ cho mỗi người. Đó là nơi hình thành và khai phá ước mơ của mỗi con người. 

Cha mẹ cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến ước mơ của con trẻ. Gia đình không chỉ là nơi ăn chốn ở của mỗi người, cung cấp cho con người những nhu cầu cần thiết của cuộc sống mà đó còn là nơi bình yên khi con người mệt mỏi tìm về. Như chim về tổ thì con người cũng có một chốn dừng chân khi mệt mỏi. Sau một ngày dài làm việc vất vả còn gì hạnh phúc bằng được quay trở về nhà được ăn những món ngon mẹ nấu, được xem tivi cùng ba, hay chơi đùa với chú cún đáng yêu của mình. 

Dù đi đâu xa, ta cũng không thể nào thấy thoải mái như ở nhà mình. Đi thật nhiều để rồi nhận ra và thêm trân trọng mái ấm gia đình. Gia đình vì thế mà trở thành thước đo hạnh phúc cho mỗi người. Chỉ có những người trong gia đình mới có thể đối xử một cách chân thành nhất với nhau, không lừa lọc không toan tính thiệt hơn. Cuộc sống này hiếm có ai có thể chân thành với ta như thế. 

Đặc biệt là khi xã hội hiện nay quá nhiều cạm bẫy, con người trở nên vô cảm hơn. Các mối quan hệ cũng không còn được thiết lập trên cơ sở tình cảm mà được hình thành trên cơ sở lợi ích. Sống trong một xã hội vô bồ ấy, ta sẽ có lúc cảm thấy mỏi mệt mất niềm tin thì lúc ấy hãy buông bỏ hết tất cả mà quay trở lại bên gia đình. Gia đình trở thành một điểm tựa trong những ngày giông bão, là khoảng trời trong xanh tắm mát tâm hồn ta, là hơi ấm sưởi ấm tâm hồn ta trong những ngày giá lạnh. 

Khi mệt mỏi, cảm thấy cô đơn, thấy bơ vơ lạc lõng trước thế giới rộng lớn này hãy quay về bên gia đình. Đó là liều thuốc tinh thần tốt nhất. Khi thiếu động lực phấn đấu trong cuộc sống hãy nhớ đến gia đình, đó là động lực để bạn sống tốt hơn. Ngoài xã hội, để có thể tồn tại chúng ta phải mạnh mẽ gai góc đôi khi phải khoác lên mình những thứ bản thân không muốn, phải đeo nhiều chiếc mặt nạ. 

Nhưng ở nhà, bạn không cần phải giả vờ mạnh mẽ có thể òa khóc như một đứa trẻ trong vòng tay cha mẹ, bạn có thể sống thật với lòng mình mà không sợ bị ai xét nét, soi mói. Ngoài ra, gia đình còn là tế bào của xã hội. Nếu gia đình hạnh phúc sẽ góp phần kiến tạo nên một xã hội hạnh phúc. Một gia đình không hạnh phúc có khả năng tạo ra những mầm mống tệ nạn, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội. Không phải mà ngẫu nhiên các tội phạm, đặc biệt là những tội phạm giết người man rợ thường có điểm chung là gia đình không hạnh phúc.

Phê phán và mở rộng vấn đề khi nghị luận về tình cảm gia đình

Tuy gia đình quan trọng như thế nhưng lại có nhiều người lại xem nhẹ vai trò ảnh hưởng của nó. Điều này xuất phát từ cả cha mẹ và con cái. Trong vòng xoáy hiện tại, cha mẹ bộn bề với cuộc sống mưu sinh nên chưa có dành sự quan tâm đúng mực cho con cái khiến cho con cái cảm giác bị bỏ rơi, cô đơn lạc lõng ngay chính trong nơi bình yên nhất của đời người – gia đình. 

Chính vì cảm giác ấy mà những đứa con lại tìm đến những người bạn, kết giao với bạn xấu rồi bắt đầu sa vào tệ nạn xã hội, những cuộc vui chơi, những cuộc trụy lạc qua ngày tháng. Đến khi mọi việc vỡ lẽ thì cũng đã muộn. Trách cứ cũng chẳng giúp ích gì. Ngoài ra, gia đình đôi khi vẫn giữa những quan niệm hà khắc cổ hủ áp đặt suy nghĩ của mình một cách khắt khe lên những đứa con, điều đó đã vô tình gây nên áp lực lớn cho cuộc sống của những đứa con. 

Như điển hình là việc lựa chọn định hướng tương lai cho con cái. Có thể lấy trường hợp của ca sĩ Tóc Tiên là một ví dụ. Tóc Tiên là một nghệ sĩ đã đạt được nhiều tình cảm của khán giả Việt Nam với phong cách biểu diễn thu hút, giọng hát nội lực cũng như tư duy âm nhạc có nền tảng tốt. Nhưng dù thành công là thế, cô vẫn chưa bao giờ nhận được sự chấp nhận của mẹ kể từ khi Tóc Tiên từ bỏ trường Đại học Y danh giá để trở thành ca sĩ…

Bởi thế mà ca mẹ cũng cần phải mở lòng. Nhiều thứ cha mẹ cho rằng là tốt nhưng chưa chắc phù hợp với con cái. Bên cạnh đó, những đứa con khi thành đạt thay vì quay về báo hiếu cho cha mẹ thì lại xem đó là một gánh nặng, đẩy cha mẹ vào viện dưỡng lão. Và với lí do bận rộn công việc, những cú điện thoại liên lạc cũng thưa thớt dần, những bữa cơm nóng hổi mẹ nấu không còn ý nghĩa bằng những món ăn nhạt nhẽo ngoài quán cùng bạn bè. Cứ thế mối quan hệ với gia đình trở nên xa dần…

Nếu không biết trân quý tình cảm gia đình, một ngày nào đó mất đi rồi hối tiếc cũng không kịp. Có những người có thể hào sảng với bạn bè, đồng nghiệp nhưng với gia đình thì lại tính toán chi li từng chút một. Những người như thế không đáng được trân trọng và liệu họ có xứng đáng được thành công, được yêu thương.

Bài học rút ra về giá trị và vai trò của gia đình đối với mỗi người

Tình cảm gia đình cũng như những tình cảm cần được bồi đắp. Và tình cảm ấy không chỉ thể hiện qua những lời yêu thương ngọt ngào mà còn cần được thể hiện bằng hành động, dù chỉ là một hành động nhỏ như phụ giúp mẹ làm việc nhà, lâu lâu tặng mẹ một món quà nhỏ hay thỉnh thoảng trò chuyện uống trà cùng cha, quan tâm hơn đến sức khỏe của cha mẹ. 

Lời yêu thương nếu chỉ nói ra mà không thực hiện thì nó cũng chỉ là những lời nói hời hợt. Hãy tạm gác lại những bộn bề xung quanh, quan tâm nhiều hơn đến những điều nhỏ nhoi trong cuộc sống như gia đình. Tạm gác những chuyến đi chơi, những cuộc hẹn trà sữa cùng đám bạn mà ngồi xuống cùng cha mẹ ăn một bữa cơm, cùng cha mẹ chuyện trò. Đừng để mọi thứ đã quá muộn màng.

nghị luận về tình cảm gia đình và bài học rút ra
Gia đình là chốn để trở về sau biết bao giống tố của cuộc đời

Gợi ý kết đề nghị luận xã hội về tình cảm gia đình 

Kết bài 1: Hãy cảm ơn cuộc đời đã cho ta một mái ấm. Nhìn vào những đứa trẻ cô đơn lang thang ngoài kia bạn đã may mắn hơn chúng rất nhiều khi có một gia đình. Dù cuộc sống có như thế nào thì gia đình vẫn là nơi bình yên nhất. Giá trị của gia đình chính là điểm tựa tinh thần vững chắc mà mỗi chúng ta cần phải trân quý.

Kết bài 2: Tình cảm gia đình chính là thứ tình cảm thiêng liêng, sâu nặng, là bến đỗ an nhiên và vững bền nhất mà mỗi người có được trong cuộc sống này. Biết trân quý gia đình và hơn hết là dành thời gian cho gia đình để mỗi khi ngoảnh lại, ta không phải hối tiếc vì đã sống vội, đã sống thờ ơ với những người thân yêu… 

Dàn ý nghị luận về tình cảm gia đình trong cuộc sống 

Để nắm được nội dung bài viết trên đây, mời bạn cùng tham khảo dàn ý nghị luận về tình cảm gia đình. 

Mở bài nghị luận về tình cảm gia đình với mỗi người

  • Giới thiệu dẫn dắt vấn đề trình bày suy nghĩ của em về tình cảm gia đình.
  • Nêu tóm lược ý nghĩa, vai trò và giá trị của gia đình trong cuộc sống.

Thân bài nghị luận xã hội về tình cảm gia đình 

  • Định nghĩa gia đình là gì? Tình cảm gia đình là gì? Thế nào là tình yêu gia đinh?.
  • Nêu ý nghĩa của gia đình, các biểu hiện của tình cảm gia đình trong cuộc sống. 
  • Phê phán sự thờ ơ với gia đình, đồng thời mở rộng vấn đề nghị luận về tình cảm gia đình.
  • Đưa ra bài học về vai trò và giá trị của tình cảm gia đình trong cuộc sống. 

Kết bài nghị luận xã hội về tình cảm gia đình

  • Tóm lược ý nghĩa, giá trị của tình cảm gia đình với mỗi người.
  • Đưa ra những cảm nhận về tình cảm gia đình của bản thân.

Mái ấm gia đình là thứ vô giá mà nơi đó không chỉ có mẹ cha vun đắp gìn giữ mà còn là trách nhiệm của những người làm con. Hãy biết trân quý từng khoảnh khắc mà mỗi chúng ta được gần gũi bên gia đình, bên mẹ cha cùng những người thân yêu. Bởi gia đình là nơi để trở về, và cũng chính gia đình là nơi dựa an yên nhất với mỗi người.    

Bài viết trên đây của Tip.edu.vn hy vọng đã cung cấp cho bạn những ý văn hay khi trình bày cảm nhận và suy nghĩ về tình cảm gia đình. Nếu có bất cứ đóng góp hay thắc mắc gì liên quan đến chủ đề Nghị luận về tình cảm gia đình, đừng quên để lại nhận xét bên dưới để cùng chúng tôi trao đổi thêm nhé. Chúc bạn luôn học tập tốt!. 

Xem thêm:

  • Nghị luận Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
  • Nghị luận về ý chí nghị lực của con người trong cuộc sống
  • Nghị luận xã hội về lòng yêu nước của thanh niên hiện nay
  • Nghị luận xã hội về giá trị của bản thân [Bài viết Ý NGHĨA nhất]
  • Bài văn Nghị luận xã hội suy nghĩ về lời xin lỗi trong cuộc sống
  • Bài văn Nghị luận xã hội Suy nghĩ của em về tình mẫu tử [HAY NHẤT]
  • Trình bày suy nghĩ Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới
  • Nghị luận xã hội về niềm tin trong cuộc sống – Sức mạnh của niềm tin
  • Nghị luận xã hội về tuổi trẻ và tương lai đất nước [Bài viết hay Ý NGHĨA]

Xem thêm nhiều bài viết hay về Hỏi Đáp Văn Học

▪️ TIP.EDU.VN chia sẻ tài liệu môn Toán các lớp 1 , 2 , 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10, 11, 12 và ôn thi THPT Quốc gia, phục vụ tốt nhất cho các em học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong quá trình học tập – giảng dạy.
▪️ TIP.EDU.VN có trách nhiệm cung cấp đến bạn đọc những tài liệu và bài viết tốt nhất, cập nhật thường xuyên, kiểm định chất lượng nội dung kỹ càng trước khi đăng tải.
▪️ Bạn đọc không được sử dụng những tài nguyên trang web với mục đích trục lợi.
▪️ Tất cả các bài viết trên website này đều do chúng tôi biên soạn và tổng hợp. Hãy ghi nguồn website https://tip.edu.vn/ khi copy bài viết.

Rate this post
Leave a comment